Kinh tế

Hàng loạt điểm nghẽn giao thông cần tháo gỡ

Áp lực giao thông trên địa bàn Đồng Nai gần đây trở nên khá nặng nề do lượng xe trong tỉnh tăng cao. Trong khi lượng xe từ các tỉnh, thành lưu thông trên những tuyến quốc lộ qua địa phận Đồng Nai cũng rất lớn.

Áp lực giao thông trên địa bàn Đồng Nai những năm gần đây trở nên khá nặng nề do lượng xe trong tỉnh tăng cao. Không những thế, lượng xe từ các tỉnh, thành  lưu thông trên những tuyến quốc lộ qua địa phận Đồng Nai cũng rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển không kịp khiến Đồng Nai xuất hiện hàng loạt điểm nghẽn giao thông.

Đồ họa thể hiện lưu lượng phương tiện trên một số đoạn đường thường xuyên bị quá tải của quốc lộ 1 và quốc lộ 51 đi qua địa bàn Đồng Nai. (Thông tin: VÂN NAM - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Đồ họa thể hiện lưu lượng phương tiện trên một số đoạn đường thường xuyên bị quá tải của quốc lộ 1 và quốc lộ 51 đi qua địa bàn Đồng Nai. (Thông tin: VÂN NAM - Đồ họa: HẢI QUÂN)

TIN LIÊN QUAN
Trên địa bàn Đồng Nai có 3 tuyến quốc lộ được xem là huyết mạch và đến nay đều đã quá tải, cụ thể là: quốc lộ 1, quốc lộ 20 và quốc lộ 51. Trong đó, 2 tuyến quốc lộ 1 và 51 thường xuyên bị ùn tắc, không có đường tránh để giảm tải.

* Quốc lộ tắc nghẽn

Đồng Nai là địa bàn có tới 5 tuyến quốc lộ đi qua, cụ thể là: quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 20, quốc lộ 51 và quốc lộ 56. Tổng chiều dài của các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh hơn 260km. Các quốc lộ trên đều nằm ở vị trí cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, vì thế lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn.

Đoạn quốc lộ 1 từ ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đến cầu Sập (TP.Biên Hòa) dài hơn 30km là nỗi ám ảnh của các tài xế do đường hẹp và đông xe.

Đây là tuyến đường cửa ngõ từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào TP.Hồ Chí Minh và có lưu lượng xe di chuyển hằng ngày rất lớn nhưng mặt đường chỉ có 2 làn xe ô tô và 2 làn xe 2 bánh. Vào giờ cao điểm, một lượng lớn công nhân cùng lúc di chuyển đến các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện Trảng Bom và TP.Biên Hòa gây nên ùn tắc.

Anh Nguyễn Văn Sinh, tài xế chạy xe đưa đón công nhân ở KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom) cho biết, trên quốc lộ 1, đoạn từ TP.Biên Hòa đến đường vào KCN Hố Nai thường xuyên kẹt xe. Hằng ngày, anh phải đi sớm hơn khoảng 10 phút để không bị trễ giờ làm của công nhân.

Toàn tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 100km và đã được Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) cải tạo mặt đường, nhưng mặt cắt ngang không được mở rộng, vẫn giữ nguyên, trong khi lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên tình trạng ùn tắc cục bộ là khó tránh khỏi.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom là khoảng 162 ngàn lượt/ngày đêm. Không chỉ cửa ngõ TP.Biên Hòa tắc nghẽn mà đến nay, trên quốc lộ 1 đoạn qua TP.Long Khánh cũng bắt đầu xảy ra ùn ứ. Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Hồ Văn Nam cho biết, lưu lượng xe qua TP.Long Khánh trên quốc lộ 1 mấy năm gần đây tăng lên khá nhanh. Mấy năm trước, thành phố cũng đã kiến nghị Bộ GTVT cần xây dựng đường tránh để giảm tải cho quốc lộ 1 đoạn qua trung tâm thành phố. 

Kẹt xe trên đường Nguyễn Ái Quốc giao với đường Nguyễn Phúc Chu. Ảnh: K.Giới
Kẹt xe trên đường Nguyễn Ái Quốc giao với đường Nguyễn Phúc Chu. Ảnh: K.Giới

Quốc lộ 51 từ TP.Biên Hòa đi TP.Vũng Tàu dài hơn 100km hiện tại cũng nằm trong danh sách những tuyến đường kẹt xe nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Huy, một tài xế chở hàng từ TP.Biên Hòa chuyên cung cấp cho các nhà máy ở KCN Mỹ Xuân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, quốc lộ 51 có khá nhiều điểm kẹt xe, trong đó có 5 điểm giao cắt gây ra tình trạng ùn tắc phức tạp các cơ quan chức năng cần phải xử lý.

