Xã hội

Quản lý chặt việc mua bán thuốc

Ngày 24-8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc tới 63 tỉnh, thành trong cả nước. Dự và chỉ đạo có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp báo cáo tình hình triển khai quản lý các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại hội nghị trực tuyến.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp báo cáo tình hình triển khai quản lý các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại hội nghị trực tuyến.

Tham dự hội nghị ở đầu cầu Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, lãnh đạo Sở Y tế và đại diện các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn.

* Mua thuốc “dễ như mua rau”

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cả nước hiện có 219 nhà máy sản xuất thuốc, 137 công ty xuất nhập khẩu thuốc và hơn 61 ngàn cơ sở bán lẻ thuốc. Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động cung ứng thuốc đang gặp nhiều thách thức như: tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, mua bán thuốc không cần đơn. Người dân có thể mua thuốc dễ như mua rau ngoài chợ. Việc mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc và chỉ định của bác sĩ đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở mức độ đáng báo động.

Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ về việc kết nối mạng các nhà thuốc, cơ sở cung ứng thuốc, kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn thuốc, mua bán và sử dụng thuốc theo đơn, quản lý hiệu quả hệ thống cung ứng thuốc, Bộ Y tế đã ban hành các quyết định, thông tư liên quan. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc là điều kiện bắt buộc phải có với cơ sở kinh doanh thuốc. Đến nay, kết quả thực hiện tại 25 tỉnh đã cấp tài khoản cho hơn 4,1 ngàn cơ sở bán lẻ thuốc. Qua đó, có hơn 1,9 ngàn cơ sở thường xuyên cập nhật số liệu về hoạt động mua bán thuốc; hơn 22 ngàn đơn thuốc được cập nhật liên tục trên trang web http://duocquocgia.com.vn.

Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, Sở Y tế đã phối hợp với Công ty Viettel chi nhánh Đồng Nai triển khai kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn. Mục tiêu đến tháng 1-2019 sẽ áp dụng đối với nhà thuốc, đến năm 2020 áp dụng với quầy thuốc và năm 2021 đối với các tủ thuốc trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đến nay, Sở Y tế đã tổ chức 4 buổi tập huấn hướng dẫn cài đặt phần mềm quản lý hoạt động của nhà thuốc và kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý cho 350 nhà thuốc, cơ sở bán buôn thuốc. Trước tháng 7-2019, sẽ tiếp tục tổ chức 20 buổi tập huấn cho 3 ngàn quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế.

* Quyết tâm thực hiện

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo ngành y tế cần chủ trì, phối hợp, làm ngay 2 nhiệm vụ quan trọng liên quan đến lợi ích của số đông người dân. Đó là triển khai quyết liệt hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân của từng người dân trong cả nước và siết chặt quản lý toàn bộ hệ thống bán buôn, bán lẻ thuốc theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra thực tế, trước đây khi chưa có nhiều trạm y tế, bác sĩ như bây giờ nhưng sức khỏe của từng người dân trên địa bàn được nắm rất chắc. Còn hiện nay chỉ có riêng cán bộ mới được theo dõi sức khỏe thường xuyên chứ người dân chưa được hưởng điều này. Do vậy, ngành y tế cần khẩn trương phối hợp để lập hồ sơ sức khỏe cá nhân của từng người dân gắn với việc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử.

Một nhiệm vụ cũng hết sức khẩn thiết được đặt ra với ngành y tế là quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ thuốc trong cả nước. Phó thủ tướng nói thẳng: “Hiện có đến hơn 22 ngàn loại thuốc với rất nhiều tên gọi khác nhau. Việc quản lý bán thuốc ở Việt Nam thuộc diện lỏng lẻo bậc nhất thế giới. Ở đâu cũng có thể mua được thuốc kháng sinh. Người dân không ai mặc cả giá thuốc nên cơ quan chức năng không quản lý được việc bán thuốc tại hàng ngàn quầy thuốc. Không có công cụ nào giúp người dân khi đi mua thuốc biết được rõ nguồn gốc, công dụng, chất lượng của thuốc ra sao, chưa kể tỷ lệ thuốc nhái, kém chất lượng cũng được các quầy thuốc buôn bán”.

Do vậy, ngành y tế cần khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Từ đó, người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như: nguồn gốc, xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng. Các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn, tiếp nhận kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý như thông tin thuốc bị thu hồi, thuốc không đạt chất lượng. Ngoài ra, cơ quan quản lý dược cũng nắm bắt được toàn bộ đường đi của thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho đến tay người tiêu dùng; kiểm soát giá cả, luân chuyển thuốc khi cần thiết.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Công khai, minh bạch toàn bộ quá trình buôn, bán thuốc không chỉ là nghĩa vụ về mặt pháp lý mà còn là trách nhiệm về mặt lương tâm đối với người dân. Nếu thực hiện tốt vấn đề này sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp loại bỏ hành vi kinh doanh không trong sạch có tính gian lận của nhiều doanh nghiệp, nhà thuốc, quầy thuốc. Do vậy, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để thực hiện tốt.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,126,790       5/850