Dù Đồng Nai đã ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có ưu đãi về vốn nhưng nhìn nhận một cách khách quan, doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Để trợ giúp doanh nghiệp vay vốn, các ngân hàng thương mại cũng cần xây dựng các gói vay phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngoài quy định của Nhà nước về việc vay vốn từ hệ thống ngân hàng thì trên địa bàn tỉnh cũng có các chính sách hỗ trợ.
Cụ thể là chương trình vay vốn từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Quỹ Đầu tư phát triển Đồng Nai; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; thực hiện Quyền Bảo hộ độc quyền và sở hữu trí tuệ của Sở Khoa học - công nghệ; chương trình khuyến công hằng năm của Sở Công thương hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại của Trung tâm xúc tiến thương mại…
Các chính sách hỗ trợ nêu trên, về cơ bản rất thiết thực để trợ giúp doanh nghiệp phần nào giải quyết khó khăn, đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên thực tế, số doanh nghiệp thụ hưởng từ các chương trình này chưa nhiều. Đơn cử, nguồn vốn từ kinh phí khuyến công mỗi năm chỉ hỗ trợ được từ 7-8 đơn vị, số vốn hỗ trợ cũng rất nhỏ so với nhu cầu đầu tư máy móc, nâng chuẩn công nghệ. Một số doanh nghiệp, thương hiệu thụ hưởng từ chương trình này như: Công ty TNHH Thế Linh, Công ty cổ phần An Phú Thịnh, Công ty TNHH Nam Long, Công ty TNHH sản xuất thương mại cao su - nhựa Tương Lai… nhưng con số vẫn rất ít ỏi.
Một chương trình hỗ trợ khác là xúc tiến thương mại ở nước ngoài trong thời gian qua vẫn làm khá chậm so với thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Thông thường vào đầu năm, doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, đối với chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh thường tới giữa năm mới được ban hành. Do những hạn chế như vậy nên chưa nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được vào chuỗi liên kết sản xuất quốc tế.
* Ngân hàng cùng vào cuộc
Càng về cuối năm, các ngân hàng đang có thêm những chính sách để giảm lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh. Từ ngày 1-8-2019 đến hết 31-12-2019, Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (Agribank) tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay từ 0,25-0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Mức lãi suất cho vay của Agribank hiện đang ở mức thấp nhất thị trường, giảm 1% so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (6,5%).
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Đồng Nai (MB Bank) vừa tung ra chương trình kết nối với các hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Ông Lý Thành Việt, Giám đốc chi nhánh cho hay, khách hàng là hội viên của Hội sẽ được vay gói tín dụng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể được vay tín chấp để trả lương lên tới 3 tỷ đồng cùng nhiều chính sách ưu đãi khác.
Để làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng. Điều quan trọng là phải tìm cách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển tiếp cận các sản phẩm tài chính phù hợp theo chủ trương của Nhà nước” - ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho hay.
Văn Gia