Kinh tế

Khởi nghiệp ở tuổi 63

Từng trải qua nhiều công việc gắn bó với nghề nông như: chăn nuôi heo, gà, cá, trồng rau màu, cây ăn trái, hoa lan..., ở tuổi 63 ông Trần Viễn Phương (ngụ tại KP.5, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) quyết định thay đổi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại trang trại Hoa Đông Green.

Ông Trần Viễn Phương giới thiệu các sản phẩm đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong trang trại của gia đình.
Ông Trần Viễn Phương giới thiệu các sản phẩm đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong trang trại của gia đình.

Vào cuối năm 2015, mô hình trồng hoa lan của ông Phương gặp nhiều khó khăn. Bản thân ông cũng lớn tuổi, không đủ sức để quản lý các trạng trại ở TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai nên ông quyết định từ bỏ hoa lan để chuyển sang mô hình khác.

* Làm lại từ đầu

Ông Phương chia sẻ, từ trăn trở của bản thân do những người thân gia đình lần lượt qua đời hoặc bị di chứng do tai biến, ông bắt đầu tìm hiểu và biết được đông trùng hạ thảo - một loại dược liệu quý, hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, cũng như mang lại lợi ích kinh tế cao. Từ đó, ông quyết định nghiên cứu để nuôi cấy đông trùng hạ thảo.

Ông Phương dự định ra Hà Nội để học thêm về quy trình nuôi đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên do mức học phí quá cao, lên đến khoảng 1,2 tỷ đồng khiến ông không kham nổi. Sau đó, ông may mắn biết đến một người từng nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo ở Đồng Nai nên thỏa thuận việc chuyển giao công nghệ.

Đầu năm 2016, ông Phương quyết định lặn lội sang tận Tây Tạng - “thủ phủ” về đông trùng hạ thảo - để mua giống. “Lúc đó, tôi đi theo dạng tour du lịch trong thời gian ngắn. Tới nơi, tôi nhờ hướng dẫn viên và người dân địa phương dẫn đi tìm mua cây giống. Tôi chỉ mua được 3-4 cây con nhỏ cũng mất khoảng 200 triệu đồng” -  ông Phương chia sẻ.

Ông đầu tư trang trại rộng khoảng 140m2, chia làm 5 phòng gồm: phòng vật tư, phòng sạch, phòng cấy vi sinh, phòng ủ và phòng nuôi tiệt trùng với số vốn gần 2 tỷ đồng để nhân giống, nuôi cấy đông trùng hạ thảo.

* Suýt thất bại vì… vài giọt mồ hôi

Sau lứa đầu tiên thành công, đến đợt nhân giống tiếp theo gần 2 ngàn hũ nuôi đông trùng hạ thảo lại bất ngờ bị thất bại. Lần đó ông suy nghĩ và thử nghiệm rất nhiều mà không tìm được nguyên nhân.

“Cuối cùng, tôi mới “ngộ” ra là do trong quá trình cắt thạch để nhân giống, tay tôi ra mồ hôi, vô ý rơi xuống khu vực nhân giống. Cứ tưởng là có hệ thống máy lọc, tiệt trùng không khí thì an tâm, nhưng mùi của vài giọt mồ hôi vẫn khiến đông trùng hạ thảo bị hư, gây thiệt hại vài trăm triệu đồng vào đợt đó” - ông Phương kể.

Theo ông Phương, quy trình nuôi đông trùng hạ thảo khép kín, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và các yêu cầu, tiêu chuẩn rất khắt khe về môi trường, đảm bảo “vô trùng” tại khu vực nuôi cấy.

Đông trùng hạ thảo phát triển qua 2 giai đoạn. “Ở giai đoạn “mùa đông” đông trùng hạ thảo như một con sùng, phải nuôi trong môi trường không ánh sáng. Quá trình này kéo dài khoảng 15 ngày. Đến giai đoạn “mùa hè”, chúng là một loại nấm và phát triển trong khoảng 2,5 tháng thì cho thu hoạch” - ông Phương chia sẻ.

Hiện nay, trang trại của ông Phương bán 3 dòng sản phẩm từ đông trùng hạ thảo gồm: sợi sấy khô, bột và rượu ngâm để phục vụ nhu cầu khách hàng. Ông Phương cho biết: “Thị trường chủ yếu của trang trại là ở trong nước. Hiện nay, sản phẩm của tôi bắt đầu được xuất đi các nước Mỹ, Pháp, Ðức, Australia... nhưng số lượng chưa nhiều. Đây là mặt hàng có giá trị kinh tế cao nên nguồn thu từ đông trùng hạ thảo của gia đình cũng đạt từ 30-40 triệu đồng/tháng”.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,462,722       47/988