Xã hội

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Người bị tiểu đường (đái tháo đường) nếu không được điều trị đúng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tê tay chân, loét bàn chân, tổn thương mắt dẫn đến mù lòa kèm theo nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe.

Bệnh tiểu đường gây biến chứng làm hư đáy mắt khiến ông N.V.T. (63 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) không nhìn thấy gì suốt hơn 1 năm qua, kèm theo bệnh suy thận mạn phải chạy thận thường xuyên
Bệnh tiểu đường gây biến chứng làm hư đáy mắt khiến ông N.V.T. (63 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) không nhìn thấy gì suốt hơn 1 năm qua, kèm theo bệnh suy thận mạn phải chạy thận thường xuyên. Ảnh: H. Dung

Đáng lưu ý, số lượng người bị bệnh tiểu đường ở nước ta đang ngày càng tăng. Ở mọi lứa tuổi nếu có yếu tố nguy cơ đều có thể mắc phải bệnh tiểu đường.

Suy thận, mù mắt, trụy tim mạch

Ông N.V.T. (63 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) là một trong số những bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Trung tâm y tế huyện Trảng Bom. Cách đây gần 2 năm, ông T. tình cờ phát hiện mình bị thận hư sau khi có triệu chứng về căn bệnh này. Đi khám sức khỏe, các bác sĩ đã tìm ra hàng loạt căn bệnh khác “ẩn nấp” trong cơ thể của ông T. mà từ trước đến nay ông không hay biết. Đó là cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường. Những bệnh lý này là tác nhân khiến bệnh suy thận mãn của ông T. tiến triển nhanh hơn.

Đái tháo đường là hiện tượng tăng glucoroit mãn tính do khiếm khuyết về tiết hoặc tác động insulin, hoặc cả hai yếu tố trên. Đái tháo đường đang gia tăng nhanh, nhất là ở các nước đang phát triển vì lối sống, sử dụng nhiều thức ăn nhanh. Bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, có những trẻ mới 13, 14 tuổi đã bị đái tháo đường tuýp 2.

Đặc biệt, theo bác sĩ Trương Trần Trí, Khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, biến chứng của bệnh tiểu đường khiến bệnh nhân T. bị tổn thương đáy mắt khiến ông T. không nhìn thấy gì từ hơn 1 năm nay. Do đó, ông T. không thể làm được việc gì nặng, đi đâu cũng cần phải có người khác đưa đi kèm theo chế độ ăn uống nghiêm ngặt.

Trong khi đó, bệnh nhân nữ P.T.H. (51 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) phải thường xuyên điều trị, tái khám tại Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai do biến chứng của bệnh tiểu đường gây loét bàn chân.

Bệnh tiểu đường biến chứng cũng khiến cụ ông P.V.T. (78 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị các bệnh liên quan đến tim mạch gây đột quỵ và mới đây phải phẫu thuật điều trị.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước hiện có hơn 3,5 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Dự báo đến năm 2040, số người mắc bệnh này sẽ tăng lên hơn 6 triệu người. Tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau ung thư và các bệnh về tim mạch, là bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời. Trong số những người mắc bệnh, có 85% số người chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có những biến chứng nguy hiểm như: trụy tim, suy thận, rối loạn thần kinh, lở loét bàn chân…

Đái tháo đường có 4 loại: tuýp 1 (thường gặp ở trẻ em); tuýp 2 (thường gặp ở người trưởng thành); đái tháo đường thai kỳ (phụ nữ đang mang bầu) và đái tháo đường thứ phát (do thuốc, do viêm tụy). Thường gặp nhất là đái tháo đường tuýp 2.

* Để sống khỏe với bệnh tiểu đường

Bác sĩ Đào Kim Luân, Phó trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, những dấu hiệu để nhận biết một người bị tiểu đường tuýp 1 như: khát nước, uống nước nhiều, sụt cân, tiểu đêm. Tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra ở những người lớn có tuổi tình trạng thừa cân, béo phì, có tiền căn gia đình bị tiểu đường. Tiểu đường tuýp 2 không có những triệu chứng rõ rệt mà chỉ tình cờ phát hiện qua xét nghiệm máu thấy lượng đường huyết trong máu tăng cao. Do không có những biểu hiện cụ thể nên các bác sĩ khuyên người dân từ 45 tuổi trở lên nên đi xét nghiệm đường huyết hằng năm, tránh khi phát hiện thì bệnh đã biến chứng nguy hiểm.

Trên thế giới hiện nay chưa có biện pháp chữa khỏi bệnh tiểu đường. Do đó, người bệnh cần phải sử dụng thuốc insulin lâu dài. Theo TS-BS.Phan Hữu Hên, Phó trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), để kiểm soát đường huyết trong máu và phòng ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường cần phối hợp cùng lúc 3 phương pháp là dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý.

Việc dùng thuốc cần tuân thủ liều lượng của bác sĩ. Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm hoặc ngũ cốc nguyên hạt như: gạo lứt, gạo xay còn vỏ cám, các loại cá, thịt nạc, các loại đậu, sử dụng các loại dầu từ mè, ô-liu, hướng dương. Trong khẩu phần ăn của người bị bệnh tiểu đường nên tăng cường rau xanh, trái cây ít ngọt như: táo, lê, ổi, mận, không nên ép lấy nước uống vì khi ép lấy nước đã loại bỏ chất xơ trong trái cây, làm cho đường hấp thu nhanh vào máu gây tăng đường huyết, hạn chế những trái cây có chỉ số đường huyết cao như: dưa hấu, vải, sầu riêng.

Đối với trẻ em, phụ huynh không nên cho trẻ ăn quá nhiều, hạn chế ăn vặt, không ăn nhiều đồ ngọt, bảo đảm duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.

Ngoài ra, việc vận động đều đặn 30 phút/ngày (3-5 ngày/tuần) cũng sẽ giúp người bị bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết trong máu tốt hơn.       

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,086,220       1/1,036