Kinh tế

Khi ô nhiễm "bủa vây" nông thôn

Trái với lối suy nghĩ thông thường là môi trường tại các vùng nông thôn sẽ trong lành hơn thành thị, tập quán chăn nuôi và trồng trọt trong nhiều năm qua với tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất…

Bài 1: Bón phân, phun thuốc vô tội vạ

Trái với lối suy nghĩ thông thường là môi trường tại các vùng nông thôn sẽ trong lành hơn thành thị, tập quán chăn nuôi và trồng trọt trong nhiều năm qua với tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất… đã khiến tình trạng ô nhiễm “bủa vây” các vùng nông thôn, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Muốn môi trường nông thôn thực sự trong lành trở lại, cần sự chung tay của cả người dân lẫn chính quyền.

Phun thuốc trị bệnh cho cây tiêu ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom.
Phun thuốc trị bệnh cho cây tiêu ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom.

Theo lời nhiều lão nông đã có 50-60 năm gắn bó với ruộng vườn ở Đồng Nai thì trước đây ở các vùng trũng trồng lúa có rất nhiều cá, tôm, cua, ốc... sinh sống, chỉ cần lội đồng một loáng đã bắt được cả giỏ. Nhưng giờ “rà” cả buổi cũng về tay không vì chúng đã bị phân bón hóa học, thuốc trừ sâu “triệt hạ” hết.

Với gần 300 ngàn hécta cây trồng, mỗi năm ước tính nông dân Đồng Nai phải dùng đến trên 150 ngàn tấn phân hóa học và thuốc trừ sâu. Vào thời điểm cây ra hoa đậu trái, về những vùng trồng quýt, cam, bưởi, sầu riêng, xoài lớn ở vùng nông thôn rất dễ bị “ngộp” bởi mùi thuốc phòng trừ sâu bệnh được phun xịt cho cây trái.

* Thuốc trừ sâu “triệt” tôm, cua, cá

Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, những thửa ruộng, mảnh vườn thuộc loại ít phun, xịt thì tần suất phun thuốc bảo vệ thực vật khoảng 4-6 lần/năm, vườn nhiều trên 20 lần/năm. Qua nhiều năm, thuốc và phân hóa học ngấm sâu vào đất khiến nhiều loài sinh vật sống tự nhiên bị hủy hoại.

Bà Nguyễn Xuân Thảo (ấp 10, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) cho hay: “Khoảng 6-7 năm về trước vào đầu mùa mưa vùng này rất sẵn nấm mối, có những người tìm được cả ổ nấm 3-4kg, nhưng những năm gần đây nấm mối ngày càng hiếm. Có những người đi săn nấm mối từ đầu vụ đến nay chưa tìm được ổ nào. Nhiều người “săn” nấm lâu năm cho biết, lý do khiến nấm mối ngày càng hiếm là do người dân trong vùng dùng nhiều thuốc trừ sâu”.

Nhiều nhà khoa học cho rằng nông nghiệp Việt Nam bị suy thoái ô nhiễm do lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Muốn có nền nông nghiệp an toàn, có thể xuất khẩu trực tiếp nông dân phải sản xuất theo hướng “nông nghiệp xanh”, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh khiến tình hình dịch bệnh phát triển ngày càng phức tạp. Để phòng trừ bệnh cho cây trồng nông dân đã phun xịt thuốc trừ sâu nhiều hơn.

Đơn cử như cây quýt, cam vào thời điểm cây ra hoa kết trái, có khi bị phun thuốc trừ sâu 2-3 lần/tuần dẫn đến số lần phun thuốc cho cây quýt lên đến hơn 20 lần/năm. Tương tự cây bưởi, thanh long, xoài, tiêu… cũng phải phun, xịt thuốc trên dưới 10 lần/năm.

Ông Nguyễn Đức Trí (ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, TX.Long Khánh) cho hay: “Mấy năm nay, cây sầu riêng rất dễ bị sâu bệnh nên tôi phải phun thuốc trừ sâu, dưỡng trái hơn 10 lần/năm để phòng, trị bệnh và giúp cây ra hoa kết trái đạt năng suất cao. Nếu không dùng thuốc trừ sâu, thuốc xử lý cây ra hoa đậu trái thì năng suất rất thấp”.

Theo các nhà vườn, vào mùa mưa mà phun thuốc trừ sâu xong, nếu gặp mưa lớn thì thuốc có thể trôi hết, sau đó phải xịt lại là chuyện không hiếm. Lượng thuốc đó ngoài việc phát tán mùi ra môi trường không khí thì khi gặp mưa lớn còn bị rửa trôi ngấm vào đất hoặc tràn ra sông, suối.

