Sức khỏe

Thiếu vi chất sinh nhiều bệnh

Các chuyên gia ví chế độ ăn thiếu những vi chất như một “nạn đói tiềm ẩn”, đe dọa sự phát triển thể chất, trí tuệ và dẫn đến nhiều nguy cơ sinh bệnh

Tại hội nghị về bổ sung 4 vi chất dinh dưỡng i-ốt, sắt, kẽm, vitamin A do Bộ Y tế vừa tổ chức ở TP HCM, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, đã nhấn mạnh rằng những năm gần đây, bệnh tật liên quan đến thiếu vi chất ngày càng tăng. Đây là vấn đề của y tế công cộng.

25% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi

Theo PGS-TS-BS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, thống kê vào năm 2014 cho thấy có đến 14,5% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thiếu cân, còn tỉ lệ trẻ thấp còi chiếm đến 24,9%. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc khẩu phần ăn thiếu sắt và vitamin A được coi là một trong các nguyên nhân chủ yếu rất đáng lưu ý.

Một nghiên cứu đa quốc gia vùng Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có gần 3.000 trẻ dưới 12 tuổi được khảo sát, cho thấy việc thiếu sắt và vitamin A khá trầm trọng. Cụ thể, nếu so sánh với nhu cầu khuyến nghị của khẩu phần, trẻ ở độ tuổi dưới 3 chỉ “nạp” 62% lượng sắt và 86% lượng vitamin A cần thiết. Tỉ lệ này giảm dần theo các nhóm tuổi. Đến khoảng 9-11,9 tuổi, tỉ lệ này chỉ còn 54% và 43%.

Đối với nhóm protein, vitamin B1, B2, canxi thì chỉ có trẻ dưới 6 tuổi là được đáp ứng trên mức khuyến nghị. Theo các chuyên gia, điều này có thể liên quan đến việc trẻ được sử dụng sữa và có chế độ ăn “ưu tiên” khi còn nhỏ. Khi qua tuổi lên 6, tỉ lệ các chất này so với nhu cầu khuyến nghị tiếp tục giảm mạnh. Trong đó, đáng lo nhất là canxi - chỉ đạt 59% ở trẻ 6-8,9 tuổi và 45% ở trẻ 9-11,9 tuổi. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển khung xương và tầm vóc bởi từ 11 tuổi trở đi, phần lớn các trẻ bước vào thời điểm tiền dậy thì.

Tỉ lệ thiếu máu ở trẻ em cũng rất đáng lo ngại. Theo khảo sát năm 2015 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, có đến 22,2% trẻ thành thị, 28,4% trẻ nông thôn và 31,2% trẻ em miền núi bị thiếu máu. Tỉ lệ thiếu máu cao nhất rơi vào nhóm 6-12 tháng tuổi và giảm dần ở các nhóm tuổi lớn hơn. Khoảng 1/4 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng bị thiếu máu.

Ngoài ra, tỉ lệ thiếu kẽm cũng đáng lo ngại - theo một khảo sát quốc gia vào năm 2015 là 58,4% đối với trẻ em và 63,6% ở độ tuổi sinh đẻ, tăng so với khảo sát tương tự năm 2009. Thiếu kẽm ở trẻ em có thể gây chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, hệ miễn dịch kém… Ở thai phụ, thiếu vi chất này có thể dẫn đến sinh non, dễ sẩy thai và nhiều nguy cơ khác cho mẹ và bé.

Tăng cường chất lượng thực phẩm

Bà Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế, ví thiếu vi chất như một “nạn đói tiềm ẩn”. Nhìn trẻ không có vẻ gì ốm yếu, có khi lại còn béo phì nên người ta không nghĩ rằng chúng có một chế độ ăn thiếu chất. Sự thiếu thốn này sẽ âm thầm ảnh hưởng lên sự phát triển thể chất lẫn tinh thần và dẫn đến nhiều nguy cơ gây bệnh.

Ví dụ, thiếu i-ốt có thể gây bướu cổ, đần độn và các rối loạn khác. Thiếu sắt gây thiếu máu và các hậu quả kèm theo (chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ). Thiếu kẽm làm hạn chế tăng trưởng, nguy cơ mắc một số rối loạn chuyển hóa, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương, suy giảm chức năng sinh dục. Thiếu vitamin A gây khô mắt, mù lòa, còi cọc, suy dinh dưỡng… Do đó, Nghị định 09/2016 bắt buộc các doanh nghiệp tăng cường i-ốt vào muối; tăng cường sắt, kẽm vào bột mì và tăng cường vitamin A vào dầu thực vật...

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân cũng nên chú ý hơn đến bữa ăn hằng ngày. Cụ thể, nên ăn nhiều loại thực phẩm, đủ các nhóm trên tháp dinh dưỡng; phối hợp đạm động vật và đạm thực vật, dầu thực vật và mỡ động vật trong chế biến; sử dụng muối i-ốt và không ăn mặn; uống đủ nước sạch, ăn rau quả hằng ngày; cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì sữa mẹ đến 24 tháng; trẻ lớn hơn và người lớn nên bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa phù hợp với lứa tuổi...

ANH THƯ
Người lao động

© 2021 FAP
  18,885,491       49/1,073