Xã hội

Năm học với nhiều tín hiệu vui…

Hôm nay 5-9, hơn 741 ngàn học sinh các cấp học trong tỉnh chính thức bước vào năm học mới 2019-2020. Đây là năm học tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện ở các bậc học...

n với nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Trường THCS Võ Nguyên Giáp (huyện Trảng Bom), ngày 4-9. Ảnh: Công Nghĩa
Các đại biểu cắt băng khánh thành Trường THCS Võ Nguyên Giáp (huyện Trảng Bom), ngày 4-9. Ảnh: Công Nghĩa

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết: “Điều đáng mừng là quy mô học sinh các bậc học năm học mới này tương đối ổn định, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp ở các cấp học được củng cố. Toàn tỉnh tiếp tục có thêm nhiều trường lớp mới khang trang hiện đại được khánh thành… Đó chính là những tín hiệu vui trước thềm năm học mới này”.

* Rộn ràng những ngôi trường mới 

Năm học 2019-2020, toàn ngành GD-ĐT có trên 741 ngàn học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT. Trong số đó có 188,5 ngàn trẻ mầm non, 293 ngàn học sinh tiểu học, 179 ngàn học sinh THCS, 80,5 ngàn học sinh THPT. Toàn tỉnh có 32 ngàn giáo viên ở các cấp học.

Năm học mới 2019-2020, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An đón niềm vui lớn khi ngôi trường mới đã hoàn thành trên diện tích 14 ngàn m2 tại phường Hóa An (TP.Biên Hòa) thay thế cho ngôi trường cũ chật hẹp xuống cấp tại phường Quyết Thắng. Hiệu trưởng nhà trường Lê Thanh Hải vui mừng cho biết: “Ngôi trường mới được tỉnh đầu tư xây dựng với kinh phí lên đến 136 tỷ đồng và là ngôi trường có kiến trúc đẹp, khang trang hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Việc đưa ngôi trường vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới đã thực sự thỏa lòng mong ước bấy lâu nay của thầy và trò”.

Nếu như cơ sở Trường THPT Chu Văn An cũ tại phường Quyết Thắng chỉ có hơn 10 phòng học thì cơ sở mới có 45 phòng học, 16 phòng chức năng, 12 phòng thực hành, 8 phòng công nghệ thông tin với gần 400 máy tính kết nối internet, 1 phòng thư viện rộng gần 400m2. Ngoài ra, trường còn có hội trường với sức chứa từ 600-800 chỗ ngồi phục vụ các hoạt động của trường. Bên cạnh đó, trường còn có các sân chơi, bãi tập phục vụ học sinh rèn luyện kỹ năng, sức khỏe như: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ.

Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết, thị trấn Trảng Bom ngày càng phát triển nhưng chỉ có 1 trường THCS. Chính vì vậy, Trường THCS Hùng Vương gặp áp lực rất lớn về sĩ số. Năm học 2018-2019 quy mô của trường này đã lên đến 2.400 học sinh. Trước tình hình này, ngay đầu năm 2019 huyện đã bắt tay xây dựng thêm một trường THCS mới mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Huyện cũng giao nhiệm vụ phải hoàn thành xây dựng ngôi trường này trước dịp khai giảng năm học mới 2019-2020. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “về đích” xây dựng sớm hơn nửa tháng và san sẻ áp lực học sinh cho Trường THCS Hùng Vương trong năm học mới này.

Văn nghệ chào mừng lễ khánh thành và khai giảng năm học mới 2019-2020 Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TT.Trảng Bom). Ảnh: CÔNG NGHĨA
Văn nghệ chào mừng lễ khánh thành và khai giảng năm học mới 2019-2020 Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TT.Trảng Bom). Ảnh: CÔNG NGHĨA

Sau khi hoàn thành, Trường THCS Võ Nguyên Giáp đã trở thành ngôi trường khang trang nhất tại thị trấn Trảng Bom với diện tích xây dựng rộng gần 11 ngàn m2, quy mô 3 tầng, 14 phòng học, 2 phòng học bộ môn và 1 thư viện. Khối nhà hiệu bộ của trường cũng được xây dựng với quy mô trên 500m2. Tổng kinh phí xây dựng công trình Trường THCS Võ Nguyên Giáp là trên 25 tỷ đồng. Trưởng ban Quản lý dự án huyện Trảng Bom Trần Viết Tiến cho biết: “Huyện còn dành một phần đất kế bên cho trường, sau này khi quy mô học sinh của thị trấn tiếp tục tăng, chúng tôi sẽ kiến nghị với huyện tiếp tục đầu tư thêm các hạng mục”.

