Trong hàng chục quốc gia hiện đang có dự án đầu tư tại Đồng Nai, Nhật Bản là quốc gia có vị trí quan trọng khi là một trong 3 nước đầu tư có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất.
Sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia. Ảnh: Vương Thế |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật đã tiếp tục mở rộng nhà máy, nâng công suất và coi Đồng Nai là điểm đến đầu tư lý tưởng, hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ thiện chí sẵn sàng làm cầu nối và giúp đỡ bạn bè, đối tác khi có nhu cầu đầu tư vào Đồng Nai.
* Nhà đầu tư quan trọng
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tính đến nay, doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai khoảng 260 dự án với tổng vốn khoảng 4,6 tỷ USD, đứng thứ 3 trong tổng số các quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh.
Trong khi nhiều quốc gia đầu tư ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng với các nghề phổ biến như: dệt may, giày dép, gỗ, xơ sợi… thì hàm lượng khoa học - công nghệ trong các dự án của Nhật Bản rất cao. Các dự án do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai hầu hết sử dụng công nghệ hiện đại như: công nghệ điện tử, máy móc, linh kiện ô tô, xe máy và công nghệ mới, thân thiện môi trường. Đây là những ngành nghề mà tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Nhật cũng mong muốn hợp tác với doanh nghiệp trong nước để cung cấp các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ. Nếu có sự chuẩn bị tốt ngành công nghiệp hỗ trợ thì không chỉ Nhật mà các quốc gia có nền sản xuất tiên tiến khác sẽ rất quan tâm đến Đồng Nai.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh Okada Hideyuki, hiện nay hiệp hội có hơn 1.000 hội viên, đứng thứ 2 trong số các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài. Trong đó, nhóm doanh nghiệp tại Đồng Nai có hơn 130 hội viên, đứng thứ 2 trong hiệp hội. Con số này cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản đối với việc đầu tư tại Đồng Nai.
Đồ họa thể hiện mối quan hệ hợp tác, đầu tư giữa Nhật Bản và Đồng Nai (Thông tin: Vương Thế - Đồ họa: Hải Quân) |
Hiệp hội đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, giúp môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt qua từng năm.
Về phía Đồng Nai, tỉnh đặc biệt coi trọng nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản. Năm 2013, UBND tỉnh đã thành lập Bàn Kansai nhằm hỗ trợ thủ tục để doanh nghiệp vùng Kansai đầu tư vào Đồng Nai thuận lợi hơn. Ngoài ra, Bàn Kansai cũng là cầu nối đón tiếp các nhà đầu tư Nhật Bản ở các vùng miền khác đến tham quan, tìm hiểu đầu tư vào Đồng Nai. Bàn Kansai đã hỗ trợ thủ tục góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai hơn. Do đó, làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh trong những năm gần đây tăng lên rõ rệt.
Không chỉ vậy, hiện tại ở Đồng Nai đã có 2 khu công nghiệp do người Nhật đầu tư hạ tầng là Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa) và Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành). Trong đó Khu công nghiệp Long Đức ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản và gần lấp đầy diện tích đất cho thuê. Khu công nghiệp này đang được các sở, ngành và chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện hồ sơ để mở rộng giai đoạn 2 trong thời gian sớm nhất.
“Nhật Bản là nhà đầu tư đẳng cấp với nhiều dự án công nghệ hiện đại, có giá trị xuất khẩu cao, đóng góp lớn vào thuế xuất, nhập khẩu. Các doanh nghiệp Nhật khi đã có nhu cầu tìm hiểu đầu tư sẽ rất nghiêm túc nên sẽ là cơ hội tốt để Đồng Nai tiếp nhận. Điều quan trọng là tỉnh phải tiếp tục cải cách cơ chế, thủ tục và đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật. Đó là cách quảng bá tốt nhất hình ảnh, môi trường đầu tư của Đồng Nai” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định.
* Nhiều tên tuổi lớn từ Nhật Bản
Đồng Nai hiện tại có sự góp mặt của khá nhiều tên tuổi lớn trong ngành sản xuất Nhật Bản như: Toshiba, Ajinomoto, Lixil, Plus, Forval, Fujitsu, Sojitz, Kobelco, Daiwa, YKK…
Lixil là tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản về vật liệu xây dựng và thiết bị nhà ở đã có mặt tại hàng chục quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, tập đoàn này có gần 25 năm hiện diện và năm 2014 Lixil đã đầu tư 450 triệu USD xây dựng nhà máy tại Đồng Nai ở Khu công nghiệp Long Đức.
Qua 5 năm, nhà máy này được đánh giá là nơi hoạt động hiệu quả vượt trội và mang lại nguồn lợi nhuận cao cho Tập đoàn Lixil. Tiếp bước thành công đó, tháng 11 năm nay, Lixil sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhà máy mới tại khu vực đất trống mà doanh nghiệp đang sở hữu.
“Ngoài thị trường thế giới, mục tiêu của Lixil sẽ tạo ra thêm nhiều sản phẩm hơn để hướng đến thị trường Việt Nam như một lời tri ân dành cho nơi có đóng góp lớn trong sự phát triển chung của tập đoàn” - ông Nakagawa Yoshihiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam chia sẻ.
Tương tự, Công ty TNHH công nghiệp Plus Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Plus vào Việt Nam năm 2006 với nhà máy chuyên sản xuất văn phòng phẩm tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Tháng 5-2010, doanh nghiệp này tiếp tục đưa vào hoạt động nhà máy thứ 2 tại huyện Nhơn Trạch nhằm hỗ trợ nhà máy ở TP.Biên Hòa mở rộng sản xuất. Hiện cả 2 nhà máy của công ty đã có tới 2.400 nhân viên. Không chỉ vậy, năm 2012, nhà máy thứ 3 tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2 (tỉnh Bình Dương) cũng được đưa vào hoạt động.
