Kinh tế

Đột phá từ nông nghiệp công nghệ cao

Xuân Lộc là huyện vùng sâu khó khăn với nhiều xã đất đai bạc màu, nguồn nước mặt khan hiếm. Nhưng với nỗ lực vượt khó vươn lên, hiện địa phương không thiếu những nông dân chủ động ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện.

Trình diễn máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã xoài Suối Lớ
Trình diễn máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã xoài Suối Lớ. Ảnh:B.Nguyên

Trong đó, địa phương đã thu hút được một số doanh nghiệp làm “đầu tàu”, đưa những công nghệ hiện đại ứng dụng vào sản xuất ở cả lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt.

* Làm nông công nghệ cao

Trước yêu cầu của hội nhập, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, với nhận thức mới, kiến thức mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để ít lệ thuộc và chịu tác động từ thời tiết bất thường.

Ông Đỗ Nhật Tâm là lớp nông dân đi tiên phong ở xã Xuân Định đổ vốn lớn làm nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2011 ông đã đầu tư hàng tỷ đồng làm nhà màng trồng dưa lưới. Trong quá trình sản xuất, ông Tâm luôn cải tiến, ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật mới như: chuyển từ kỹ thuật tưới nước tự động sang tưới bằng áp lực đảm bảo sự đồng đều về lượng nước, lượng phân cho cây trồng; thay giống cũ bằng giống mới; chuyển dần sản xuất theo hướng hữu cơ...

Ông Tâm chia sẻ: “2-3 năm trở lại đây, tôi mở rộng diện tích sản xuất vì nhiều doanh nghiệp về ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Nhật Bản và các thị trường khó tính đã cho tôi ứng trước 40% vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức trừ dần vào sản phẩm bao tiêu”.

Ở góc độ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại trồng thanh long ruột đỏ tại ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú) đã đầu tư hệ thống tưới tự động, gắn máy đo độ ẩm và hệ thống tưới tự điều chỉnh lượng nước tưới ở tầng cao, tầng thấp tùy theo nhu cầu của cây. Nhờ đưa công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, mỗi ngày chỉ cần một lao động phụ trách công việc tưới hơn 30 hécta thanh long, trong khi tưới theo cách thủ công cần hàng chục lao động/ngày.

Bước vào hội nhập, nông dân không chỉ phải thay đổi thói quen sản xuất mà quan trọng hơn chính là tư duy làm nông chuyên nghiệp sẵn sàng đón nhận sự thay đổi. “Tôi vẫn khuyên nông dân nên sản xuất theo chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GlobalGAP, VietGAP dù không cần làm chứng nhận vì đó là quy trình sản xuất khoa học, đảm bảo về an toàn chất lượng. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất; đảm bảo về chất lượng thì ngay cả khi thị trường dội chợ, nông sản của mình vẫn được thương lái săn đón bao tiêu” - ông Anh nói.

Đầu tư công nghệ cao vào sản xuất không còn là câu chuyện lẻ tẻ của một vài đại gia có vốn lớn mà đang được nhân rộng trong nông dân thông qua hoạt động của các hợp tác xã. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng) chia sẻ, hợp tác xã là đơn vị đi đầu trong sản xuất xoài theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chuyên gia từ Nhật Bản từng về tập huấn tận cánh đồng cho xã viên về quy trình sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Theo ông Bảo: “Chúng tôi muốn mở rộng thị trường xuất khẩu chứ không muốn hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đầy bất ổn như trước đến nay. Hợp tác xã đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho cây xoài, tập trung khuyến khích nông dân về ghép giống xoài mới cho giá trị kinh tế cao, ứng dụng kỹ thuật mới để làm ra trái xoài sạch đạt chuẩn xuất khẩu”.

* Doanh nghiệp phải là “đầu tàu”

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, huyện đang triển khai đề án Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025 gắn với mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Theo đó, địa phương đang tập trung đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, triển khai nhiều chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây là những “đầu tàu” cho nền nông nghiệp công nghệ cao không ngừng nhân rộng trên địa bàn huyện suốt thời gian qua.

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận xét: “Điểm nổi bật nhất của Xuân Lộc là đã thu hút được nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với cách làm hay, hiệu quả vì tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng lại rẻ tiền và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương”.

Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (xã Xuân Phú) đầu tư trang trại gà đẻ trứng theo quy trình khép kín, hoàn toàn tự động từ việc cho gà ăn, uống nước, uống thuốc, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và lưu lượng không khí để điều chỉnh hệ thống quạt hoặc sưởi, vệ sinh chuồng trại, theo dõi lấy trứng, ghi nhật ký nuôi gà... Nhờ vậy, sản phẩm trứng gà cho năng suất đồng đều, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức: “Tất cả các quy trình khép kín này đều được kết nối và truyền trực tuyến qua internet. Tôi dễ dàng truy xuất nguồn gốc con gà, quản lý chặt chẽ dây chuyền này ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào chỉ bằng smartphone... Ngoài ra, tôi còn đầu tư máy móc xử lý phân gà theo công nghệ Nhật Bản, sản xuất ra phân hữu cơ organic cho ngành nông nghiệp sạch”.

* Nhiều hướng đi đột phá

Xử lý chất thải chăn nuôi rất khó khăn, tốn kém là lý do chính khiến ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt đầu tư nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ tại xã Xuân Trường. Trang Trại Việt rộng 13 hécta với hệ thống nhà màng trồng rau, quả sạch do ông Tính đầu tư đã chứng minh chất lượng phân bón hữu cơ.

Trồng rau công nghệ cao trong nhà màng tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt
Trồng rau công nghệ cao trong nhà màng tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt. Ảnh:B.Nguyên

Ông Tính không “bê nguyên” công nghệ từ nước ngoài về sử dụng mà có nhiều cải tiến, thậm chí tự chế tạo những thiết bị, máy móc trong nhà màng; tự thiết kế robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây... giúp tiết kiệm chi phí đầu tư gấp nhiều lần so với việc nhập công nghệ từ nước ngoài về sử dụng. Ông cũng ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất từ tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên xanh, sạch này...

”Doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao từ công nghệ nhà màng đến kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, chúng tôi có chương trình hợp tác với nông dân ở nhiều địa phương trồng trái cây sạch. Chúng tôi cũng sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật, cung cấp nguồn phân bón và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây là cơ hội tốt để nông dân chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, sản phẩm có giá trị kinh tế cao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn chỉ chạy theo số lượng nên được mùa là mất giá” - ông Tính khẳng định.

Dự án cánh đồng lớn trồng chuối theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu đi Hàn Quốc do Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) hợp tác cũng ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật mới từ khâu sản xuất giống chuối cấy mô đến quy trình trồng, thu hoạch. Doanh nghiệp đã đầu tư hẳn xưởng sơ chế, bảo quản, đóng gói chuối với quy mô lớn ngay tại vùng chuyên canh.

Theo ông Son Young Wan, đại diện Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam: “Chỉ tính riêng thị trường Hàn Quốc, hiện sản lượng chuối xuất khẩu của chúng tôi vẫn cung chưa đủ cầu. Chúng tôi còn có nhiều đối tác từ Nhật Bản và một số nước khác nên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối. Mục tiêu lâu dài của dự án sẽ liên kết với nông dân mở rộng vùng chuyên canh chuối xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp sẽ là đầu mối chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,324,444       5/1,003