Sức khỏe

Hút mỡ đâu phải chuyện đùa

Nhiều phụ nữ tưởng rằng hút mỡ chỉ là “chuyện nhỏ” nên phó thác cho những nơi không đủ chuyên môn

“Mình thấy bạn mình đi làm rất gọn nhẹ, không phải xét nghiệm lung tung như ở bệnh viện (BV), hút hết nguyên vùng mỡ bụng mà vết sẹo cũng chỉ là một chấm nhỏ xíu… Mình cũng định đi làm nhưng nay nghe ở Hà Nội người ta chết vì hút mỡ, hoang mang quá…” - một phụ nữ than thở trên một diễn đàn làm đẹp sau khi diễn đàn này “nóng” lên với câu chuyện chết người ở thẩm mỹ viện Cát Tường.

Chỉ được làm ở bệnh viện

Thông tin các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thẩm mỹ viện không được phép làm thủ thuật hút mỡ khiến nhiều chị em khá bất ngờ, không hiểu vì sao ca phẫu thuật “ngủ một giấc, dậy chỉ thấy vết thương nhỏ tí ti” lại được xếp vào nhóm nhiều nguy cơ.

Theo TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ BV Cấp cứu Trưng Vương, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn cụm từ “thẩm mỹ viện” và “phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ”, khi có quyết định đi thẩm mỹ thì không rõ thủ thuật mình cần làm phải đến đâu mới phù hợp. Đa phần các “thẩm mỹ viện” mà chị em rủ nhau đến chỉ được làm đẹp ở mức xăm môi, xăm mày…, còn muốn phẫu thuật, dù là tiểu phẫu thì phải là phòng khám chuyên khoa trở lên mới được thực hiện. Và phòng khám thì chỉ được làm những thủ thuật đơn giản như cắt mí mắt, nâng mũi, cắt cánh mũi… dưới hình thức gây mê. Những phẫu thuật lớn hơn, cần gây mê hay có nhiều nguy cơ như nâng ngực, nâng mông, hút mỡ (bụng, đùi, cánh tay…), căng da mặt… thì theo quy định, chỉ có khoa thẩm mỹ trực thuộc BV hoặc BV chuyên khoa về phẫu thuật thẩm mỹ mới được làm.

“Hút mỡ chỉ được làm ở BV bởi đó là một trong những dạng phẫu thuật thẩm mỹ có nhiều nguy cơ và khi tai biến xảy ra, chẳng hạn như bị tắc mạch do mỡ, cần có những phương tiện cấp cứu tại chỗ. Dù vết phẫu thuật để lại chỉ 5 mm nhưng thao tác đánh tan mỡ nếu làm không bảo đảm thì rất có thể gây họa” - TS-BS Khanh giải thích.

Tư vấn về thủ thuật hút mỡ cho một phụ nữ tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương
Tư vấn về thủ thuật hút mỡ cho một phụ nữ tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương

Đừng để làm đẹp thành xấu

Tắc mạch do mỡ và nhiễm trùng là 2 tai biến nguy hiểm nhất của hút mỡ, có thể xảy ra nếu khâu thực hiện không nghiêm ngặt. BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM - một BV có khoa phẫu thuật thẩm mỹ - cho biết tắc mạch do mỡ là một biến chứng có thể xảy ra trong các phẫu thuật liên quan đến mỡ như nối xương đùi trong điều trị chấn thương hoặc hút mỡ trong phẫu thuật thẩm mỹ. Tắc mạch xảy ra khi mỡ do tác động của các thao tác phẫu thuật, bị đẩy vào mạch máu. Nguy hiểm nhất là nó làm thuyên tắc phổi, một tai biến rất dễ tử vong”.

Theo TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, thuyên tắc mạch do mỡ cho dù không đi vào tĩnh mạch và làm thuyên tắc phổi nhưng cũng dễ gây hoại tử phần cơ thể bị tắc nghẽn. Kế đến là tai biến nhiễm trùng - một nguy cơ có thể gặp do thao tác làm tan mỡ thông thường gây hủy mô nhiều, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Phẫu thuật thẩm mỹ mà bị nhiễm trùng, để lại sẹo xấu thì đương nhiên thành phản tác dụng. “Thao tác làm tan mỡ rất cần cẩn trọng. Làm tan bằng cơ học thì có thể gây ra những vết bầm, chấn động dẫn đến tai biến; làm tan bằng sóng cao tần hay laser tránh được tác động cơ học thì lại sinh nhiệt, gây hủy mô và nhiễm trùng nếu làm không cẩn thận. Do đó, chúng tôi đang triển khai kỹ thuật làm tan mỡ bằng sóng siêu âm để hạn chế các nguy cơ mà kỹ thuật cũ có thể tạo nên” - TS-BS Khanh nói.

Ông Khanh cũng lưu ý khi hút mỡ, chỉ có thể lấy ra 4%-5% trọng lượng cơ thể. Các BV thường tuân thủ điều này nhưng nếu ai “tham lam”, muốn ra ngoài để được hút nhiều hơn thì rất nguy hiểm vì có thể gây rối loạn chuyển hóa. Tâm lý ngại đến BV vì phải thực hiện nhiều xét nghiệm cận lâm sàng, kiểm tra sức khỏe… cũng nên xóa bỏ bởi quy định đó là để bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Coi chừng gây mê… không hồi sức

Theo các bác sĩ chuyên khoa, thủ thuật hút mỡ tùy vào lượng mỡ được lấy ra, có thể gây tê hoặc gây mê. Đối với hút mỡ bụng số lượng nhiều - dạng hút mỡ hay được chị em “chuộng” nhất - thì phải gây mê. Tuy nhiên, nếu ngại BV mà đến phòng khám hay thẩm mỹ viện thì những nơi này chỉ có thể đưa khách hàng vào trạng thái tiền mê vì không có phương tiện gây mê. Điều này rất nguy hiểm nếu trong lúc phẫu thuật, người đó từ tiền mê chuyển sang trạng thái mê mà phòng khám, xét về phương tiện lẫn nhân lực, không có khả năng kiểm soát trạng thái mê cũng như hồi sức.

Người lao động

© 2021 FAP
  18,971,136       46/895