Kinh tế

Nhiều nơi ngập lụt do mưa

Không chịu ảnh hưởng của bão hay áp thấp nhiệt đới nhưng mưa lớn kéo dài bất thường cả tuần qua dẫn đến nước từ đầu nguồn đổ về các sông, hồ ở Đồng Nai đã gây ngập lụt một số khu vực thuộc 2 huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Hàng trăm ngôi nhà, vài trăm hécta ao hồ, ruộng vườn chìm trong biển nước.

Lực lượng chức năng, chính quyền huyện Trảng Bom hỗ trợ người dân di chuyển tài sản
Lực lượng chức năng, chính quyền huyện Trảng Bom hỗ trợ người dân di chuyển tài sản

TIN LIÊN QUAN
Bốn xã chịu ngập lụt nặng nề nhất do đợt mưa kéo dài nhiều ngày liên tiếp vừa qua là: Bình Minh, Bắc Sơn (huyện Trảng Bom); Vĩnh Tân, Tân An (huyện Vĩnh Cửu). Ngoài ra, một số nơi tại TP.Biên Hòa cũng bị ngập cục bộ do mưa lớn kéo dài, nước thoát không kịp.

* Người dân trở tay không kịp

Cần theo dõi kỹ tình hình xả tràn

Ngày 18-9, ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố thông báo về việc mưa lũ sẽ tiếp diễn và Công ty thủy điện Đồng Nai 5 và Công ty thủy điện Trị An cùng xả tràn để các địa phương chủ động phòng, chống. Trong đó, yêu cầu các địa phương theo dõi thời tiết, mực nước sông, suối, hồ, đập trên địa bàn thông báo cho người dân và chủ động phương án ứng phó để giảm thiệt hại về người và tài sản.

Mưa lớn kéo dài bất thường khiến nước từ thượng nguồn đổ về hồ Sông Mây, Trị An với lưu lượng lớn nên hồ phải xả tràn để đảm bảo an toàn cho công trình. Điều này dẫn đến một phần ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) bị ngập nặng. Lực lượng chức năng đã phải di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

“Nước ngập xăm xắp vài ngày nay nhưng từ chiều 18-9, nước đột ngột dâng cao tràn vào nhà đến trên 1m, chúng tôi trở tay không kịp khiến tài sản chìm trong biển nước. Đây là lần ngập lụt nặng nhất từ trước đến nay” - ông Vũ Minh Hoàng, ngụ ấp Sông Mây chia sẻ.

Do nước ngập nhanh, chiều 18-9, lãnh đạo xã Bắc Sơn và lực lượng chức năng đã xuống hiện trường túc trực và ứng cứu người dân. Theo lãnh đạo xã, khu vực bị ngập chiếm diện tích khoảng 150 hécta, thuộc một phần ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, giáp với xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Đây là khu vực có khoảng 40 hộ dân sinh sống, là vùng trũng, đa phần bà con nuôi trồng thủy sản, cá giống. Lực lượng cứu hộ cũng đã cứu hơn 100 con heo ra khỏi nơi ngập lụt.

Một số điểm tại ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn ngập sâu trên 1 mét
Một số điểm tại ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn ngập sâu trên 1 mét

Đến trưa 19-9, tình hình ngập lụt đã được khống chế, phần lớn người dân trong ấp được lực lượng chức năng đưa về nơi an toàn. “Chúng tôi đã phối hợp để hỗ trợ người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Hiện tại, hầu hết các hộ đã thoát ra khỏi khu vực bị ngập, chỉ còn một số ít thanh niên ở lại để giữ tài sản như heo, gà và tiếp tục di chuyển sau. Riêng thiệt hại thì sau khi ổn định trở lại mới thống kê được” - ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho hay.

Người dân ấp Sông Mây di chuyển tài sản
Người dân ấp Sông Mây di chuyển tài sản

Có mặt tại hiện trường và tham gia cứu hộ, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà thông tin thêm, trên địa bàn huyện có 2 khu vực ngập là xã Bình Minh và ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn. Riêng xã Bình Minh tình hình đã được an toàn do ngập không quá nghiêm trọng, còn lại xã Bắc Sơn vẫn tiếp tục theo dõi và sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.

Nhiều địa phương có thể bị ngập sâu

Nếu mưa lớn vẫn còn tiếp diễn trên diện rộng, các thủy điện, hồ chứa nước tăng lưu lượng xả tràn về hạ du, cộng với triều cường có thể nhiều khu vực ven sông sẽ bị ngập lụt sâu. Cụ thể, những khu vực trũng có thể bị ngập lụt gồm: các khu vực ven sông thuộc phường Phước Tân, Tân Hạnh, Long Bình Tân (TP.Biên Hòa); xã Tân Bình, Bình Lợi, Tân An, Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu); xã An Phước, Tam An (huyện Long Thành) và xã Long Thọ, Đại Phước, Phú Hữu, Phước An (huyện Nhơn Trạch).

