Xã hội

Bà Nguyệt hay làm từ thiện

Hơn 40 năm qua, bà Lê Thị Ánh Nguyệt (68 tuổi, ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đã có nhiều đóng góp trong hoạt động nhân đạo từ thiện tại địa phương.

Bà Lê Thị Ánh Nguyệt (bìa trái) đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Kim Phượng (ấp 2, xã Phú Ngọc). Ảnh: T.An
Bà Lê Thị Ánh Nguyệt (bìa trái) đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Kim Phượng (ấp 2, xã Phú Ngọc). Ảnh: T.An

“Tôi đã học tấm gương Bác Hồ ở điểm là không ngại trước những khó khăn, thử thách trong công việc; phải biết yêu thương, giúp đỡ đồng bào, nhất là việc chăm lo cho những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, bất hạnh” - bà Nguyệt tâm sự.

* Cái tâm hướng đến người nghèo

Bà Nguyệt sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha mẹ và em gái của bà lần lượt hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 14 tuổi, bà thoát ly đi theo cách mạng làm giao liên. Sau đó, bà được cử đi học lớp y tá trong 2 năm rồi làm nhiệm vụ chăm sóc vết thương cho bộ đội.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán Lương Thanh Kỳ nhận xét: “Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm và làm việc bằng cả tấm lòng hướng về người nghèo của bà Nguyệt. Nếu cán bộ hưu trí nào cũng có “máu lửa” làm từ thiện như bà Nguyệt thì cuộc sống này sẽ có thêm nhiều điều tốt đẹp hơn nữa”.

Sau giải phóng, bà Nguyệt được phân công làm Trưởng trạm y tế xã Phú Ngọc. Trong 30 năm công tác tại đây, bà đã có nhiều cố gắng trong việc đưa đơn vị ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân.

Thời điểm này, dù cuộc sống gia đình không khá giả nhưng xuất phát từ tấm lòng thương người, bà Nguyệt thường hay làm từ thiện giúp đỡ bà con nghèo. Mỗi năm, bà tự bỏ tiền túi từ 10-20 triệu đồng, đồng thời vận động bạn bè, người thân cùng tham gia tổ chức chương trình tặng quà (từ 100-200 phần quà) cho người nghèo, hoàn cảnh bất hạnh tại địa phương vào các dịp lễ, tết. “Từ cái nghèo đi lên, tôi quá thấu hiểu sự túng thiếu trong cuộc sống, đồng thời xuất phát từ cái tâm hay thương người nên tôi đã bắt đầu làm từ thiện từ rất sớm, khoảng năm 1998. Cách làm là tự tôi đi xuống địa bàn tìm hiểu xem trường hợp nào thực sự khó khăn thì giúp đỡ họ” - bà Nguyệt cho hay.

Năm 2005, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, bà Nguyệt được lãnh đạo địa phương vận động tham gia công tác xã hội với cương vị là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Ngọc. Hơn 10 năm qua, bà Nguyệt luôn làm tròn trách nhiệm trong công tác nhân đạo, nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bà Nguyệt chia sẻ, để làm tốt công tác nhân đạo thì người cán bộ chữ thập đỏ phải hướng về địa bàn dân cư, gần gũi và quan tâm đến lợi ích của người dân. Từ đó, bà dành nhiều thời gian đi xuống địa bàn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân, xem bà con cần gì, thiếu thốn gì, từ đó tìm cách giúp đỡ họ. Riêng cá nhân bà, trong suốt 5-6 năm gần đây, bà tự bỏ tiền túi ra hỗ trợ thường xuyên (từ 15-20kg gạo/hộ/tháng và tiền mặt) cho 5 hộ nghèo theo chương trình Mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo. Đồng thời, bà còn nỗ lực vận động nhà tài trợ, mạnh thường quân gần xa về hỗ trợ giúp đỡ bà con tại địa phương như: tặng nhà chữ thập đỏ cho hộ gặp khó khăn về nhà ở (trên 20 căn); thường xuyên khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam/dioxin; trao quà cho người nghèo trong các dịp lễ, tết; trao học bổng, tặng quần áo, sách vở cho học sinh nghèo…

* Nhiều trường hợp được giúp đỡ

Theo bà Nguyệt, để kêu gọi được nhiều nhà tài trợ về giúp đỡ tại địa phương thì trung thực phải đặt lên hàng đầu. Nghĩa là sự việc có sao thì nói vậy, không nói quá sự thật. Ngoài ra, cán bộ chữ thập đỏ phải nắm chắc địa bàn và chọn đúng đối tượng cần giúp đỡ theo yêu cầu của mạnh thường quân… Từ đó, tạo được niềm tin đối với các nhà tài trợ, mạnh thường quân và trung bình mỗi năm bà vận động trên 1 tỷ đồng để làm công tác nhân đạo.

Năm 2018, do đã lớn tuổi, bà Nguyệt thôi làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động từ thiện bằng việc trích một phần tiền lương hưu trí và tiền bán bảo hiểm tự nguyện. Đồng thời, bà làm “cầu nối” để mạnh thường quân khắp nơi về giúp đỡ cho bà con tại địa phương. “Ngày nào tôi còn khỏe thì ngày đó tôi vẫn tiếp tục làm công việc ý nghĩa này”- bà Nguyệt cười nói.

Trước đây, cuộc sống của vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Hải (ấp 7, xã Phú Ngọc) rất khó khăn vì gia đình phải ở trong căn chòi rách nát để đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi 6 miệng ăn (vợ chồng và 4 người con). Khi chị Hải mang bầu lần thứ 5, vợ chồng không còn hạnh phúc và dẫn đến chia tay nhau. Từ đó, cuộc sống của chị càng khó khăn hơn, vì công việc làm thuê thường bấp bênh nên không đủ tiền để nuôi các con nhỏ.

Khi biết được hoàn cảnh của chị Hải, năm 2018, bà Nguyệt đã vận động mạnh thường quân và bà con hàng xóm xây tặng căn nhà tình thương với trị giá 70 triệu đồng và giới thiệu chị đi làm phụ hồ cho một người quen là chủ thầu xây dựng. Nhờ đó, công việc của chị hiện giờ đã ổn định và có điều kiện nuôi con cái ăn học.

Năm 2009, chồng của chị Nguyễn Thị Kim Phượng (ấp 2, xã Phú Ngọc) bị bệnh về não ngày càng nặng dẫn đến liệt người phải nằm một chỗ. Mặc dù chị đã dùng hết tiền bạc dành dụm bấy lâu để chữa bệnh cho chồng, nhưng tiền thì mất mà tật vẫn mang. Từ đó, gia đình rơi vào cảnh bế tắc.

Biết được tình cảnh gia đình chị Phượng, bà Nguyệt thường lui tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ đều đặn mỗi tháng 20kg gạo (liên tục trong 5 năm); vận động mạnh thường quân hỗ trợ 10 triệu đồng để giúp các con của chị tiếp tục đến trường học; tặng quà vào các dịp lễ, tết. Ngoài ra, chị Phượng còn được tạo điều kiện buôn bán rau ổn định để kiếm tiền nuôi chồng và các con.

Thành An

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,058,025       1/296