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực văn phòng phẩm, thiết bị giáo dục nên Công ty TNHH công nghiệp Plus Việt Nam rất quan tâm đến công tác xã hội. Hằng năm doanh nghiệp này đều đặn dành 100 suất học bổng cho trẻ em nghèo trong tỉnh. “Công ty chúng tôi hoạt động ở Đồng Nai đã được hơn 20 năm và rất trân trọng mảnh đất, con người Đồng Nai. Đồng hành với ngành Giáo dục, nhất là với các em học sinh nghèo luôn là tâm niệm và trở thành việc làm thường xuyên của chúng tôi, góp phần nâng bước cho các em thêm nghị lực đến trường” - ông Yasuo Kakusaka, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Plus Việt Nam cho biết.
Một “ông lớn” khác đầu tư vào Đồng Nai có hiệu quả là Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2). Tập đoàn Fujitsu là nhà cung cấp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hàng đầu của Nhật Bản chuyên cung cấp các loại sản phẩm, dịch vụ và giải pháp về công nghệ. Hiện Fujitsu có khoảng 140 ngàn nhân viên hỗ trợ khách hàng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tập đoàn này đến Đồng Nai đầu tư trên lĩnh vực linh kiện điện tử được gần 25 năm và hoạt động sản xuất liên tục được mở rộng. Hiện Fujitsu là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của tỉnh về lĩnh vực linh kiện điện tử.
Những năm gần đây Fujitsu đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất thiết bị điện tử phục vụ ngành công nghiệp xe hơi. 2 năm trước, Công ty TNHH dịch vụ sản xuất thiết bị Aureole (doanh nghiệp do Fujitsu Việt Nam và Tập đoàn Matani Sangyo góp vốn) đã đưa vào hoạt động giai đoạn 2 nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp linh kiện ô tô tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2.
Vương Thế
Ông Nakaho Hideyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia:
Đồng Nai có vị trí tốt để các doanh nghiệp quốc tế cũng như Nhật Bản an tâm làm ăn
Chúng tôi đã xây dựng được những mối quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tìm kiếm nguồn linh kiện tại thị trường Việt Nam, cung cấp việc làm, đào tạo kỹ năng cho nhân viên có năng lực và triển khai công nghệ tiên tiến. Tập đoàn Toshiba hy vọng sẽ hướng đến xây dựng một nền kinh doanh thịnh vượng và đóng góp vào công cuộc phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tôi nhận thấy rằng Đồng Nai có lực lượng lao động trẻ và thân thiện. Các doanh nghiệp Nhật Bản nếu như lựa chọn Đồng Nai là điểm đầu tư sản xuất thì đây là vị trí rất tốt để phát triển sản xuất, kinh doanh nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.
Ông Nakagawa Yoshihiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam:
Sẽ tích cực hỗ trợ bạn bè, đối tác tìm kiếm cơ hội đầu tư
Mục tiêu của công ty mẹ đặt ra trước khi thành lập nhà máy là đưa hoạt động sản xuất vào ổn định trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng nỗ lực của những thành viên người Việt, Lixil Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu trong vòng một năm rưỡi. Hiện tại, nhiều nhà máy từ Nhật qua đây học hỏi kỹ thuật.
Nhìn chung, tôi hoàn toàn hài lòng với quyết định đầu tư tại đây. Đồng Nai có vị trí địa lý thuận lợi, có môi trường rất tốt để phát triển sản xuất. Tôi tin rằng tương lai sẽ có nhiều công ty Nhật sang tìm hiểu môi trường đầu tư, mở nhà máy. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các công ty muốn đầu tư tại đây trong khả năng có thể, nhất là những bạn bè, đối tác của Nhật Bản của chúng tôi khi hợp tác làm ăn tại Đồng Nai.
Ông Keiji Kaneko, Tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam:
Ajinomoto có trách nhiệm đối với sự phát triển của Đồng Nai
“Ajinomoto vào Việt Nam rất sớm và thành lập nhà máy tại Đồng Nai từ năm 1991. Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và quan trọng nhất của chúng tôi. Doanh nghiệp hiện đã có 2 nhà máy đang sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và Khu công nghiệp Long Thành với tổng số nhân viên 2.400 người.
Việt Nam đã làm nên tên tuổi Ajinomoto nên Ajinomoto cũng có trách nhiệm đảm bảo môi trường, giải quyết những vấn đề xã hội và đảm bảo sức khỏe cho người dân Việt Nam. Đối với việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam, Đồng Nai với các nhà đầu tư khác, Ajinomoto Việt Nam sẽ sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng như chính quyền Đồng Nai trong hợp tác thương mại, xúc tiến đầu tư.
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai:
Tăng cường thu hút đầu tư tại chỗ
Những năm qua, Đồng Nai luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư tại chỗ. Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng rất khả quan nên nhiều doanh nghiệp đã và đang tăng vốn.
Các dự án tăng vốn hằng năm cao hơn dự án cấp mới cho thấy hiệu quả của việc chăm sóc các nhà đầu tư để họ yên tâm làm ăn. Nhiều công ty tăng vốn và tăng với số vốn lớn sẽ tạo sức hút ngày càng lớn hơn cho các doanh nghiệp có ý định đến tìm hiểu đầu tư.
Đào Lê