Cụ thể, điểm tắc nghẽn đầu tiên phải kể đến là nút giao giữa quốc lộ 51 với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Tại đây, lượng xe lên xuống đường cao tốc khá lớn, trong khi nút giao chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên dễ xảy ra xung đột giao thông. Một điểm giao khác cũng trong tình trạng ùn tắc thường xuyên là ngã tư Nhơn Trạch (giao giữa quốc 51 với đường 25B vào huyện Nhơn Trạch). Nguyên nhân dẫn đến kẹt xe khu vực này gia tăng là do lượng phương tiện ra vào KCN rất đông, chủ yếu là các xe container chở hàng có tốc độ di chuyển chậm. Ngoài ra, những điểm gây ùn tắc khác phải kể đến như: nút giao giữa quốc lộ 51 với đường vào xã Bàu Cạn; ngã ba vào KCN Gò Dầu và ngã ba giao giữa quốc lộ 51 với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo đánh giá, quốc lộ 51 hiện nay đã quá tải nghiêm trọng, lưu lượng xe tăng gấp 4 lần so với thiết kế, hiện đạt trung bình trên 40 ngàn lượt phương tiên/ngày đêm.

* Đường đô thị cũng quá tải

Không chỉ các tuyến quốc lộ bị tắc nghẽn thường xuyên, mà các tuyến đường đô thị ở TP.Biên Hòa cũng đang trong tình trạng kẹt xe thường xuyên.

Vào giờ cao điểm, trên đường Bùi Trọng Nghĩa (trục đường chính đi vào phường Trảng Dài) dòng người và xe cộ thường phải nhích từng chút để đi. Trảng Dài được cho là một trong những “siêu phường” của TP.Biên Hòa với số dân gần bằng dân số của một huyện (120 ngàn dân), nhưng chỉ có 2 tuyến đường chính kết nối ra các khu vực khác khiến áp lực lưu thông rất lớn. Khu vực phường Trảng Dài là nơi sinh sống của phần lớn công nhân làm việc tại các KCN Amata, Long Bình, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 nên chỉ có thể đi lại trên 2 tuyến đường là Bùi Trọng Nghĩa và Nguyễn Phúc Chu. Chưa kể, trục đường Đồng Khởi nối từ KCN Amata đến KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cũng đang “căng mình” với mật độ giao thông đi lại lớn như hiện nay.

Một số tuyến đường khác nằm trong danh sách kẹt xe của TP.Biên Hòa phải kể đến là đường Hoàng Văn Bổn (đường vào Nhà máy nước Thiện Tân); đường Bùi Văn Hòa nối từ quốc lộ 1 sang quốc lộ 51 đi qua 3 KCN: Biên Hòa 2, LOTECO, AGTEX Long Bình và Cảng cạn ICD Tân Cảng - Long Bình; đường Nguyễn Thành Phương nối vào cầu Hiệp Hòa, tuyến đường bắt đầu kẹt xe từ khi cầu An Hảo được đưa vào sử dụng, lưu lượng xe trên tuyến đường này gia tăng đáng kể; đường Ngô Quyền đoạn nút giao ngã ba Bến Gỗ (phường An Hòa) với quốc lộ 51; khu vực nút giao Vincom (đường Võ Thị Sáu, Phan Trung, Phạm Văn Thuận); khu vực ngã tư Vườn Mít (nút giao trước Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh); nút giao đường Điểu Xiển với quốc lộ 1...

* Cần giải pháp căn cơ

Hiện tại, việc xử lý tình trạng ùn tắc giao thông mới dừng lại ở hình thức kỹ thuật như: cấm xe giờ cao điểm hoặc phân công lực lượng chức năng trực tiếp điều tiết phân luồng vào giờ cao điểm. Theo giới chuyên môn thì đây mới chỉ là cách xử lý giải quyết được “phần ngọn”.

Để xóa triệt để những điểm nghẽn giao thông này, cần phải đầu tư đúng mức cho hạ tầng. Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Hồ Văn Nam cho rằng, để chống ùn tắc vào giờ cao điểm và đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao khu vực cửa ngõ vào nội ô TP.Long Khánh cần phải mở rộng các nút giao này. Cụ thể, UBND TP.Long Khánh đã kiến nghị UBND tỉnh và Cục Quản lý đường bộ IV, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho đầu tư mở rộng mặt đường, bố trí làn chờ chuyển hướng để đảm bảo an toàn giao thông và chống kẹt xe.

Phối cảnh nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 51
Phối cảnh nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 51

Theo tính toán của UBND TP.Long Khánh, việc mở rộng nút giao 2 đầu đường Hùng Vương với quốc lộ 1 có kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Về lâu dài, để đảm bảo cho giao thông đô thị, TP.Long Khánh còn kiến nghị với UBND tỉnh cho đầu tư tuyến đường vành đai nhằm giảm lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1 qua khu vực trung tâm. Tuyến đường vành đai này có chiều dài 4,2km, điểm đầu giao với quốc lộ 1 tại khu vực cầu Gia Liêu, phường Phú Bình và điểm cuối giao quốc lộ 1 tại ngã ba Suối Tre, phường Suối Tre.

Giám đốc Sở GTVT Từ Nam Thành cho biết, tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ GTVT cần xem xét cải tạo các nút giao trên tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn Đồng Nai ở những đoạn thường xuyên bị ùn tắc như: ngã ba Trị An, ngã ba đường vào Nhà máy nước Thiện Tân và nút giao quốc lộ 1 với tuyến tránh TP.Biên Hòa.