Lão nông Trương Văn Thành (ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) đã có gần 50 năm làm nông hồi tưởng: “Cánh đồng Bàu Lớn trũng trồng lúa quanh năm, ngày trước rất nhiều cua, cá, ốc nên lúc nông nhàn tụi tui thường ra đồng tranh thủ một loáng là bắt được đầy giỏ cua, cá. Sau này do sâu bệnh nhiều phải thường xuyên dùng thuốc bảo vệ thực vật cua, cá, ốc gần như không còn”.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, có hơn 3.500 loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép lưu hành trên toàn quốc. Nhưng vẫn còn những loại thuốc ngoài danh mục nhập khẩu trái phép vào Việt Nam nên không kiểm soát được độ độc hại cũng là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

* Lạm dụng phân bón hóa học

Về các vùng trồng cam, quýt, bưởi thuộc các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) mới thấy lượng phân hóa học các nhà vườn dùng khá nhiều lên đến 3-4 tấn/hécta/năm. Những hộ thuê đất để trồng thường tăng lượng phân hóa học lên cao để thúc cây nhanh cho trái và năng suất cao, nhưng cây cũng chóng tàn. Đồng thời đất đai cũng nhanh bị bạc màu và chai cằn.

Phun thuốc hóa học cho cây lúa bị sâu bệnh tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.
Phun thuốc hóa học cho cây lúa bị sâu bệnh tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.

Ông Nguyễn Thanh Liễu (ấp 4, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) nói: “Vùng này xưa đất khá màu mỡ nhưng mấy năm nay nhiều người dân miền Tây, Bình Dương sang thuê đất trồng cam, quýt họ bón rất nhiều phân hóa học để cây cho trái sớm nên vòng đời của cây chỉ khoảng 8 năm là tàn. Khi cây tàn, đất đai cũng bị bạc màu khô cứng rất khó phục hồi lại”.

Theo ThS.Trần Thị Phương Chi, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Cửu, cây trồng dùng quá nhiều phân hóa học sẽ khiến đất mất đi độ phì nhiêu, những sinh vật có lợi cho môi trường bị hủy diệt. Việc này dẫn đến cây trồng dễ phát sinh các loại dịch bệnh và nông dân phải sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu để phun xịt hơn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Nếu nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng” là đúng loại, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng phương pháp có thể giảm nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo các nhà nông, tùy từng loại cây trồng mà lượng phân bón khác nhau, ít khoảng 0,3-0,4 tấn/hécta/năm, nhiều 3-4 tấn/hécta/năm. Các loại phân hóa học được nông dân sử dụng nhiều là ure, lân, kali, DAP...

Ông Đỗ Minh Phụng (ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Muốn cây thanh long ruột đỏ cho năng suất 22-25 tấn/hécta/năm thì sau mỗi lứa thu hoạch phải bổ sung phân bón 1 lần. Lượng phân hóa học dùng cho cây thanh long khoảng 3-4 tấn/hécta/năm”. Nhiều nhà vườn cho rằng, nếu chỉ bón toàn phân hữu cơ, cây trồng sẽ không cho năng suất cao như mong muốn. Vì vậy, việc dùng phân hóa học vẫn được các nhà vườn sử dụng phổ biến.

Điều đáng nói, nghiên cứu của Tổ chức Lương thực - nông nghiệp Liên hợp quốc cho biết hiệu quả sử dụng phân bón hóa học của Việt Nam chỉ đạt khoảng 50%. Như vậy, lượng phân bón còn lại đang bị thất thoát ra môi trường.

Ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật tỉnh cho hay: “Hàng năm, chi cục đều phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn khuyến cáo nông dân bón phân hóa học cân đối để hạn chế đất chai cằn, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn lạm dụng phân hóa học quá nhiều”.

Tại Đồng Nai, lượng phân bón chưa hấp thụ hết đang thất thoát ra môi trường lên đến hàng chục ngàn tấn/năm. Giá phân hóa học trên thị trường ure, kali từ 6,5-7,5 ngàn đồng/kg, DAP 10,5-11 ngàn đồng/kg và việc lạm dụng phân hóa học mỗi năm nông dân Đồng Nai sẽ mất vài trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó còn gây ra các hệ lụy: giá thành sản phẩm bị đẩy cao, môi trường đất, nước bị ô nhiễm. Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cách đây 20 năm 1 hécta cây trồng chỉ dùng trên 100kg phân hóa học/năm nhưng hiện đã tăng lên 600 kg/hécta/năm. Mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón các loại và có hàng triệu tấn đang thất thoát ra môi trường...

Hương Giang

Bài 2: Khổ vì rác và nước thải chăn nuôi

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,457,660       9/1,032