“Ưu tiên sơ tán người dân đến nơi an toàn, sau đó tiếp tục di chuyển tài sản còn lại. Hiện tình hình đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên chúng tôi vẫn chỉ đạo lực lượng cứu hộ và phương tiện tập trung tại tuyến đường vào vùng ngập để đưa người dân trở về khi nước rút, đồng thời chủ động trong trường hợp nước tiếp tục dâng cao” - Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà khẳng định.

Tại huyện Vĩnh Cửu, 2 xã tiếp giáp với ấp Sông Mây là Tân An và Vĩnh Tân cũng xảy ra tình trạng ngập cục bộ, nơi ngập nặng nhất là ấp Cây Xoài, xã Vĩnh Tân. Mặc dù chưa phải di chuyển dân và tài sản do địa hình cao hơn song theo lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu, các lực lượng chức năng cũng đã sẵn sàng túc trực.

“Hiện nước vẫn đang trong tình trạng dâng lên, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo bộ đội, công an xuống các vùng ngập của 2 xã Vĩnh Tân, Tân An để nắm tình hình và chủ động trong mọi tình huống. Do nước đang dâng nên có thể phải tính toán đến phương án di dân” - Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Trần Phước Lộc thông tin.

* Chủ động ứng phó với ngập lụt

Đi lại gián đoạn, học sinh phải nghỉ học

Sáng 19-9, con đường liên khu phố đoạn qua KP.Miễu, phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) đã bị gián đoạn do nước lũ từ nhiều nơi đổ về chảy cuồn cuộn. Nhiều nhà dân ở đây đã bị  ngập đến hơn 1m, dòng nước chảy xiết đã cuốn đi nhiều cây trồng, gây hư hỏng đồ đạc.

Nước chảy xiết nên việc đi lại của người dân khu vực này bị gián đoạn. Cũng trong sáng 19-9, Trường THCS Phước Tân phải cho học sinh nghỉ học vì các ngả đường vào trường ngập sâu, có đoạn dòng lũ xoáy mạnh, gây nguy hiểm cho học sinh.

Từ ngày 14-9, những cơn mưa lớn bắt đầu diễn ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, Tây nguyên. Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về các sông, suối, hồ ở Đồng Nai tăng nhanh. Các hồ chứa buộc phải xả tràn để đảm bảo an toàn cho hồ. Các hồ xả tràn cộng với triều cường, mưa lớn đã gây nguy cơ ngập lụt ở những vùng trũng thuộc hạ du như: các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa.

Ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Những ngày qua, mưa lớn liên tục diễn ra ở vùng Tây nguyên khiến lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Trị An với lưu lượng lớn và tiếp tục tăng. Mực nước trong hồ đã lên đến 61,3m nên công ty phải liên tiếp tăng lượng xả tràn về hạ du. Lượng xả tràn gần 1.400m3/giây. Nếu trong 1-2 ngày tới, lượng nước đổ về hồ còn tăng cao, công ty buộc tăng xả tràn”.

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ người dân.
Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà (trái) trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ người dân.

Cũng theo ông Nhẫn, để hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du, công ty sẽ cân nhắc xả tràn vào thời điểm thủy triều rút. Hiện trên sông Đồng Nai nước đã lên đến báo động 2, vì thế nếu 1-2 ngày tới, Công ty thủy điện Trị An tiếp tục tăng xả tràn thì nguy cơ ngập lụt những khu vực trũng gần sông rất dễ xảy ra.

Ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết: “Huyện đã cử lực lượng theo dõi chuẩn bị sẵn sàng nếu xảy ra mưa lũ, thủy điện xả tràn gây ngập lụt sẽ kịp thời ứng cứu. Huyện liên tục thông báo cho người dân ở những khu vực trũng gần sông suối đề phòng lũ lụt”.

Một người bị lũ cuốn trôi

Trưa 19-9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn TP.Biên Hòa đã tiến hành tìm kiếm nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi tại một con suối thuộc tổ 5, KP.Tân Cang, phường Phước Tân, TP.Biên Hòa.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng
8 giờ tối 18-9, ông Châu Sang sinh năm 1969, quê tỉnh An Giang trên đường đi làm phụ hồ về thì bị nước lũ cuốn trôi khi qua cầu dân sinh bắc qua con suối thuộc KP.Tân Cang, phường Phước Tân. Vào thời điểm trên, do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn chảy về rất lớn, tràn qua cầu gần 1m, ông Sang điều khiển xe máy qua cầu thì bị nước cuốn.

Đến 11 giờ ngày 19-9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của phường Phước Tân đã vớt được xe của ông Sang và đến 12 giờ 30, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân.

Khắc Thiết

Bài, ảnh: H.Giang - V.Thế - H.Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,297,955       52/1,198