Sức khỏe

Bất thường bệnh tay chân miệng

Việc một bé gái gần 2 tuổi ở Hậu Giang vừa tử vong do bệnh tay chân miệng cho thấy bệnh này đang diễn biến bất thường

Ngày 7-1, bà Nguyễn Thị Cà, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Hậu Giang, xác nhận bé Trương Thị Như Quỳnh (21 tháng tuổi; ngụ TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) đã tử vong vì bệnh tay chân miệng (TCM) sau 5 ngày điều trị.

Lây lan nhanh

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Hậu Giang, trong năm 2014, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 1.100 ca nhiễm TCM, tăng 22% so với năm 2013. Riêng những ngày đầu năm 2015, trung bình mỗi ngày có khoảng 15-20 ca nhiễm TCM được phát hiện.

Trẻ điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ 
Ảnh: PHẠM CÔNG
Trẻ điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ Ảnh: PHẠM CÔNG

Đồng Tháp được xem là địa phương có số ca nhiễm TCM nhiều nhất khu vực ĐBSCL (khoảng 5.000 ca trong năm 2014), trong đó 1 ca tử vong ở huyện Tháp Mười. Tuần đầu tiên của năm 2015, số ca nhiễm TCM ở tỉnh này vào khoảng 40 trường hợp. Tại Bạc Liêu, dịch TCM cũng đang lây lan nhanh ở các huyện Phước Long, Đông Hải, Hồng Dân và TP Bạc Liêu.

BV Đa khoa Vĩnh Long ngày 7-1 đang điều trị cho 8 ca mắc bệnh TCM. Bác sĩ Phan Văn Năm, phó giám đốc BV, cho biết mỗi ngày có khoảng 10 ca đến khám TCM. Số liệu từ Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho thấy năm 2014, cả tỉnh có hơn 2.100 ca TCM.

Theo nhận định từ ngành y tế các địa phương ĐBSCL, số ca mắc TCM không chỉ tăng về số lượng mà cả mức độ nhiễm bệnh. Bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc BV Nhi đồng TP Cần Thơ, cho hay cao điểm của bệnh TCM thường xảy ra từ tháng 6 trở đi. Tuy nhiên, mới những ngày đầu năm mà bệnh đã diễn biến bất thường.

Trước tình hình bệnh TCM đang lây lan nhanh, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng. Anh Nguyễn Chí Thanh - có con đang học mẫu giáo ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - cảm thấy bất an trước thông tin bệnh TCM gây chết trẻ bởi con của anh đã 2 lần mắc bệnh này. Trong khi đó, mặc dù vừa được Khoa Nhi BV Phụ sản Phương Châu (TP Cần Thơ) cho con trai mình xuất viện nhưng anh Lê Triều Dân (ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) vẫn lo sợ có thể bị nhiễm lại.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay thời điểm này, tuy chưa vào đỉnh điểm của bệnh nhưng người dân không nên chủ quan. “Thông thường theo chu kỳ, bệnh bùng phát mạnh sau 3-5 năm. Năm 2015 chưa rơi vào chu kỳ đỉnh nhưng cũng không loại trừ bệnh sẽ diễn biến bất thường” - ông Phu nhấn mạnh.

Khó khăn lớn nhất đối với việc phòng chống bệnh TCM hiện nay là chưa có vắc-xin phòng ngừa. Nguyên nhân gây bệnh lại do virus đường ruột, lây lan theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cách phòng bệnh duy nhất là vệ sinh bàn tay cho trẻ, khử khuẩn các đồ chơi, dụng cụ, nhà cửa. Khi đã mắc bệnh và được điều trị khỏi, trẻ vẫn có thể tái phát. Theo ông Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, bệnh TCM chủ yếu lây lan theo đường tiêu hóa. Không chỉ do trẻ thường xuyên tiếp xúc với nhau mới lây bệnh mà do người lớn mang virus ở ngoài về nhà cũng lây cho trẻ. Do vậy, nếu cha mẹ đi đến những nơi có bệnh TCM thì khi về nhà hãy tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ.

Người lao động

© 2021 FAP
  18,693,762       240/1,271