Kinh tế

Khó với cây tiêu

Giá hồ tiêu liên tục rớt và hiện người trồng tiêu đang bán với giá 48-49 ngàn đồng/kg, mức giá thấp nhất trong những năm gần đây. Theo dự báo của giới kinh doanh, thị trường hồ tiêu vẫn khó khởi sắc trong thời gian tới.

Nông dân chăm sóc một vườn tiêu vàng lá vì dịch bệnh tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom).
Nông dân chăm sóc một vườn tiêu vàng lá vì dịch bệnh tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom).

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu đang điêu đứng vì giá mặt hàng này liên tục biến động với giá bán ngày càng thấp. Còn nông dân trồng tiêu ngày càng khốn khó vì giá hồ tiêu bán ra thấp hơn giá thành sản xuất. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho cây tiêu lại tăng và có nhiều nguy cơ trắng tay do cây tiêu bị dịch bệnh nhiều.

* Doanh nghiệp rủi ro

Trong tháng 8, giá các mặt hàng tiêu, điều, cà phê tiếp tục giảm do sản lượng trên thị trường thế giới cao, lượng hàng tồn kho nhiều. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này lại không tăng. Cụ thể, so với tháng trước, giá hồ tiêu xuất khẩu hiện ở mức 3.376 USD/tấn, giảm gần 35%; giá cà phê ở mức 1.774 USD/tấn, giảm gần 18%, hạt điều 8.636 USD/tấn, giảm 14,5%.  Giá nông sản liên tục rớt giá khiến doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lao đao, thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản.

Ông Phạm Đây, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Long Tân (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) cho biết doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh các mặt hàng nông sản, vì giá cả trên thị trường biến động quá bất thường dẫn đến nhiều rủi ro. Doanh nghiệp kinh doanh nông sản đang thua lỗ, thậm chí không ít doanh nghiệp phá sản vì càng làm càng lỗ. Ông Đây dẫn chứng: “Thị trường nông sản liên tục giảm giá và hiện vẫn chưa có điểm dừng. Cụ thể như giá hồ tiêu liên tục rơi theo chiều thẳng đứng, có ngày giảm giá đến vài lần khiến doanh nghiệp càng trữ càng lỗ vốn. 2-3 năm trở lại đây, Trung Quốc giảm nhập hàng, đầu ra thu hẹp trong khi nguồn cung luôn dư thừa khiến doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế bị bạn hàng chèn ép, càng làm càng thua lỗ”.  

Đưa ra dự báo thị trường hồ tiêu sẽ tiếp tục khó khăn, bà Trương Thị Diệu, chủ Cơ sở tiêu sạch Diệu Phú (TX.Long Khánh) chia sẻ: “Tôi đầu tư kho bãi nhưng hiện đang cho thuê vì không dám mở rộng việc sản xuất, kinh doanh. Trước đây quy mô hoạt động của cơ sở đạt 10 phần thì nay thu gọn lại chỉ còn 2-3 phần vì càng mở rộng càng rủi ro. Đây là tình hình chung vì thị trường quá khó khăn, người kinh doanh nông sản đang phải “liệu cơm gắp mắm” nhưng “mắm” quá mặn, nhiều người không dám “gắp.” Cơ sở tiêu sạch Diệu Phú hiện chỉ tập trung vào dòng tiêu sạch phân phối cho khách hàng mua lẻ tại thị trường nội địa .   

* Nông dân khốn khó

Giá tiêu rớt mãi vẫn chưa chạm đáy khiến doanh nghiệp e ngại, thậm chí tạm ngừng kinh doanh vì quá nhiều rủi ro. Nhưng nông dân thì chỉ biết gồng mình chịu trận vì giá thấp lại vừa lo mất trắng vì dịch bệnh trên cây tiêu. Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 8 tháng của năm, toàn tỉnh có 2.079 hécta tiêu bị dịch bệnh, chủ yếu là các bệnh như: thán thư, bệnh chết chậm, chết nhanh. Hiện mùa mưa đang vào cao điểm với những đợt mưa dầm kéo dài, người trồng tiêu càng lo ngại trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây tiêu.

Bà Lê Thị Lùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác cây tiêu Suối Soong 1 (xã Phú Vinh, TX.Long Khánh) nhận xét: “Vào mùa mưa, nguy cơ dịch bệnh trên cây tiêu lớn hơn những mùa khác trong năm nên chi phí phân, thuốc tăng lên. Nông dân trồng tiêu đã điêu đứng vì giá bán thấp lại càng rơi vào cảnh khốn khó khi chi phí đầu vào đội lên trong khi giá tiêu mỗi ngày mỗi giảm”.  

Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) cho hay: “Thời gian trước, nhiều nông dân chặt bỏ vườn tiêu do những vườn này kém năng suất hoặc xảy ra dịch bệnh nhưng cái gốc của vấn đề cũng do giá tiêu quá thấp khiến nông dân chọn đầu tư cho cây trồng khác.

Thời gian trước, nhiều vùng tại Đồng Nai xảy ra tình trạng nông dân chặt bỏ cây tiêu vì cây trồng này không còn cho hiệu quả kinh tế cao. Trước tình hình giá tiêu tiếp tục chạm mức đáy mới và thị trường hồ tiêu vẫn đang trong cơn khủng hoảng thừa như hiện nay, nhiều nhà vườn không còn mặn mà đổ vốn chăm sóc cây trồng này. Người trồng tiêu lại rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt  - trồng.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,421,844       43/1,138