Xã hội

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Theo thống kê của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN - thuộc Bộ KHCN), cả nước hiện có hơn 3 ngàn doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp KHCN nhưng chỉ có 400 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KHCN, trong đó Đồng Nai có 4 doanh nghiệp.

Ông Trương Thanh Khoan, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trương Thanh Khoan đang thực hiện chưng cất chiết xuất tinh dầu trầm và nước cất của tinh dầu trầm hương
Ông Trương Thanh Khoan, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trương Thanh Khoan đang thực hiện chưng cất chiết xuất tinh dầu trầm và nước cất của tinh dầu trầm hương

Sau một thời gian đi vào hoạt động, các doanh nghiệp KHCN gặp phải không ít khó khăn rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng.

* Nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động

4 doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno (phường Xuân Bình, TP.Long Khánh, chuyên chuyển giao công nghệ sinh học, kinh doanh vật tư hóa chất, sản phẩm trong nông nghiệp); Công ty cổ phần công nghệ nhiệt mặt trời (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa, chuyên sản xuất hệ thống nhiệt mặt trời và máy sấy nhiệt mặt trời); Công ty TNHH Hồ Giáp Việt (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, chuyên sản xuất máy gieo hạt và phân bón, máy nước nóng năng lượng mặt trời) và Công ty TNHH một thành viên Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, chuyên sản xuất các chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm, sản phẩm từ cây dó (trầm hương).

Bộ KHCN nhận định, doanh nghiệp KHCN là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KHCN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Doanh nghiệp KHCN được hình thành trên cơ sở áp dụng hoặc khai thác thành công các hoạt động nghiên cứu của chính doanh nghiệp hoặc kết quả nghiên cứu KHCN của các nhà khoa học, của các tổ chức KHCN hoặc kết quả nghiên cứu chuyển giao từ nước ngoài mà họ được quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp.

Những sản phẩm sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno gồm có: thuốc Agri-Fos 400 là loại thuốc đặc trị nấm phythopthora trên cây trồng, thuốc được sản xuất theo tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, không có tồn dư chất độc hại trong nông sản; giống sầu riêng Dona, cây giống chôm chôm Dona cho chất lượng trái thơm ngon, năng suất cao. Các sản phẩm của công ty được xuất đi nhiều thị trường cả trong và ngoài nước, nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng.

Trong khi đó, mặc dù đã hoạt động được hơn 5 năm nhưng sản phẩm hệ thống nhiệt mặt trời và máy sấy nhiệt mặt trời của Công ty cổ phần công nghệ nhiệt mặt trời còn khá mới mẻ đối với thị trường.

Ông Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc công ty cho biết, sau gần 10 năm bỏ nhiều công sức, tiền bạc để nghiên cứu, tìm giải pháp mới trong quá trình sấy khô sản phẩm, ông đã mạnh dạn xin thành lập doanh nghiệp KHCN vào năm 2014 với mong muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam cung cấp giải pháp làm khô sản phẩm (như phở khô, miến dong, hủ tiếu khô, bánh tráng, bột nếp, bông gòn, hải sản…) bằng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên từ đó đến nay, doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Khỏe chưa nhận được sự hỗ trợ nào đáng kể từ phía các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Khỏe cho hay, những khó khăn mà công ty gặp phải như: thiếu thông tin, không được tham gia các hội thảo, chương trình liên quan đến doanh nghiệp KHCN để chia sẻ thông tin về doanh nghiệp mình đến cộng đồng. Từ đó mà niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm chưa cao. Kế đó là doanh nghiệp chưa được vay vốn ưu đãi, chưa được ưu đãi về thuế thuê đất, vẫn phải đóng thuế giá trị gia tăng như những doanh nghiệp bình thường. Về thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù có quy định được ưu đãi 50% nhưng do doanh nghiệp làm ăn không có lợi nhuận (trong 5 năm mới chỉ xuất được 2 hóa đơn trị giá hơn 1 tỷ đồng) nên xem như ưu đãi này cũng không có tác dụng.

* Hy vọng sự thay đổi

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp KHCN, tháng 3-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN thay thế cho Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN.

Theo Nghị định 13, để chứng minh kết quả nghiên cứu KHCN, bên cạnh những sản phẩm KHCN đã được được cấp giấy tờ chứng minh rõ ràng (như các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng vật nuôi, chứng nhận chuyển giao hoặc nhập khẩu công nghệ) thì các doanh nghiệp tự đầu tư và phát triển công nghệ của mình có thể thực hiện theo Thông tư 02/2015 để đề nghị các Sở KHCN tổ chức hội đồng đánh giá các kết quả KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước làm bằng chứng hồ sơ.

Các doanh nghiệp KHCN nếu có tài sản dùng để thế chấp theo quy định của pháp luật hay doanh nghiệp có dự án KHCN khả thi thì được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KHCN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn tại các ngân hàng thương mại hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng cho vay.

Đặc biệt, doanh nghiệp KHCN sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Để được ưu đãi trên, năm tài chính của doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN, phải đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp KHCN được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Cùng với đó, doanh nghiệp KHCN được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Doanh nghiệp được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KHCN của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo doanh nghiệp KHCN.

Ông Trương Thanh Khoan, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trương Thanh Khoan mong muốn Nghị định số 13 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp KHCN phát triển hơn nữa. Riêng sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Trương Thanh Khoan hiện đã tiếp cận được nhiều thị trường khó tính. Trong đó, công ty đã xuất được 2 lô hàng sang Hàn Quốc và chuẩn bị xuất đợt tiếp theo.

Phó giám đốc Sở KHCN Nguyễn Ngọc Phương cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 13, Sở đã thông tin đến các doanh nghiệp KHCN trong tỉnh để các doanh nghiệp được biết. Nghị định này sẽ giúp các doanh nghiệp đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KHCN, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước hơn so với trước kia.

“Khi các doanh nghiệp gặp các khó khăn liên quan đến các thủ tục thuộc thẩm quyền của Sở KHCN, Sở sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ. Tuy nhiên, với những vấn đề liên quan đến vay vốn hay thuế thì cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng” - ông Phương nhấn mạnh.    

       Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,098,787       3/989