Kinh tế

Hài hòa với mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh

Hiện nay, Đồng Nai đang tiến hành xây dựng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024. Dự tính giá đất mới sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng tăng cho phù hợp để không cách quá xa so với giá đất trên thị trường.

Huyện Nhơn Trạch là nơi có giá đất biến động tăng cao nhất so với các địa phương trong tỉnh
Huyện Nhơn Trạch là nơi có giá đất biến động tăng cao nhất so với các địa phương trong tỉnh

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trong xây dựng bảng giá đất cho giai đoạn 2020-2024, điều tra cho thấy giá đất giao dịch ngoài thị trường biến động rất lớn, mức tăng phổ biến từ 4-8 lần, có những nơi lên đến 10 lần.

* Lo lắng giá tăng cao

Quy định của Chính phủ là 5 năm xây dựng và ban hành bảng giá đất một lần. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành khung giá chung và các tỉnh, thành dựa vào đó để làm giá đất cho địa phương mình. Đồng Nai đang tiến hành xây dựng bảng giá đất để kịp ban hành và áp dụng cho 5 năm tới. Đây sẽ là cơ sở để tính tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tính thuế... Việc xây dựng bảng giá đất mới này sẽ dựa trên cơ sở điều tra giá đất thị trường, so sánh với bảng giá đất của những tỉnh lân cận, điều chỉnh một số điểm chưa hợp lý của giai đoạn 2015-2019.

Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Nguyễn Hồng Quế cho biết: “Trong bảng giá đất mới sẽ điều chỉnh tính giá ở 4 vị trí cho phù hợp. Đất nông nghiệp sẽ phân thành 2 loại đất nông nghiệp đô thị và nông thôn để áp giá, điều chỉnh tăng giá đất nghĩa trang vì đây là loại hình kinh doanh mang lại lợi nhuận rất cao”. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ bỏ việc áp giá đất theo đường đất, đường nhựa, bỏ quy định tính giá đất giáp ranh giữa các huyện, bỏ cách làm giảm giá đất với mảnh đất hiện trạng là ao, hồ.

Như vậy, giá đất sẽ tính theo các vị trí 1, 2, 3, 4 và cơ sở để tính vị trí là dựa vào đường lớn gần nhất với các thửa đất. Hiện giá đất thị trường tại Đồng Nai đã biến động tăng bình quân 4-8 lần, vì thế giá đất giai đoạn tới sẽ tăng cao hơn giá đất của năm 2019 mới điều chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc đề xuất: “Bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 không nên tăng quá cao như giá đất thị trường. Vì như thế sẽ khiến các địa phương bị ảnh hưởng trong thu hút đầu tư. Người dân khi có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gặp khó khăn”.

Nhiều địa phương lo lắng, trong 2-3 năm nay, đất đai tại Đồng Nai vẫn đang trong cơn “sốt”, có những nơi giá đất đẩy cao gấp 10 lần và hình thành giá “ảo”. Căn cứ giá đất thị trường để xây dựng bảng giá đất mới sẽ khiến các dự án chậm tiến độ vì giá bồi thường quá cao.

Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương nói: “Giá đất thị trường ở Nhơn Trạch có nơi bị đẩy tăng lên gấp 10 lần. Bảng giá đất mới không thể căn cứ vào đó để tăng theo. Huyện đang triển khai hơn 100 dự án nếu giá đất mới quá cao sẽ khiến các dự án bị ngưng trệ vì khó giải phóng mặt bằng. Những người dân đang có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sẽ bị ảnh hưởng”.

* Bổ sung thêm giá các loại đất

Trong 5 năm tới, tỉnh sẽ bổ sung thêm bảng giá đất của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất đảo, đất lâm nghiệp (trước đây các loại đất này chưa có trong bảng giá).

Ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết: “Thời gian qua, vì thiếu bảng giá đất của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất rừng, đất đảo nên rất khó khăn trong việc tính giá đất cho thuê. Bảng giá đất mới nên tính toán chi tiết, cụ thể từng loại đất sẽ thuận lợi cho việc doanh nghiệp, người dân thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”.

Hiện nay, tại Đồng Nai có gần 80 đảo lớn nhỏ, vị trí khá thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Có bảng giá đất riêng, các địa phương sẽ thuận lợi trong việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, du lịch rừng cũng đang được cộng đồng quan tâm và nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất rừng ở Đồng Nai.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho hay: “Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã ngỏ ý muốn thuê lại đất lâm nghiệp có rừng để làm du lịch sinh thái. Loại hình du lịch này trong tương lai sẽ rất phát triển nên tỉnh cần ban hành giá đất cụ thể để áp giá khi doanh nghiệp có nhu cầu”. Phát triển du lịch rừng sẽ có thêm nguồn thu để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Với bảng giá đất mới tăng cao, ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm nguồn thu, song nếu tính toán không kỹ thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, thực hiện các dự án lớn nhỏ...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: “Đồng Nai xây dựng bảng giá đất trong thời điểm đất đang “sốt” nên việc tính toán rất khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh sẽ cân nhắc giá đất mới phải hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, tránh những tác động lớn. Giá đất của Đồng Nai sẽ tham khảo thêm giá đất các tỉnh lân cận để tính cho phù hợp”.

Giá đất năm 2019 mới điều chỉnh, phần lớn tăng từ 1,5-3 lần so với năm trước. Với mức giá mới không được thấp hơn năm 2019 và dự tính sẽ tăng ở nhiều nơi khiến nhiều doanh nghiệp, người dân đang triển khai dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất khá “hồi hộp”.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,359,250       8/917