Xe buýt luôn là phương tiện giao thông công cộng được khuyến khích phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong các đô thị...
STRONG>
Xe buýt tuyến số 8 đang đón khách. |
Toàn tỉnh hiện có 25 tuyến xe buýt, trong đó có 6 tuyến xe buýt được trợ giá, chủ yếu lưu thông trong nội ô TP.Biên Hòa. Còn lại 19 tuyến xe khác đi từ TP.Biên Hòa đến các địa phương trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh như TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
* Người dân chưa mặn mà
Theo thống kê của Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở Giao thông - vận tải), từ đầu năm đến nay có hơn 9 triệu lượt khách sử dụng xe buýt để đi lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, cho rằng số lượng vận tải hành khách như vậy là chưa xứng với tiềm năng.
Ngành giao thông đang thực hiện chương trình đổi mới xe buýt và phong cách phục vụ nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện này như một thói quen. |
Ông Tài chỉ ra hàng loạt những hạn chế của lĩnh vực này khiến cho người dân chưa thực sự mặn mà với việc chọn xe buýt để đi lại như: chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt chưa cao, thái độ phục vụ, ứng xử của một số lái xe và nhân viên phục vụ trên xe chưa tốt; có những tuyến xe sử dụng lâu năm bắt đầu xuống cấp chưa được đầu tư; có tuyến thường xuyên bỏ tài, bỏ chuyến làm hành khách phải chờ đợi lâu mất lòng tin đối với xe buýt.
“Nhu cầu của người dân đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng trong khi chỉ có 2 tuyến xe có máy lạnh, nhiều xe thì xuống cấp, như vậy làm sao người dân ủng hộ được?” - ông Tài nói.
Anh Vũ Văn Khiết, một người dân ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm tại thị trấn Long Thành, cho rằng các doanh nghiệp khai thác cần quan tâm đến chất lượng xe hơn. Anh kể nhiều lần đi làm nhưng xe buýt chạy nửa đường thì bị hỏng phải chờ xe khác đến đón, như vậy làm lỡ việc rất bất tiện. Vào những giờ cao điểm, nhiều đoạn đường bị kẹt, trên xe hành khách đông mà lại không có máy lạnh nên rất ngột ngạt.
Nhiều tuyến xe buýt khi chạy ở những tuyến đường có khu dân cư thì chạy rất chậm để đón khách, nhưng đến những khu vực ít có khách thì tăng tốc chạy quá nhanh khiến hành khách đi xe rất khó chịu.
* Tăng chất lượng xe
Ông Dương Văn Đông, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cho biết để nâng cao chất lượng của xe buýt, Sở đã ban hành các tiêu chí tuyến xe buýt nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, các xe sử dụng có niên hạn dưới 12 năm, đối với các tuyến có trợ giá thì xe không quá 10 năm sử dụng. Các phương tiện đầu tư mới sau này phải có máy lạnh và đồng bộ về chủng loại.
Theo thống kê của Sở Giao thông - vận tải, hiện toàn tỉnh có hơn 370 xe buýt của các đơn vị đang hoạt động, trong đó gần 20% xe được sản xuất từ năm 2005 trở về trước, trên 70% xe được sản xuất từ năm 2006 đến năm 2010, chỉ có 10% xe được sản xuất từ năm 2010 đến nay. Như vậy, trong thời gian tới lượng xe phải thay thế khá nhiều để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách. Hiện nay một số đơn vị cũng đang tính toán việc thay thế các phương tiện này bằng loại xe chạy bằng gas để giảm thiểu ô nhiễm.
Việc đổi mới phương tiện chỉ là một phần trong chương trình nâng cao chất lượng của xe buýt, trong đó quan trọng là chất lượng phục vụ của các nhà xe. Như nhân viên phục vụ phải được tập huấn kỹ để luôn có thái độ nhẹ nhàng, ứng xử văn minh lịch sự với hành khách. Nhân viên phải có đồng phục và bảng tên rõ ràng; thời gian xe chạy cũng phải đảm bảo, đặc biệt không tranh giành khách.
“Xe buýt chỉ khi nào văn minh sạch, đẹp thì người dân mới đi nhiều và hình thành như một thói quen như vậy sẽ giảm được phương tiện cá nhân” - ông Đông chia sẻ. Điều đó có thể thấy được như trên tuyến xe buýt mới mở số 1 loại xe có máy lạnh lịch sự chỉ một thời gian ngắn sản lượng trung bình đã đạt 70% khách cho mỗi chuyến.
Vân Nam