Xã hội

Bệnh viêm hô hấp ở trẻ tăng cao

Cùng với bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, thời điểm mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm hô hấp ở trẻ nhỏ gia tăng, đặc biệt là bệnh viêm phổi.

Bác sĩ Khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho một bệnh nhi bị bệnh hô hấp.
Bác sĩ Khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho một bệnh nhi bị bệnh hô hấp.

Khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40 ca bệnh liên quan đến hô hấp điều trị nội trú (ngày thường có từ 10-15 ca/ngày), tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái (mùa mưa năm 2017 có 25-30 ca/ngày), trong đó bệnh viêm phổi chiếm 50% số ca.

* Nhiều ca bệnh nặng

Bệnh nhi B.M. (1 tháng tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) được chuyển từ Trung tâm y tế huyện Thống Nhất lên Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cách đây vài ngày trong tình trạng ho nhiều, khò khè và khó thở. Sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy bé bị viêm phổi nặng. Bé sau đó được các bác sĩ hỗ trợ thở oxy. Trong quá trình điều trị, bé M. không đáp ứng thuốc theo đường uống nên phải truyền thuốc. Đến nay, tình trạng bệnh của bé có thuyên giảm nhưng vẫn cần theo dõi thêm.

Bé G.P. (2 tháng tuổi, xã Phú Tân, huyện Định Quán) cũng nhập viện trong tình trạng tím tái, ho, tiêu chảy do viêm phổi nặng, phải thở oxy. Sau gần 1 tuần điều trị, bé bớt khò khè nhưng do có tiền sử sinh non, thể trạng yếu, kèm theo đó là nghi ngờ ho gà nên bé cần phải được theo dõi thêm. Hiện bé đã có thể bú tốt nhưng vẫn phải tiếp tục thở oxy.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp từ 4-6 lần/năm. Tác nhân gây nên viêm đường hô hấp ở trẻ chủ yếu do nhiễm virus, đa số là những virus lành tính. Ngoài ra, yếu tố cơ địa và môi trường cũng dễ làm trẻ mắc bệnh này.

Những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao như: trẻ sinh non, suy dinh dưỡng, không được bú sữa mẹ, trẻ thường xuyên ăn uống đồ lạnh, nằm trong phòng có máy điều hòa ở nhiệt độ thấp; trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói bụi, khói thuốc lá…

* Đưa trẻ đi điều trị càng sớm càng tốt

Viêm phổi là một bệnh nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong với trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây lan rất nhanh qua chất dịch phát tán từ mũi hoặc miệng người bệnh khi hắt hơi hoặc dùng chung đồ dùng với người bệnh. Bệnh có biểu hiện ban đầu giống với cảm cúm thông thường, hoặc tiến triển từ các bệnh như: viêm phế quản, tiểu phế quản sau khi bội nhiễm nên thường bị chẩn đoán không chính xác. Do đó, người lớn nên theo dõi kỹ các biểu hiện lâm sàng khi trẻ mắc bệnh để có thể nhận biết và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết phác đồ điều trị bệnh viêm phổi thường kéo dài trung bình từ 7-10 ngày tùy vào tình trạng bệnh. Vì vậy, để phòng tránh bệnh viêm phổi nói riêng, bệnh hô hấp và các bệnh truyền nhiễm nói chung, trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Bên cạnh đó, trẻ phải được chăm sóc, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, tiêm phòng đầy đủ, không nên đến những nơi đông người khi không cần thiết. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế khói thuốc lá…

Khi trẻ có các dấu hiệu như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở và các rối loạn khác như: tiêu chảy, bú kém, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Đặc biệt, không nên tự dùng thuốc cho trẻ để tránh tình trạng kháng thuốc dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn và gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.

Việc chăm sóc trẻ bị viêm hô hấp cũng cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Phụ huynh nên cho trẻ uống đủ nước, ăn uống đủ chất, nhỏ/xịt mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối pha loãng để vệ sinh mũi cho trẻ sạch sẽ; nên hạn chế cho trẻ nằm điều hòa, nếu sử dụng điều hòa thì dùng ở mức nhiệt từ 26-28OC; mặc ấm cho trẻ khi ở thời tiết lạnh.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,125,751       2/825