Xã hội

Đừng tạo thêm áp lực cho trẻ

Học để có điểm số thật cao, vượt qua các kỳ thi quan trọng… đang khiến không ít học sinh chịu áp lực, âm thầm lấy đi của các em tuổi thơ lẫn cơ hội trải nghiệm, bồi đắp cảm xúc khi lớn lên.

Học để có điểm số thật cao, vượt qua các kỳ thi quan trọng… đang khiến không ít học sinh chịu áp lực, âm thầm lấy đi của các em tuổi thơ lẫn cơ hội trải nghiệm, bồi đắp cảm xúc khi lớn lên.

Học sinh Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) góp sách cũ ủng hộ bạn nghèo. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) góp sách cũ ủng hộ bạn nghèo. Ảnh: C.Nghĩa

Em N.D. là học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Câu hỏi cha mẹ thường hỏi em là hôm nay được mấy điểm? Câu hỏi này khiến em luôn cảm thấy bị áp lực với chuyện học tập”.

* Áp lực với… cha mẹ

Do gia đình đặt kỳ vọng quá lớn vào D. nên từ nhỏ em luôn phải học theo “kế hoạch” của cha mẹ đề ra. Ngoài những giờ học chính ở trường, trong tuần D. còn phải đi học thêm 4 môn học ở nhà thầy cô, luyện thi Tiếng Anh ở trung tâm. Hằng ngày, cha mẹ thay nhau chở em đến trường và các điểm học thêm, thời gian trống trong tuần để em vui chơi rất ít.

Tại một diễn đàn dành cho trẻ em, em T.Q., học sinh Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Lực học của em chỉ tương đối khá nhưng cha mẹ lại muốn em học thêm ở nhà thầy có tiếng dạy giỏi ở phường Tân Hiệp. Các bạn học lớp của thầy phải giỏi mới theo được lâu dài. Chính vì vậy, mỗi lần đi học em chỉ mong nhanh hết giờ để về”.

Cô Nguyễn Thị T., giáo viên dạy lớp 5 ở một trường tiểu học tại phường An Bình
(TP.Biên Hòa) cho hay: “Nhiều học sinh bây giờ rất tội nghiệp, đang tuổi ăn tuổi chơi vô tư hồn nhiên nhưng cha mẹ ép học một cách thái quá. Hay giáo viên chỉ cần nhận xét không như mong muốn một chút vào sổ liên lạc là cha mẹ lại “nhảy dựng” lên, gọi điện thoại trao đổi rất nhiều lần khiến không chỉ học sinh mà giáo viên cũng cảm thấy áp lực, lúng túng”.

* Học giỏi sẽ nên người?

Anh Phạm Việt Hưng (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho hay, vì muốn con học giỏi nên anh đầu tư cho con học “trường điểm” và học thêm ở những thầy cô giỏi từ lớp 1 đến lớp 9. Kết quả học tập môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh của con luôn như mong muốn của anh. Tuy nhiên ngoài việc học, con không biết làm việc gì khác, nhất là rất yếu kỹ năng sống cần thiết.

Cô Đào Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho rằng, điều khiến một đứa trẻ trưởng thành không hẳn chỉ học giỏi, điểm số thật cao mà quan trọng nhất là các em phải cảm thấy vui vẻ với việc học cả ở trường lẫn ở nhà. Thay vì chỉ chú tâm lo cho con chuyện học, cha mẹ hãy tạo cho con cơ hội tăng cường kỹ năng giao tiếp, chia sẻ yêu thương qua từng hành động nhỏ của cuộc sống để các em trưởng thành dần lên.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (ACB) tham quan doanh trại quân đội và học kỹ năng sống. Ảnh: ACB
Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (ACB) tham quan doanh trại quân đội và học kỹ năng sống. Ảnh: ACB

Cô Phượng chia sẻ câu chuyện của con mình: “Khi trong lớp có một bạn bị ung thư qua đời, con rất buồn và vẫn thường nhắc đến bạn. Hay khi đi ăn cùng cha mẹ, con biết xin tiền để mua vé số vì thấy thương người bán. Chính việc con sống có cảm xúc, biết ứng xử, biết thương yêu đã khiến tôi cảm thấy an tâm chứ không phải con học giỏi nhưng thiếu cảm xúc, bàng quang với mọi chuyện của cuộc sống xung quanh”.

Tại hội thảo xây dựng Trường học hạnh phúc do Sở GD-ĐT tổ chức, TS.Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cho rằng, rất nhiều bậc làm cha mẹ ngày nay đã dạy dỗ, định hướng con cái sai phương pháp, muốn con phải đạt được những mục tiêu quá lớn, hoặc “lệch pha”. Chẳng hạn chỉ quan tâm đến việc con phải học giỏi văn hóa mà quên đi rằng kỹ năng sống vô cùng quan trọng. Thay vì mỗi ngày hỏi con đi học có vui không thì lại chăm chăm vào hỏi nay con được mấy điểm. Thay vì hỏi ý kiến của con, lắng nghe con nói thì cha mẹ quyết hết, dẫn đến con bị ức chế tâm lý, làm theo mà không có hứng thú, vô hình trung tạo áp lực với các con mà cha mẹ không hay biết.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai, giảng viên Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho hay, cha mẹ nào cũng muốn con học giỏi, nhưng như thế là chưa đủ. Việc dạy con trở thành người tử tế quan trọng không kém. Khi con trở thành người tử tế, con sẽ có cảm xúc tốt, nhận thức tốt, sống có trách nhiệm với chính mình, đồng thời còn biết quan tâm, chia sẻ với những người khác bên cạnh mình. Những đứa trẻ trưởng thành với suy nghĩ tử tế thường dễ đạt được sự thành công hơn những đứa trẻ khác và mang lại sự an tâm lẫn tự hào cho cha mẹ.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,086,995       1/1,061