Xã hội

Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân

Hơn 50 bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên bị hẹp động mạch vành/hẹp động mạch cảnh hoặc đồng thời hẹp cả hai động mạch trên đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai kịp thời phẫu thuật, cứu khỏi nguy cơ đột quỵ, đe dọa tính mạng.

TS-BS.Nguyễn Anh Dũng thăm khám bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: H. Dung
TS-BS.Nguyễn Anh Dũng thăm khám bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: H. Dung

Điều đáng nói, những kỹ thuật này trước kia tại Đồng Nai chưa có bệnh viện nào thực hiện được mà đều phải chuyển lên các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh để điều trị.

* Nhiều ca bệnh nặng

Bệnh nhân N.V.T. (78 tuổi, ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) nhập viện cuối tháng 8 trong tình trạng chóng mặt, bị ngất, mất ý thức trong vòng 30 giây, sau đó phục hồi. Tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần trước đó.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bản thân hoặc người thân có một trong số những biểu hiện như: người không tỉnh táo, thoáng quên, thoáng ngất, mù thoáng qua, nói đớ, không làm chủ được giọng nói, liệt mặt trong một khoảng thời gian rồi phục hồi, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tránh tình trạng thiếu máu não kéo dài gây đột tử, để lại hậu quả đáng tiếc.

Sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện ông T. bị hẹp động mạch cảnh trong bên phải (mạch máu nuôi não) mức độ nặng, kèm theo hẹp động mạch vành (mạch máu nuôi tim) ở thân trung động mạch vành trái (một vị trí nguy hiểm). Qua hội chẩn, nhận thấy bệnh nhân bị hẹp động mạch vành nặng hơn nên các bác sĩ đã tiến hành đặt stent mạch vành cho bệnh nhân trước. Tiếp đến mới phẫu thuật bóc tách tổn thương động mạch cảnh cho bệnh nhân. 7 ngày sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân N.V.T. đã bình phục gần như hoàn toàn.

Trước đó, bệnh nhân Đ.T.L. (79 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng phải nhập viện cấp cứu vì nhiều lần té ngất do thiếu máu não. Kết quả siêu âm, chụp CT cho thấy bà L. cũng bị hẹp động mạch cảnh và hẹp động mạch vành. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nong động mạch cảnh cho bệnh nhân, sau đó mới tiến hành phẫu thuật chữa hẹp động mạch vành.

Một trường hợp khác được các bác sĩ phẫu thuật đồng thời 2 kỹ thuật để chữa hẹp động mạch cảnh và động mạch vành là ông N.V.B. (62 tuổi, ngụ xã Tam An, huyện Long Thành). Ông B. là trường hợp bệnh nhân đầu tiên được Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện kỹ thuật phức tạp trong các kỹ thuật điều trị bệnh tim, đó là bắc cầu động mạch vành.

Đến nay, tất cả các bệnh nhân được phẫu thuật đều đã ổn định sức khỏe, không còn bị choáng ngất, mất ý thức như trước kia.

Theo TS-BS. Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, số bệnh nhân bị các bệnh tương tự 3 bệnh nhân kể trên đang ngày càng gia tăng. Điểm chung của các bệnh nhân là đều trên 60 tuổi, có tiền căn bệnh tiểu đường, mỡ máu cao, huyết áp cao. Những trường hợp này nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ có nguy cơ bị đột quỵ bất cứ lúc nào và tử vong là điều không thể tránh khỏi.

* Đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho hay, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao cho người dân trong tỉnh, thời gian qua ngoài việc cử các bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo tại các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh, bệnh viện còn hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) theo đề án bệnh viện vệ tinh. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã dần làm chủ, tiến tới thực hiện thuần thục nhiều kỹ thuật cao liên quan đến phẫu thuật điều trị tim mạch.

Hiện tại, có nhiều bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước đã thực hiện đặt stent chữa hẹp động mạch vành. Song phẫu thuật nong động mạch cảnh thì rất ít bệnh viện tuyến tỉnh có thể làm được. Bởi lẽ, phẫu thuật nong động mạch cảnh là mổ vào mạch máu nuôi não. Mạch máu này rất nhỏ, chỉ rộng hơn 1mm và dưới 2mm. Trong quá trình phẫu thuật, nếu bác sĩ không có tay nghề chuyên môn cao, không có kinh nghiệm dày dặn thì chỉ cần làm sai kỹ thuật dù là rất nhỏ cũng khiến mạch máu nuôi não bị tắc thay vì phải phẫu thuật để nong phần mạch bị tắc.

“Phẫu thuật nong động mạch cảnh yêu cầu phải tuyệt đối chính xác vì ranh giới giữa chữa khỏi và làm cho bệnh nặng hơn rất mong manh. Nếu thực hiện không chuẩn xác thì chính phẫu thuật viên sẽ khiến bệnh nhân bị đột quỵ ngay trên bàn mổ mà không có cách gì cứu chữa” - TS-BS.Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

Ngoài yêu cầu về đội ngũ nguồn nhân lực, các bệnh viện cũng cần phải được trang bị đầy đủ các loại máy móc cần thiết như: máy tim phổi nhân tạo, máy theo dõi ôxy não, các loại máy móc ở phòng hồi sức… để phối hợp nhịp nhàng cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,087,902       2/1,074