Kinh tế

Chậm trễ vì vướng thủ tục đất đai

Với mục tiêu "kép" là xử lý rác và bổ sung nguồn điện để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, từ năm 2017, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại Khu xử lý rác Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu).

Với mục tiêu “kép” là xử lý rác và bổ sung nguồn điện để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, từ năm 2017, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại Khu xử lý rác Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu).

Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện sẽ giúp giảm bớt tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp tại Khu xử lý rác Vĩnh Tân và tăng thêm nguồn phát điện phục vụ phát triển. Ảnh: P.Tùng
Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện sẽ giúp giảm bớt tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp tại Khu xử lý rác Vĩnh Tân và tăng thêm nguồn phát điện phục vụ phát triển. Ảnh: P.Tùng

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, tiến độ thực hiện dự án này vẫn rất chậm do vướng mắc trong thủ tục đất đai.

* Chậm tiến độ vì… 2 Bộ khác quan điểm

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện được Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam (trụ sở tại TP.Hà Nội) đề xuất đầu tư vào tháng 8-2017. Sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới điện quốc gia.

Tháng 10-2018, dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện 7 điều chỉnh).

Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện được triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (hợp đồng BOO). Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 12 hécta đất công thuộc Khu xử lý rác Vĩnh Tân, thời gian hoạt động của dự án kéo dài 30 năm. Dự án này được Sở Tài chính xác định thuộc nhóm đối tượng được miễn tiền thuê đất tối đa trong vòng 14 năm.

Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục tiếp theo của dự án này sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch lại đang bị ngưng trệ vì các quy định liên quan đến phần diện tích đất công.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - môi trường, với những trường hợp có miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không tiến hành đấu giá phần đất công thực hiện dự án. Mặc dù vậy, thời hạn miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lại không được quy định cụ thể.

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, chỉ những dự án được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất toàn bộ thời gian hoạt động mới không tiến hành đấu giá phần đất công, nếu có thời hạn thì phải đấu giá. Theo ông Đặng Minh Đức, dự án nhà máy xử lý rác phát điện tại Khu xử lý rác Vĩnh Tân sử dụng 12 hécta đất công và được miễn tiền thuê đất trong vòng 14 năm. Do đó, nếu xét theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - môi trường và Bộ Tài chính, các cơ quan chức năng của tỉnh hiện chưa thể xác định được phải đấu giá hay không đấu giá đối với diện tích đất công.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng, việc chưa xác định được phương án cụ thể có đấu giá hay không đấu giá diện tích đất công khiến tiến độ dự án nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện nay đang bị chựng lại. “Theo quan điểm của Bộ Tài nguyên - môi trường thì phần đất công dự án này không thực hiện đấu giá. Trong khi theo Bộ Tài chính lại phải đấu giá” - ông Hồ Văn Hà cho hay. 

* Chọn phương án đấu giá đất công

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, trong giai đoạn đầu của dự án có thể làm theo kiểu cũ là cung cấp rác và trả tiền cho nhà đầu tư xử lý. Tuy nhiên, về lâu dài phải có phương án tính toán xem rác là nguyên liệu đầu vào để bán cho nhà máy xử lý.

Theo trình tự, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện sau khi được thông qua hình thức đầu tư sẽ được UBND tỉnh ký quyết định chủ trương đầu tư. Tiếp đó, nhà đầu tư đề xuất sẽ lập dự án khả thi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Sở Tài nguyên - môi trường làm hồ sơ mời thầu để đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, các thủ tục này đều đang bị vướng do chưa lựa chọn được phương án xử lý phần đất công thực hiện dự án.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, sau khi làm việc với các sở, ngành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện dự án với hình thức PPP, hợp đồng BOO như nhà đầu tư đã đề xuất. Riêng với phần diện tích đất công thực hiện dự án, tỉnh cũng “chốt” phương án tiến hành đấu giá. “Giá trị đấu giá đất công sẽ được đưa vào tổng mức đầu tư dự án” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo đó, UBND tỉnh thống nhất giao Sở Tài nguyên - môi trường là cơ quan nhà nước được ủy quyền để ký hợp đồng với nhà đầu tư. Đồng thời, trong hồ sơ mời thầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu phải đưa giá xử lý rác thành một tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư. “Phải đưa ra mức giá xử lý cụ thể tránh trường hợp nhà đầu tư tự ý điều chỉnh giá về sau” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,301,448       24/966