Sức khỏe

Bỏ tư duy xin - cho khám bệnh

Thời gian gần đây, Bộ Y tế liên tục có văn bản gửi các bệnh viện yêu cầu làm rõ phản ánh của người dân trên Facebook

Gần đây nhất, 1 nam thanh niên đã viết tâm thư trên fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế vì bức xúc với thái độ của nhân viên Bệnh viện (BV) Việt Đức khi đưa người thân đến khám cấp cứu. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo các đơn vị chức năng có văn bản đề nghị BV Việt Đức khẩn trương kiểm tra thông tin, xem xét xử lý các nội dung phản ánh.

Trước đó, Bộ Y tế cũng có công văn khẩn gửi BV Bạch Mai (Hà Nội) yêu cầu xác minh sau khi trên một tài khoản Facebook chia sẻ thông tin kèm bức ảnh chụp nữ nhân viên y tế khoa này vô tư “buôn” điện thoại, bất chấp nhiều bệnh nhân đang chờ đợi làm thủ tục. Sau khi nhận được công văn của Bộ Y tế, các BV đều vào cuộc làm rõ sự việc. Với hành vi “buôn” điện thoại đúng như phản ánh, nữ nhân viên BV Bạch Mai đã bị dừng ký hợp đồng lao động, chuyển sang vị trí khác để tiếp tục thử thách.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế, cho biết trong nhiều trường hợp, bệnh nhân và người nhà do chưa hiểu rõ quy trình khám chữa bệnh nên đã bức xúc khi phải chờ đợi, nghĩ rằng bác sĩ thờ ơ, không quan tâm đến họ. Tùy vào tình hình bệnh tật, các bác sĩ có những chỉ định, ưu tiên khác nhau. Đôi khi bệnh nhân quá đông, bệnh nhân triệu chứng bệnh chưa rõ thì phải đợi làm các xét nghiệm, chiếu chụp để xác định rõ tổn thương. Từ đó, bác sĩ mới có các phác đồ điều trị, kê đơn, bốc thuốc… Quá trình này đều phải chờ đợi, bệnh nhân và người nhà không thể “cứ vào viện là hết đau, khỏi bệnh” ngay lập tức.

“Vấn đề quan trọng là cán bộ y tế phải giải thích, tư vấn cho người bệnh rõ về tình hình bệnh tật của mình để người nhà tuân thủ quy trình khám, yên tâm chờ đợi. Ở nước ngoài có bác sĩ tâm lý tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhưng tại Việt Nam, vấn đề này còn khá xa lạ. Điều đó khiến các bác sĩ phải “tay năm tay mười”, vừa khám, chữa trị vừa mất nhiều thời gian giải thích cho người nhà, đôi khi nhiều việc quá mà giải thích không đầy đủ, càng dẫn đến hiểu nhầm bác sĩ thờ ơ” - ông Đình Anh phân tích.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, các BV nên nâng cao chất lượng của đội ngũ điều dưỡng; đào tạo cho họ thái độ, kỹ năng phục vụ bệnh nhân chuyên nghiệp, có các ứng xử khi bệnh nhân nổi nóng.

Từ thực tế thị sát các BV, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các BV phải đổi mới toàn diện, đổi mới tư duy. Bệnh nhân đến các cơ sở y tế không phải là người đi “xin” để được thầy thuốc “cho” khám chữa bệnh mà đây là mối quan hệ cung cấp và mua dịch vụ. Cơ sở khám chữa bệnh muốn thực hiện tốt dịch vụ của mình thì phải coi bệnh nhân là “thượng đế”, là khách hàng đặc biệt.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG
Người lao động

© 2021 FAP
  18,880,699       41/1,068