Sức khỏe

Y học Việt Nam nâng tầm

Theo Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có hơn 40.000 lượt bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh, chi phí khoảng 2 tỉ USD. Tuy nhiên, có một thực tế là ngày càng nhiều bác sĩ ở nước ngoài đến Việt Nam để học nghề

Những ngày gần đây, ThS-BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM) kiêm Phó Chủ tịch Hội Nội soi khớp Đông Nam Á - dù bận rộn công việc nhưng cũng không quên cùng đồng nghiệp lên kế hoạch đón một tốp bác sĩ từ Indonesia sang Việt Nam vào tháng 5 tới để học về kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp trong khuôn khổ chương trình Fellowships Indonesia. Tại Đông Nam Á có 3 nơi đủ khả năng đào tạo mà Việt Nam là 1 trong số đó.

Những địa chỉ quen thuộc

Đây không phải là lần đầu tiên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đón nhận những bác sĩ nước ngoài sang học kỹ thuật y khoa về nội soi khớp. PGS-TS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết ông không nhớ hết những lần bác sĩ, sinh viên đến học tập, thực tập lâm sàng, song có những người được bệnh viện lưu tên, cấp chứng nhận sau đào tạo như các bác sĩ Ariyanto Bawono (Bệnh viện Yarisis), Sholahuddin Rhatomy (Bệnh viện Soeradji Tirtonegoro), Azeta Arif (Bệnh viện RSUD Majalengka) đến từ Indonesia; Vanger Nengmongvang, Keo Phommatrat, Songvinay Phiousodalith, Kong Kham Sounthavong đến từ Lào… Ngoài các bác sĩ nước ngoài đến học tập, bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân có quốc tịch Pháp, Singapore...

TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết từ năm 2013 đến nay, bệnh viện đã bắt đầu tiếp nhận nhiều bác sĩ nước ngoài sang học kỹ thuật nội soi về ngoại niệu với thời gian 6 tháng, chưa kể hàng trăm sinh viên y khoa Pháp đến thực tập kỹ năng lâm sàng. Các khoa được sinh viên học tập là nội tim mạch, ngoại thần kinh.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, huấn luyện kỹ thuật nội soi cho các bác sĩ nước ngoài. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, huấn luyện kỹ thuật nội soi cho các bác sĩ nước ngoài. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Một nơi được cho là điểm đến thường xuyên của rất nhiều bác sĩ ngoại là Trung tâm Huấn luyện Phẫu thuật nội soi (PTNS) thuộc Trường ĐH Y Dược TP HCM. Nhiều năm qua, nơi đây là địa chỉ quen thuộc của các bác sĩ đến từ Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Nhật… Đội ngũ giảng viên gồm các chuyên gia y tế như PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc (Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM kiêm Giám đốc Trung tâm Huấn luyện PTNS), PGS-TS-BS Đỗ Trọng Hải, PGS-TS-BS Đỗ Đình Công, PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Cường… Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, từ năm 2007 - 2013, Trung tâm Huấn luyện PTNS đã đón nhận 850 bác sĩ đến nghiên cứu về phẫu thuật nội soi ổ bụng, mũi xoang, mũi xoang nâng cao, khớp, tiết niệu, lồng ngực.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ vài năm nay, bệnh viện đã đào tạo và chuyển giao kỹ thuật PTNS cho hàng trăm bác sĩ đến từ các nước có nền y học khá phát triển như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Pakistan và Úc. Theo thống kê của các cơ sở y tế lớn tại TP HCM những năm gần đây, số y - bác sĩ nước ngoài sang Việt Nam học nghề tăng vọt. Một bác sĩ đến từ Philippines cho biết ông nghe nói trình độ PTNS của Việt Nam từ lâu và rất ấn tượng với những báo cáo khoa học mà các bác sĩ Việt Nam trình bày tại nhiều hội nghị quốc tế. “Vì vậy, tôi sang Việt Nam để làm giàu kiến thức chuyên môn của mình” - ông nói.

Nhiều kỹ thuật mới

Theo các chuyên gia, nhiều kỹ thuật mới ở Việt Nam đã tương đương khu vực và các nước phát triển như tim mạch, mắt, thẩm mỹ, nha khoa, kỹ thuật nội soi... Nền y học nước ta đã có những kỹ thuật vượt bậc, song hành cùng thế giới nên ngày càng nhiều bác sĩ, sinh viên y khoa đến học tập, thực hành lâm sàng.

Đáng kể nhất là kỹ thuật PTNS. Kể từ ca nội soi cắt túi mật đầu tiên trên thế giới vào năm 1987, PTNS ngày càng trở thành nhu cầu và xu hướng ở hầu hết trung tâm y khoa trên thế giới. Ở nước ta, trong vòng 20 năm nay, các kỹ thuật PTNS từ đơn giản đến phức tạp được phát triển khá mạnh, như cắt thực quản qua nội soi, cắt dạ dày và nạo hạch, cắt đại trực tràng qua đường tự nhiên, lấy thận ghép… Vì vậy, ngày càng có nhiều bác sĩ nước ngoài sang học hỏi.

Nhìn nhận vấn đề này, ThS-BS Tăng Hà Nam Anh cho rằng về mặt thực hành lâm sàng, chúng ta không hề mặc cảm với thế giới, mà chỉ không bằng họ về nghiên cứu cơ bản. Bác sĩ nước ngoài tìm đến Việt Nam học tập đã được đào tạo bài bản; trung tâm đào tạo có máy mô phỏng phẫu thuật, độ khó tăng dần; có xác tươi để thực tập, khi thật sự thành thạo, họ mới được phép vào phòng phẫu thuật phụ mổ. Nhiều học viên khi về nước đã có phản hồi đánh giá cao việc đào tạo của Việt Nam vì học xong là có thể áp dụng ngay.

“Trước đây, khi đi học ở nước ngoài, nhiều thứ mình còn bỡ ngỡ, tự ti. Nhưng nay các bác sĩ trẻ tỏ ra rất tự tin khi ra nước ngoài và ngay cả khi các đoàn bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam” - bác sĩ Nam Anh nhận xét. Nói như PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc: “Trình độ y học Việt Nam có một số kỹ thuật đạt tầm cao. Thậm chí, nhiều chuyên gia y học Việt Nam còn được mời giảng dạy nhiều nơi trên thế giới”. 

Theo các chuyên gia, ngoài lĩnh vực tây y, có khá nhiều đoàn bác sĩ Pháp, Mỹ, Hà Lan… sang Việt Nam để học tập, nghiên cứu y học cổ truyền. Họ cho rằng y học cổ truyền của Việt Nam dễ tiếp cận vì gần với nhãn quan y học hiện đại.

Người lao động

© 2021 FAP
  18,858,141       42/1,039