Xã hội

Tiêm chủng để bảo vệ trẻ và cả cộng đồng

Tiêm chủng cho trẻ là biện pháp vô cùng quan trọng, giúp tăng cường sức đề kháng và chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tiêm chủng giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật Trong ảnh: Chích ngừa cho trẻ tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: S.Mai
Tiêm chủng giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật Trong ảnh: Chích ngừa cho trẻ tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: S.Mai

Mặc dù đã được khuyến cáo, thế nhưng thời gian gần đây vẫn có nhiều trẻ nhập viện điều trị do chưa được tiêm chủng.

* Trẻ nhập viện do không tiêm ngừa vaccine

Đang chăm sóc con bị thủy đậu tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, mẹ của bé T.K.L. (23 tháng tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cho biết, do làm công nhân nên chị không có thời gian đưa con đi chích ngừa. Đến khi sắp xếp đưa con đi tiêm thì con lại bệnh, nên đến nay bé L. hơn 2 tuổi vẫn chưa tiêm được thủy đậu.

Đối với các bệnh phòng ngừa được bằng vaccine thì cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng tuổi và đủ liều là tốt nhất. Nếu trẻ đến tuổi tiêm chủng không may bị bệnh, cha mẹ chờ đến khi trẻ hết bệnh thì đưa trẻ đi tiêm chủng.

Còn trường hợp của bé T.T.Đ. (gần 9 tháng tuổi, ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chuẩn bị đến ngày đi tiêm ngừa sởi thì lại mắc sởi phải nhập viện điều trị. Mẹ của bé cho hay, chị gái của bé cũng bị sởi nên lây sang cho em. Chị bị nhẹ nên ở nhà theo dõi, còn bé Đ. nặng hơn phải vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai nhập viện điều trị. “Còn mấy ngày nữa là bé Đ. được 9 tháng, tôi đã sắp xếp công việc để đưa con ra phường tiêm ngừa mũi sởi, không ngờ bé đã mắc sởi lây từ chị” - mẹ bé Đ. nói.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, đa số trẻ nhập viện điều trị bệnh sởi và thủy đậu do chưa tiêm ngừa hoặc chưa đến tuổi tiêm đã phơi nhiễm rồi mắc bệnh. Có nhiều trẻ đã đến tuổi để tiêm chủng nhưng cha mẹ lại quên, đến thời điểm đưa con đi chích thì trẻ sốt, ho nên làm gián đoạn việc chích ngừa của trẻ.

“Khi trẻ không được tiêm chủng, nếu mắc bệnh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng, hệ miễn dịch của trẻ sẽ giảm và trẻ sẽ hay bị bệnh hơn. Do đó, đối với các bệnh phòng ngừa được bằng vaccine thì nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng tuổi và đủ liều là tốt nhất. Nếu trẻ đến tuổi tiêm chủng không may bị bệnh, phụ huynh chờ đến khi trẻ hết bệnh đưa trẻ đi tiêm để phòng ngừa các bệnh, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc” - bác sĩ Quyền khuyến cáo.

* Tiêm chủng để bảo vệ cả cộng đồng

Theo ThS-BS.Hồ Vĩnh Thắng, Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, nếu trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mà phụ huynh không đưa trẻ đi chích thì nguy cơ trẻ mắc bệnh rất cao. Khi số trẻ mắc bệnh tăng lên sẽ bùng phát thành dịch, làm cho những trẻ khác chưa đến tuổi tiêm chủng vẫn có thể mắc bệnh.

Mục đích của việc tiêm chủng giúp trẻ tăng sức đề kháng và chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu số lượng trẻ tiêm chủng càng nhiều, sẽ giúp cả cộng đồng không xảy ra dịch bệnh và thông qua đó các trẻ mới sinh cũng được bảo vệ khi chưa tới tuổi tiêm chủng.

Bác sĩ Thắng cho hay: “Phụ nữ khi có ý định mang thai nên đến cơ sở y tế để bác sĩ tư vấn tiêm chủng một số loại vaccine có thể sử dụng trước hoặc trong lúc mang thai như: sởi, rubella, quai bị, thủy đậu, cúm, uốn ván, ho gà, viêm gan B,… Bởi, khi người mẹ được tiêm chủng sẽ có một phần kháng thể truyền sang và bảo vệ cho con trong những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng. Chẳng hạn, nếu người mẹ được chích ngừa sởi trước lúc có thai, sau khi bé được sinh ra kháng thể từ mẹ truyền sang có thể bảo vệ cho con 6-9 tháng”.

Tiêm chủng là biện pháp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ, do đó cần thực hiện càng sớm càng tốt. Vì thế, cha mẹ cần đưa con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để ngăn ngừa mắc các bệnh như: lao; viêm gan B; ho gà; bạch hầu; uốn ván; bại liệt; viêm màng não, viêm phổi do hib; sởi; rubella; viêm não Nhật Bản… Ngoài vaccine được hỗ trợ miễn phí trong dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, phụ huynh có thể tiêm ngừa các loại vaccine khác để phòng bệnh theo hình thức tự nguyện và tự chi trả.

Sao Mai

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,084,595       6/1,047