Sức khỏe

Nổi gân xanh, hành suýt chết!

Bệnh thường xảy ra ở những người làm công việc hay nghề nghiệp đòi hỏi ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động như nhân viên văn phòng, tài xế, giáo viên, nhân viên bán hàng…

Ông V.Đ.L (57 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) làm nghề sửa chữa điện tử, gần đây thường bị nặng chân, mỏi ở bàn chân, có gân xanh nổi lên, buổi chiều tê chân đứng không vững. Khám tại các bệnh viện (BV) ông đều nhận được kết luận là bị bong gân, thần kinh tọa. Uống thuốc nhưng bệnh không khỏi. Sau đó bệnh ngày càng nặng khiến ông gặp khó khăn trong sinh hoạt, thậm chí mỗi lần đi xe máy chân không đạp được thắng và số. Mới đây, trong một lần đi khám, bác sĩ xác định ông bị suy tĩnh mạch mạn tính, giãn tĩnh mạch chi.

Gần 80% mù bệnh

Chị L.T.C.L (37  tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM), làm nhân viên văn phòng, khi ngủ chân hay bị chuột rút, nhức mỏi nhưng cứ tưởng thiếu máu, hạ canxi. Khi bệnh tình ngày càng trở nặng, các mạch máu ở chân lộ rõ, chị đến BV và được bác sĩ thực hiện thủ thuật chuyên khoa để điều trị.

Theo Hội Tĩnh mạch học TP HCM, suy giãn tĩnh mạch là do những van tĩnh mạch ở chân bị suy, giãn, mất dần chức năng đưa máu về tim, gây ứ trệ máu trong lòng tĩnh mạch. Đa số người bệnh không biết mình bị bệnh vì triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với chứng viêm khớp, đau khớp, viêm thần kinh tọa. Hiện nay, số người mắc bệnh suy tĩnh mạch ngày càng tăng với khoảng 25%-35% dân số mắc bệnh ở nhiều mức độ.

Phẫu thuật điều trị bệnh suy tĩnh mạch tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM
Phẫu thuật điều trị bệnh suy tĩnh mạch tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM, một nghiên cứu do Trường ĐH Y Dược TP HCM thực hiện cho thấy 77,6% bệnh nhân không hề biết về bệnh suy tĩnh mạch, hầu hết ít quan tâm, ngại đi khám, thầy thuốc cũng coi nhẹ và bỏ sót các triệu chứng. Trên 91% bệnh nhân không được điều trị và 8,7% điều trị không đúng phương pháp, chỉ sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứng, lợi tiểu hoặc các loại thuốc đông y.

Ghi nhận tại BV Đại học Y Dược, BV Nhân dân 115…, số bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch đến khám ngày càng đông. Chỉ riêng BV ĐH Y Dược TP HCM mỗi năm tiếp nhận hơn 7.000 ca, trong đó bệnh nhân nữ chiếm khoảng 70%, đa số trên 35 tuổi.

PGS-TS Cao Văn Thịnh, Trưởng Khoa Lồng ngực - Mạch máu BV Nhân dân 115 TP HCM, cho biết suy tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể, kể cả ở tay, nhưng trên thực tế phần lớn trường hợp xảy ra ở chi dưới, do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều. Bệnh thường xảy ra ở những người làm công việc hay nghề nghiệp đòi hỏi ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động như nhân viên văn phòng, tài xế, giáo viên, nhân viên bán hàng, cảnh sát giao thông...

Ngoài ra còn có ảnh hưởng của yếu tố di truyền, dùng giày không thích hợp, tăng trọng lượng cơ thể quá mức, ăn nhiều chất bột, ít chất xơ, táo bón…

Phòng hơn chữa

Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, bệnh suy tĩnh mạch có thể gặp nhiều biến chứng khác nhau. Đầu tiên là rối loạn huyết động học như chân bệnh nhân sưng to, đau buốt mặt sau cẳng chân, về đêm hay bị chuột rút. Giai đoạn cuối có thể dẫn đến tình trạng giãn toàn bộ hệ tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. Cục thuyên tắc có thể tách rời thành tĩnh mạch, di chuyển về tim gây thuyên tắc động mạch phổi - một biến chứng có thể đưa đến tử vong.

Theo ThS-BS Lê Phi Long, Trưởng Phân khoa Lồng ngực - Mạch máu BV Đại học Y Dược  TP HCM, nhiều bệnh nhân suy tĩnh mạch do chủ quan lầm tưởng với các bệnh xương khớp khác nên khi đến BV thì bệnh đã tiến triển nặng, phải tốn thời gian điều trị lâu dài. Nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị phù hợp ngay từ đầu thì việc chữa bệnh rất đơn giản.

Các chuyên gia y tế cho biết bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể khỏi hoàn toàn từ 12-18 tháng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn là biết phòng bệnh, cụ thể là tránh béo phì, tránh đứng lâu, táo bón, tập thể dục thường xuyên, ăn các thức ăn giàu vitamin, nhiều chất xơ…

Giáo viên dễ mắc bệnh

Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường thấy ở giáo viên. Theo một nghiên cứu của Đại học Y khoa Thái Nguyên, trên 275 giảng viên, số người mắc chứng suy giãn tĩnh mạch tỉ lệ thuận với thời gian công tác và cường độ giảng dạy. Tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là 57,7% (nhóm giáo viên có thời gian công tác 20-30 năm) và thấp nhất là 20,8% (thời gian công tác 10-19 năm).

Người lao động

© 2021 FAP
  18,897,644       31/1,093