Không chỉ xử lý những nút giao, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đến khu vực chợ Sặt, bởi hiện tại tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã đi vào khai thác nhiều năm qua nhưng lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1 qua đoạn này vẫn rất đông và quá tải.

Với quốc lộ 51, cũng cần sớm có phương án xử lý triệt để những điểm tắc nghẽn. Theo lãnh đạo Sở GTVT, cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu các điểm gây ùn tắc trên tuyến quốc lộ 51. Nguyên nhân ở đây do lưu lượng xe lớn nhưng hầu hết các nút giao đều là nút giao đồng mức. Ông Thành cho hay, việc này Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT cho đầu tư xây dựng các điểm nghẽn này thành nút giao khác mức, thay vì đồng mức như hiện nay. Cụ thể, ở nút giao với tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có thể xây dựng hầm chui, hay ngã tư Nhơn Trạch cũng thiết kế xây dựng hầm chui dọc theo quốc lộ 51.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, ngoài 2 nút giao mà Sở GTVT đề xuất xây dựng hầm chui thì các điểm giao cắt khác trên tuyến đường này cần phải đầu tư xây dựng thành nút giao khác mức cho đồng bộ với nhau, bởi nếu không thì khi giải quyết được điểm này sẽ gây ùn tắc ở điểm khác.

Xử lý tình trạng ùn tắc giao thông trong nội ô cũng cần đẩy nhanh đầu tư các dự án giao thông đã có trong quy hoạch như đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp để giảm ùn tắc cho các tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Phúc Chu, Bùi Trọng Nghĩa. Ngoài ra, cần nâng cấp mở rộng đường vào Nhà máy nước Thiện Tân, trục đường trung tâm TP.Biên Hòa, mở rộng đường Bùi Văn Hòa… nhằm giải quyết một cách căn cơ, lâu dài tình trạng tắc nghẽn hiện nay.

Khắc Giới


TS.Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

Giao thông đường bộ tắc nghẽn, hàng không và cảng biển cũng không thể phát huy

“Về vấn đề giao thông, theo tôi những điểm nghẽn phải được ưu tiên giải quyết trước. Nhìn lại quy hoạch năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số đường cao tốc được đầu tư cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025 sẽ có trên 500km, nhưng đến nay gần hết năm 2019 mới chỉ đạt hơn 90km.

Tất cả hệ thống giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều ùn tắc, quá tải, trong đó có các tuyến quốc lộ ở Đồng Nai. Trong khi đó, những dự án như: đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (mở rộng), Bến Lức - Long Thành, TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 2, đường vành đai 3, đường vành đai 4… hiện nay đang dang dở.

Khi giao thông kết nối không được thông suốt thì vai trò của cảng biển, hàng không cũng không thể phát huy. Đáng lẽ hành lang công nghiệp phải được kết nối thông suốt bằng hạ tầng giao thông đi từ Bến Lức (tỉnh Long An) đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai  và xuống tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì nay đều tắc nghẽn. Cảng biển Cái Mép không thể phát huy được khi quốc lộ 51 đang rơi vào tình trạng quá tải và ùn tắc”.

TS.Dương Như Hùng, thành viên Nhóm nghiên cứu về kết nối giao thông Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh:

Vốn đầu tư hạ tầng hiện nay đang quá thiếu

“Theo báo cáo của Bộ GTVT, vấn đề vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông hiện nay khá nan giải. Tổng nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2016-2020 của cả nước cho hạ tầng cần đến gần 1 triệu tỷ đồng, trong khi đó, nguồn vốn có khả năng cân đối chỉ đáp ứng được khoảng 210 ngàn tỷ đồng - con số rất khiêm tốn.

Những thách thức đặt ra cho nguồn vốn có thể thấy rõ như: vốn ODA giảm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình; huy động vốn của Chính phủ vướng quy định trần nợ công; vốn từ nhà đầu tư BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) năng lực hạn chế, việc minh bạch trong đầu tư, thu phí chưa cao dẫn đến những “lùm xùm” trong đầu tư ở hình thức này thời gian qua”.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải:  

Hệ thống giao thông vẫn đang chỉ dựa vào quốc lộ

“Một số hạn chế hiện nay cho vấn đề giao thông tại khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai, là theo quy hoạch các tuyến đường kết nối TP.Hồ Chí Minh với Đông Nam bộ gồm 5 trục, bao gồm quốc lộ và cao tốc song hành. Tuy nhiên, đến nay mới có trục quốc lộ 1 kết nối với các tỉnh phía Bắc (quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam) đang được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, còn các trục khác vẫn dựa trên hệ thống  đường quốc lộ.

Các hệ thống cao tốc song hành đều chậm triển khai dẫn đến tình trạng quá tải về giao thông trên quốc lộ là khó tránh khỏi. Nhất là những cửa ngõ các đô thị ở đây phương tiện tham gia giao thông lớn trong khi mặt đường quốc lộ hẹp, dẫn đến bị ùn tắc đang xuất hiện ngày một nhiều”.

Quốc Khánh (ghi)


Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,250,754       11/1,221