Xã hội

Nỗi niềm nhân viên trường học

Nhiều vị trí giáo viên, nhân viên trường học các bậc từ mầm non đến phổ thông đang trong tình trạng vừa khó "giữ chân" lâu dài vừa khó tuyển dụng mới vì thu nhập chưa tương xứng. Việc thiếu giáo viên và nhân viên đang đặt ra nhiều vấn đề với các trường trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhiều vị trí giáo viên, nhân viên trường học các bậc từ mầm non đến phổ thông đang trong tình trạng vừa khó “giữ chân” lâu dài vừa khó tuyển dụng mới vì thu nhập chưa tương xứng. Việc thiếu giáo viên và nhân viên đang đặt ra nhiều vấn đề với các trường trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Cô Võ Thị Hường, nhân viên thư viện của Trường tiểu học An Bình (TP.Biên Hòa) cần mẫn với công việc của thư viện trường. Ảnh: C.Nghĩa
Cô Võ Thị Hường, nhân viên thư viện của Trường tiểu học An Bình (TP.Biên Hòa) cần mẫn với công việc của thư viện trường. Ảnh: C.Nghĩa

Sau 26 năm công tác ở vị trí nhân viên thư viện, thiết bị của Trường tiểu học An Bình (phường An Bình, TP.Biên Hòa), cô Võ Thị Hường đang có ý định xin nghỉ việc để về phụ giúp chồng kinh doanh vì thu nhập từ công việc này không đảm bảo.

* Băn khoăn thu nhập

Cô Hường cho biết, với thâm niên 26 năm nhưng đến nay thu nhập chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng/tháng, trong khi việc ghi chép, thống kê sách báo, tổ chức cho học sinh đọc sách cũng khá phức tạp.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Cần có chính sách đồng bộ

Sở đang tham mưu với tỉnh tăng cường các chính sách thu hút đào tạo đối với các ngành sư phạm mà tỉnh còn đang thiếu giáo viên. Cụ thể, đối với giáo viên âm nhạc và mỹ thuật sắp tới có thể tuyển dụng các học viên của Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, sau đó bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm và phân bổ cho các trường. Với các vị trí khác, Sở đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT để có thêm cơ chế thu hút, đồng thời tỉnh cũng đã có một số cơ chế, chẳng hạn như nhiều năm nay đã hỗ trợ thêm thu nhập cho giáo viên, nhân viên mầm non mỗi tháng từ 500-700 ngàn đồng.

Mới đây, tại một số trường tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng có tình trạng nhân viên thư viện xin nghỉ việc đi làm việc khác do thu nhập không đảm bảo. Một nhân viên thư viện mới xin nghỉ việc cho biết: “Thu nhập từ công việc nhân viên thư viện, thiết bị chưa đầy 4 triệu đồng/tháng, không đủ cho tôi trang trải cuộc sống. Khi hết giờ hành chính tôi buộc phải đi làm thêm để có thêm thu nhập”.

Trường THCS Suối Trầu (xã Suối Trầu cũ, nay là xã Bình Sơn, huyện Long Thành) hiện đang khuyết một vị trí nhân viên thư viện, thiết bị chưa thể tuyển dụng mới, nhân viên cũ đã xin nghỉ làm vài tháng nay. Lãnh đạo nhà trường cho biết: “Nếu thu nhập đủ trang trải cuộc sống thì chắc chắn nhân viên thư viện của trường đã không xin nghỉ việc để đi kiếm công việc khác có thu nhập cao hơn. Trước khi nhân viên xin nghỉ, lãnh đạo nhà trường đã gặp, động viên khá nhiều lần, nhưng không thuyết phục được họ”.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Thống Nhất, trong đợt tuyển dụng các vị trí giáo viên, nhân viên cho các trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn huyện đầu năm học vừa qua, trong khi vị trí giáo viên tương đối nhiều hồ sơ xin việc thì vị trí nhân viên thư viện, thiết bị trường học không có hồ sơ nào. Hiện ngoài khuyết nhân viên thư viện trường học, một số trường trên địa bàn huyện vẫn đang khuyết vị trí giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, nhân viên y tế trường học. Do đó thời gian tới, huyện sẽ phải tiếp tục tiến hành tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu hiện tại của các trường và còn chuẩn bị cho năm học 2020-2021 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

* Ngày càng khó thu hút

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình (phường An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, nhân viên trường học khó tuyển dụng hơn rất nhiều so với vị trí giáo viên. Vì vậy, sắp tới nếu nhà trường khuyết vị trí nhân viên thư viện, thiết bị sẽ tính đến phương án “đôn” giáo viên lên thay. Mặt khác trường có kế hoạch tuyển dụng hợp đồng tạm thời, đến đầu năm học sau sẽ xin biên chế của thành phố.

Thời gian qua, thu nhập của giáo viên giữa trường công lập và tư thục trên địa bàn tỉnh, nhất là ở TP.Biên Hòa có sự chênh lệch khá lớn, do đó nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không còn mặn mà tìm đến trường công mà tìm đến các trường tư thục, chấp nhận áp lực công việc nhưng đổi lại có thu nhập cao hơn.

Anh Lê Quốc Bảo hiện đang công tác ở một trường ngoài công lập tại TP.Biên Hòa cho biết, năm 2017 anh tốt nghiệp ngành giáo dục thể chất của Trường đại học sư phạm Huế vào TP.Biên Hòa xin việc. Thời điểm đó nếu vào trường công làm việc, mức thu nhập khởi điểm khoảng 3 triệu đồng/tháng, trong khi đó mức lương ở một trường ngoài công lập khởi điểm đã là gần 6 triệu đồng/tháng. Anh Bảo chia sẻ: “Sau hơn 2 năm công tác, đến nay thu nhập của tôi đã tăng lên đáng kể, trung bình vào khoảng trên 8 triệu đồng/tháng và sống được bằng nghề”.

Trong nhiều năm trở lại đây một số ngành đào tạo sư phạm của Trường đại học Đồng Nai đã không còn thu hút người học, thậm chí có ngành do có quá ít sinh viên học, không đủ mở lớp nên trường bất đắc dĩ phải “đánh trượt” thí sinh một cách đáng tiếc để không phải mở lớp, gây tốn kém, hoặc phải động viên thí sinh chuyển sang học những ngành khác. Một trong những ngành đã gần như không còn tuyển sinh được sinh viên trong vài năm trở lại đây là sư phạm giáo dục thể chất, âm nhạc…

TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho rằng, người học hiện nay đã nắm bắt được nhiều thông tin khi chọn ngành, chọn nghề. Việc trường không thể có đủ sinh viên tối thiểu theo quy định để mở lớp ở một số ngành sư phạm thời gian qua là do lương, thu nhập của ngành sư phạm nói chung, nhất là những ngành như: sư phạm giáo dục thể chất, sư phạm âm nhạc, mỹ thuật hiện nay quá thấp, không còn thu hút người trẻ lựa chọn.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,057,834       1/296