Xã hội

Doanh nghiệp "đỏ mắt" tìm lao động

Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp cần tuyển số lượng lao động lớn để phục vụ sản xuất các đơn hàng cũng như mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động ở thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn.

Bàn tuyển dụng của các doanh nghiệp tại sàn giao dịch việc làm vắng bóng người lao động
Bàn tuyển dụng của các doanh nghiệp tại sàn giao dịch việc làm vắng bóng người lao động. Ảnh: H.Dung

Có những doanh nghiệp “mời chào” người lao động bằng những chính sách ưu đãi, nhiều chế độ đãi ngộ, phụ cấp, song vẫn không thể tuyển đủ số lao động mong muốn.

* Đủ kiểu để “hút” lao động

Công ty TNHH thời trang G&G Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành) đang cần tuyển hơn 2 ngàn lao động phổ thông và lao động có tay nghề ở các vị trí: thợ may, thợ cắt, công nhân may mẫu, công nhân kỹ thuật… Yêu cầu về trình độ của những vị trí cần tuyển dụng không cao, thậm chí với những người chưa biết may sẽ được công ty đào tạo trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, đã nhiều ngày đăng tuyển nhưng số người đến xin việc làm tại công ty rất ít.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết: “Để hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và giúp cho người lao động tìm được công việc phù hợp, hằng tháng, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức 2 sàn giao dịch việc làm vào ngày 10 và 25. Trung tâm cũng hỗ trợ miễn phí đăng thông tin tuyển dụng trên trang thông tin điện tử và các băng rôn tuyển dụng của doanh nghiệp tại trung tâm. Ngoài ra, tùy vào tình hình thực tế, trung tâm cũng tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động tại những địa phương có nhiều doanh nghiệp đóng chân như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom”.

Trong khi đó, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 5, huyện Nhơn Trạch) đang cần tuyển một lượng lớn lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn về bảo trì, cơ điện tử với mức lương khởi điểm từ 5,5 triệu đồng/tháng trở lên cùng nhiều chính sách ưu đãi như trợ cấp đi lại, hỗ trợ tay nghề.

Ông Nguyễn Viết Thành, nhân viên nhân sự Công ty TNHH Hyosung cho hay, suốt nhiều tháng qua, công ty liên tục đăng tuyển dụng trên nhiều kênh thông tin như: bảng tin nội bộ của công ty, mạng xã hội, tờ rơi, băng rôn, tuyển dụng trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm nhưng vẫn chưa tuyển đủ số lao động cần.

Tình trạng lao động khan hiếm đến nỗi có những công ty như Công ty TNHH Soltec Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) thưởng cho công nhân 1 triệu đồng nếu giới thiệu bạn bè, người thân có tay nghề về cơ khí vào làm việc.

Mặc dù những lời mời chào của các doanh nghiệp khá hấp dẫn, nhưng theo nhiều cán bộ nhân sự, chưa có khi nào việc tuyển dụng lao động lại khó khăn như lúc này. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất, nhất là khi chỉ còn vài tháng nữa, các đơn hàng tết sẽ về dồn dập.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Fashion Garment (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) lý giải: “Lao động phổ thông hiện có rất nhiều lựa chọn công việc. Nhiều lao động nữ không còn mặn mà với những ngành như: dệt may, giày da, điện tử vì những ngành này khiến họ gò bó, ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe vì phải ngồi nhiều. Có những người trước đây là công nhân của công ty đã xin nghỉ việc để ra ngoài bán hàng online hoặc làm những công việc khác ít gò bó hơn”.

* Cần có giải pháp với biến động lao động

Tình hình biến động lao động đang ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất và định hướng phát triển của nhiều doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng bằng nhiều kênh không hiệu quả đã phải nhờ đến các công ty cung ứng dịch vụ lao động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, nhân viên nhân sự Công ty TNHH cung ứng dịch vụ lao động Tâm Thịnh Vượng (phường An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện có 60 doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký tuyển dụng lao động tại công ty với số lượng từ 200 đến 3 ngàn lao động/doanh nghiệp. Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông vẫn chiếm số lượng lớn với 80%. Những ngành có nhu cầu lao động lớn là: dệt may, giày da, sản xuất gỗ, điện tử.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở lo ngại, tình trạng khan hiếm lao động không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển đoàn viên của tổ chức Công đoàn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới được 66 Công đoàn cơ sở, trừ các Công đoàn cơ sở giải thể, sáp nhập, điều chỉnh, còn lại thực tăng 23 Công đoàn cơ sở nhưng lại giảm 864 đoàn viên. Có những doanh nghiệp trong suốt những tháng đầu năm chỉ tuyển mới được số lao động bằng hoặc thấp hơn số lao động nghỉ việc.

Cho rằng các doanh nghiệp cần phải tính toán lâu dài đến việc giữ chân lao động, ông Vũ Hoàng Sơn, Phó trưởng phòng Lao động - tiền lương - bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội đề nghị, các doanh nghiệp nên có kế hoạch tuyển dụng lao động ngay từ đầu năm để chủ động trong việc tuyển dụng. Dự báo trong những tháng cuối năm, tình hình lao động sẽ tiếp tục khan hiếm và việc tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang lưu ý, các Công đoàn cơ sở cần nghiêm túc lưu ý, phân tích xem số lượng đoàn viên Công đoàn giảm trong thời gian vừa qua có thực sự do dịch chuyển lao động không, hay còn vì những lý do khác. Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở cần tham mưu, đề xuất, phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống, phúc lợi cho người lao động. Có như vậy mới đảm bảo người lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Hạnh Dung - Lan Mai

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,094,461       7/935