Kinh tế

Hội nhập: Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nông sản là mặt hàng đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Do đó, yêu cầu nông dân phải hình thành tư duy mới từ khâu sản xuất đến việc nhạy bén trong nắm bắt tín hiệu thị trường tiêu thụ.

Nông dân đua nhau trồng cây sầu riêng tiềm ẩn rủi ro lớn vì mặt hàng này hiện chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Trong ảnh: đại lý mua bán sầu riêng tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân đua nhau trồng cây sầu riêng tiềm ẩn rủi ro lớn vì mặt hàng này hiện chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Trong ảnh: đại lý mua bán sầu riêng tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

TIN LIÊN QUAN
Nhưng thực tế, các mặt hàng nông sản lúc thì rơi vào khủng hoảng thừa, lúc lại thiếu nguồn cung do nông dân chậm nắm bắt tín hiệu thị trường và vẫn giữ thói quen sản xuất chạy theo phong trào. Điểm nghẽn lớn nhất là do tư duy của nông dân còn bảo thủ, chậm thay đổi nên thường ở thế bị động khi tiếp cận những quy định mới, luật chơi mới.

Thị trường “dễ tính” đã khắt khe hơn

Hiện nay, ngay cả thị trường được đánh giá “dễ tính” là Trung Quốc cũng yêu cầu nông sản nhập khẩu phải thực hiện truy xuất nguồn gốc với tiêu chuẩn về chất lượng cũng ngày càng cao hơn. Theo đó, nông sản Việt muốn cạnh tranh tốt khi tham gia thị trường này phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn mới như: thực hiện truy xuất nguồn gốc, thay đổi quy trình sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu; vào chuỗi liên kết…

Theo TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, từ năm 2018, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc với tất cả các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về chất lượng, kiểm dịch đến quy chuẩn đóng gói nông sản, trái cây nhập khẩu cũng khắt khe hơn. Sản phẩm nào không đáp ứng yêu cầu thì không còn “cửa” vào thị trường từng rất dễ tính này.

“Nông dân nên chủ động tham gia tìm hiểu và thực hiện ngay việc truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Vì đây là yêu cầu của người mua và nông dân muốn bán được hàng thì phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách” - TS. Trung khẳng định.

Nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu nếu không thay đổi về cả chất và lượng thì càng khó tiếp cận được những thị trường khó tính hơn. Ông Trần Văn Nhật, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường nhận xét: “Các quốc gia ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật trong kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nhiều thị trường lớn nhập khẩu rau quả Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... mỗi năm đều cập nhật thêm hàng loạt chất cấm mới. Tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của rau quả xuất khẩu ngày càng cao trong khi thực tế sản xuất nông nghiệp trong nước vẫn sử dụng nhiều hoạt chất thế giới đã cấm”.

Không chỉ các nước đang dần siết chặt về hàng rào kỹ thuật cho nông sản nhập khẩu mà người tiêu dùng trong nước cũng dần đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam nêu ra thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay: “Nông dân vẫn giữ thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học vì chỉ quan tâm đến việc đạt năng suất cao. Tuy phong trào sản xuất sạch đang được nhân rộng nhưng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của thị trường. Đây là nguyên nhân khiến nông sản Việt thua ngay trên sân nhà vì người tiêu dùng đang bỏ tiền mua gạo, thịt, trái cây nhập khẩu vì không tin tưởng chất lượng nông sản nội địa”.

Vẫn bị động trong ứng phó

Sản xuất nông nghiệp bao năm qua mãi luẩn quẩn tình trạng trồng - chặt - trồng vì nông dân vẫn chưa thoát nổi lối mòn sản xuất chạy theo phong trào.

Nông dân tại xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) chặt tiêu sau khi phát triển rầm rộ cây trồng này.
Nông dân tại xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) chặt tiêu sau khi phát triển rầm rộ cây trồng này.

 Hàng chục năm làm nông dân, nỗi lo thường trực của bà Lê Thị Phượng (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) là cảnh nông sản rớt giá, bởi gia đình bà từng trải qua những đợt khó khăn chặt vườn cà phê chuyển sang trồng cây tiêu. Vài ba năm trở lại đây, bà lại buộc phải chặt vườn tiêu vì dịch bệnh, giá bán tiêu thấp để chuyển sang trồng sầu riêng. Nhưng bà vẫn chưa thoát được nỗi lo sầu riêng lại rớt giá khi đến mùa thu hoạch vì hiện loại trái cây này chỉ xuất được sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch quá nhiều rủi ro.

Chỉ ra điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức, có trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) so sánh, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Vì giá thành sản xuất từ bắp, đậu nành... của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước. Nông nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, chi phí vật tư và lao động đều cao nên hiệu quả thấp.

Ông Lâm Thanh Đức nhấn mạnh: “Nông nghiệp Việt Nam phải thoát ra lối mòn sản xuất chia cắt, không theo chuỗi, khó kiểm soát được quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc và khó quy trách nhiệm người sản xuất. Đã đến lúc nông dân phải tìm cách vượt qua sự cần cù, chịu khó, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới để không mãi ở thế yếu trong cạnh tranh”.

Vấn đề là đa số nông dân hiện khá mù mờ về những thay đổi lớn trong tiêu chuẩn, yêu cầu của cả thị trường nội địa và xuất khẩu; vẫn ngộ nhận cứ làm ra sản phẩm là có người mua vì còn thị trường Trung Quốc rộng lớn và dễ tính.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, thương lái mua trái cây tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) cho biết: “Vụ trái cây hè năm nay, nhiều chuyến xuất sầu riêng đi Trung Quốc bị chặn lại ở cửa khẩu do vẫn xuất theo đường tiểu ngạch. Xe hàng buộc phải chở về bán lẻ tại các tỉnh miền Bắc, thậm chí chở ngược về Long Khánh tiêu thụ. Nhiều loại trái cây như: mít, chuối, xoài... giờ muốn xuất đi Trung Quốc cũng phải thực hiện đăng ký mã truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là yêu cầu của nhiều thị  trường xuất khẩu lớn của nông sản Việt Nam nhưng nông dân hiện vẫn lơ là trong thực hiện”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,348,855       9/867