Cũng ngay tại thị trấn Trảng Bom, dịp khai giảng năm học mới còn đón nhận sự ra đời của một trường tiểu học theo mô hình bán trú, đó là Trường tiểu học bán trú Bông Sen. Quy mô của trường lên tới 35 phòng học, khả năng đáp ứng trên 1 ngàn học sinh. Trường còn có hệ thống các phòng chức năng, thư viện, bếp và nhà ăn khép kín. Đây là mô hình trường học đang được nhiều phụ huynh chờ đón, đáp ứng nhu cầu gửi con em từ sáng tới chiều, đặc biệt là con của công nhân lao động ở các khu công nghiệp.

* Không ngừng củng cố trường lớp

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, để chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, bên cạnh các trường học được đầu tư xây mới, toàn tỉnh còn có thêm 269 phòng học được xây mới. Đây là số phòng học được xây thêm trên phần đất hiện hữu của các trường.

Hải Yến

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, trước khi bước vào năm học mới toàn tỉnh đã có gần 55% trường công lập từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể: 124/225 trường mầm non công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 55%), 145/293 trường tiểu học (tỷ lệ gần 50%), 104/175 trường THCS (tỷ lệ gần 60%), 26/47 trường THPT (tỷ lệ hơn 55%). Đồng thời đến nay toàn tỉnh đã có 27% trường công lập đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày với trên 80 trường, trong số này có 35% trường đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày với 100% số lớp học.

Năm học 2019-2020, quy mô học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT trong toàn tỉnh là 741 ngàn học sinh, giảm khoảng 20 ngàn học sinh so với năm học trước. Trong đó từ bậc mầm non đến THCS, sĩ số học sinh đều giảm khoảng 15 ngàn học sinh. Hầu hết các địa phương đều có sĩ số học sinh giảm so với năm học trước, trừ địa bàn TP.Biên Hòa tăng khoảng 13 ngàn học sinh. Với các địa phương giảm học sinh như: Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú… thì đây là điều kiện tốt để sắp xếp lại hệ thống trường lớp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, năm học mới này dù quy mô học sinh tăng khoảng 13 ngàn học sinh ở các bậc học nhưng nhờ nắm bắt sớm tình hình, chủ động phân tuyến tuyển sinh, sắp xếp trường lớp nên bình quân sĩ số khoảng 46 em/lớp. Tại những “điểm nóng” như các phường Trảng Dài, Long Bình, Phước Tân những năm trước có sĩ số học sinh/lớp đông từ 49-51 em thì năm nay giảm chỉ còn 48 em/lớp.

Ông Võ Văn Minh cho biết thêm, năm học mới này thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây mới các trường học, đồng thời có phương án bổ sung thêm phòng học để tiếp tục giảm tải. Cụ thể năm học này thành phố dự kiến triển khai xây dựng Trường THCS Tân Phong (phường Tân Phong), xây thêm phòng học cho Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp), Trường tiểu học Trảng Dài 3 (phường Trảng Dài), Trường THCS Tân Hòa…

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Phú Lê Công Quang cho biết, năm học 2019-2020 huyện tiếp tục đón thêm tin vui khi được đầu tư xây mới Trường tiểu học Lê Văn Tám (tại xã Trà Cổ) với quy mô 26 phòng học, các phòng chức năng, nhà luyện tập thể thao đa năng, khu hiệu bộ với kinh phí 46 tỷ đồng. Công trình đã được khánh thành và khai giảng năm học mới vào sáng 4-9. Cũng từ năm học này, Trường tiểu học Lê Văn Tám không còn 2 điểm lẻ mà đã tập trung học sinh về học tại điểm chính để dạy 2 buổi/ngày. “Huyện đang quyết liệt đầu tư chuẩn hóa lại trường lớp để có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021” - ông Quang nhấn mạnh.

* Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, năm học mới 2019-2020 là năm rất quan trọng, năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015-2020) của tỉnh. Do đó, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sát hợp với tình hình, tạo chuyển biến căn bản cho ngành.

Cụ thể, sẽ tiếp tục rà soát sắp xếp lại các cơ sở GD-ĐT theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn và hiệu quả. Thực hiện đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ thầy cô giáo phát huy hết khả năng sáng tạo và tâm huyết với nghề. Tiếp tục đổi mới cơ chế giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới.

Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT trò chuyện cùng thầy và trò Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Hải Yến
Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT trò chuyện cùng thầy và trò Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Hải Yến

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Sở sẽ tiếp tục rà soát, củng cố, đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu đổi mới của tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý là cơ sở quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông. Sẵn sàng thực hiện triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau bậc THCS.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được cả xã hội dành sự quan tâm hiện nay, đó là việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh gắn với xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Bà Huỳnh Lệ Giang nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ sẽ được chúng tôi tiếp tục quan tâm, quán triệt, đẩy mạnh trong toàn ngành, đồng thời huy động trách nhiệm từ gia đình và các tổ chức đoàn thể cùng tham gia với ngành trong việc giáo dục học sinh. Chúng tôi cũng dành sự quan tâm lớn đến vấn đề tạo nền tảng giúp học sinh hội nhập quốc tế trong tình hình mới”.

 Để làm được điều này, Sở tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các trường nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.

Công Nghĩa


Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị dạy học

Trong thời gian qua, huyện Cẩm Mỹ đã chú trọng việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Điều này là bước chuẩn bị cho việc áp dụng đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đầu năm học này, huyện đã thực hiện sáp nhập Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền vào Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Xuân Đông). Năm học 2019-2020, huyện sẽ tiếp tục xem xét, thực hiện việc sáp nhập các điểm lẻ của các trường trên địa bàn. Việc sáp nhập sẽ tiến hành trên cơ sở đảm bảo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh.

Cô Trương Thị Thúy Nhài, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa): Không ngừng tự học để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Năm học này, trường chúng tôi vui mừng được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Không chỉ thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh còn tổ chức bán trú được cho gần 100% học sinh. Điều này chứng tỏ sự tin tưởng của phụ huynh đối với nhà trường.

Tôi và các đồng nghiệp ý thức rằng, bản thân mỗi người phải tự học, tự rèn luyện, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học. Chúng tôi luôn tâm niệm “mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

Chị Nguyễn Thị Mai Trâm (KP.3, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa): Mong sớm công bố chương trình sách giáo khoa lớp 1

Là phụ huynh có con sẽ học lớp 1 vào năm sau, tôi mong muốn cùng với việc dạy học 2 buổi/ngày, các trường sẽ tổ chức bán trú cho học sinh. Điều này nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho các con. Có như vậy thì phụ huynh chúng tôi mới yên tâm làm việc.

Đối với nội dung, chương trình sách giáo khoa, tôi mong Bộ GD-ĐT sớm công bố bộ sách mới để phụ huynh được biết. Tôi nghĩ là khi thay đổi chương trình, sách giáo khoa thì bản thân phụ huynh cũng phải học cùng con để theo kịp những đổi mới. Việc sớm công bố bộ sách giáo khoa cũng tránh để nhà trường, phụ huynh, học sinh rơi vào thế bị động.

Em Đoàn Quỳnh Như, lớp 8A Trường THCS Quang Trung (huyện Tân Phú): Mong muốn được mở rộng không gian học tập

Ngay trong buổi chào cờ đầu tiên của năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường đã thông báo với chúng em về chủ đề hoạt động giáo dục STEM (cung cấp kiến thức và kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) của năm học là: “STEM khơi nguồn sáng tạo”. Chúng em rất hứng thú với hoạt động học tập này.

Ngoài giáo dục theo định hướng STEM, em mong muốn nhà trường và thầy cô tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, mở rộng không gian học tập để chúng em không chỉ học trong lớp mà còn học ở sân trường, thậm chí là ngoài nhà trường. Em cũng mong thầy cô áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn nữa trong dạy học, vì điều này giúp chúng em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.              

Tường Vi (ghi)


Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,094,268       6/930