Xã hội

Quản lý tốt hơn đối tượng tiêm chủng

Tiêm chủng là cách phòng bệnh hiệu quả đối với các loại bệnh đã có vaccine chủng ngừa. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 36%, thấp hơn so với chỉ tiêu giao.

Trẻ em được tiêm chủng tại Trung tâm kiếm soát bệnh tật tỉnh
Trẻ em được tiêm chủng tại Trung tâm kiếm soát bệnh tật tỉnh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp, trong đó phải kể đến tâm lý e dè của người dân đối với loại vaccine 5 trong 1 ComBe Five thay thế vaccine Quinvaxem.

* Thấp hơn 10% so với chỉ tiêu

Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,4 ngàn trường hợp mắc bệnh sởi, tập trung cao nhất ở TP.Biên Hòa với 653 ca, tiếp đến là huyện Long Thành: 174 ca, huyện Nhơn Trạch: 165 ca, Trảng Bom: 136 ca. Ngoài ra, còn ghi nhận 9 trường hợp ho gà tại 4 địa phương trên.

Kết quả tiêm chủng thường xuyên trong 6 tháng qua cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine trong toàn tỉnh chỉ đạt 36%, thấp hơn chỉ tiêu giao gần 10%. Trong đó, theo chỉ tiêu của dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, chỉ có tỷ lệ tiêm chủng 2 loại vaccine là sởi - rubella và viêm gan B sơ sinh đạt kế hoạch. Còn lại tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine khác như vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai, vaccine viêm não Nhật Bản liều thứ 3, vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván liều 4, vaccine OPV 3, vaccine viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib… đều không đạt chỉ tiêu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Cương, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, nguyên nhân không đạt chỉ tiêu về tỷ lệ tiêm chủng là do tình trạng người dân vẫn còn tâm lý e dè đối với vaccine Combe Five (thay thế vaccine 5 trong 1 Quinvaxem). Ngoài ra, tỷ lệ hoãn tiêm của đối tượng tiêm vaccine viêm não Nhật Bản còn cao do trẻ không đủ điều kiện tiêm chủng. Công tác khai thác tiền sử tiêm chủng vaccine uốn ván khi phụ nữ mang thai còn thiếu nên tỷ lệ trẻ được bảo vệ uốn ván sơ sinh chưa đạt chỉ tiêu.

* Đóng cửa cơ sở tiêm chủng nếu không thực hiện đúng

Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình cho rằng, các địa phương cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng thông qua việc đăng nhập phần mềm hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Bởi, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn những địa phương, cơ sở tiêm chủng chưa thực hiện nghiêm túc yêu cầu này, chưa thường xuyên đăng nhập phần mềm để tổ chức tiêm chủng, báo cáo vật tư, vaccine, bơm kim tiêm cũng như quản lý đối tượng theo quy định. Đặc biệt là các trạm y tế thuộc TP.Biên Hòa như: Tân Phong, Tân Vạn, Tân Hòa, Trung Dũng, Quang Vinh, Long Bình Tân; các trạm y tế ở huyện Nhơn Trạch như: Vĩnh Thanh, Phước Thiền, Phước Khánh, Phước An, Phú Đông, Phú Thạnh, Phú Hữu, Phú Hội, Long Tân, Long Thọ, Hiệp Phước không lập kế hoạch tiêm chủng hằng tháng trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

Về tình hình theo dõi phản ứng sau tiêm, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận có 246 ca phản ứng nhẹ, 77 ca nhập viện theo dõi, 2 ca phản ứng nặng, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Tình trạng trùng đối tượng tiêm chủng trên phần mềm tại các địa phương còn phổ biến. Một số địa phương chưa chủ động tìm kiếm đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng nên chưa quản lý hết được đối tượng trên địa bàn để lập kế hoạch tiêm chủng cũng như thực hiện phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm khác cho trẻ.

Khẳng định đã khống chế được dịch sởi nhưng số ca mắc bệnh vẫn còn cao, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình yêu cầu các cơ sở y tế ở địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng. Mặc dù báo cáo có đến 90-95% số trẻ trong độ tuổi được tiêm vaccine nhưng đó là những đối tượng mà cán bộ y tế quản lý được, còn trẻ vãng lai, nhập cư rất nhiều chưa quản lý được.

Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo các trạm y tế, cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm việc lập danh sách đối tượng trẻ em không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, đang ở tại các khu nhà trọ để quản lý. Đồng thời lập danh sách các nhà trẻ/mẫu giáo/mầm non công lập, ngoài công lập, các nhóm trẻ cũng như số trẻ đang học ở đây để chủ động quản lý và tổ chức các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

Khoa sản các bệnh viện phải đăng nhập phần mềm hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia để cấp mã số tiêm chủng cho trẻ theo địa chỉ hộ khẩu thường trú và nơi ở để thuận tiện cho việc tiêm chủng của trẻ. Đồng thời tiêm đầy đủ vaccine viêm gan B sơ sinh cho những trẻ sinh tại bệnh viện.

Các cơ sở tiêm chủng không phân biệt tiêm chủng dịch vụ hay tiêm chủng mở rộng cần thực hiện đăng nhập phần mềm hệ thống để tìm kiếm đối tượng trước khi chỉ định tiêm chủng cho trẻ, tránh tạo mới trùng lắp, gây khó khăn cho công tác quản lý đối tượng trên phần mềm hệ thống của các địa phương.

“Các cơ sở tiêm chủng tư nhân nếu không thực hiện nghiêm việc cập nhật thông tin trên hệ thống tiêm chủng, chúng tôi sẽ đóng cửa, rút giấy phép. Các cơ sở công lập có tiêm chủng dịch vụ nếu không thực hiện nghiêm thì lãnh đạo đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm và bị phê bình. Chúng ta cần nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu 95% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ” - ông Bạch Thái Bình nhấn mạnh.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,106,266       8/892