Mới đầu mùa mưa nhưng nhiều nơi trong tỉnh đã có mưa lớn kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa đá, dông, sấm sét. So với mọi năm, hiện tượng này xảy ra với tần suất nhiều hơn.
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho hay trong năm 2018, ngoài lượng mưa được dự báo lớn, vào mùa khô còn xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa. Bão, áp thấp nhiệt đới cũng sẽ ảnh hưởng đến khu vực nhiều hơn, cho thấy tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.
Vừa rồi tại xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) xảy ra mưa đá, một số địa phương khác xuất hiện dông, lốc mạnh kèm theo sấm sét. ông đánh giá như thế nào về những hiện tượng này?
- Những năm gần đây, mưa đá xảy ra ở nhiều nơi như các năm 2016, 2017 xuất hiện ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), xã Tà Lài (huyện Tân Phú). Hiện tượng này một phần do biến đổi khí hậu, phần khác do môi trường sống của chúng ta có nhiều thay đổi. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần làm thay đổi, tác động đến hoạt động của các dạng thời tiết.
Thưa ông, tình hình thời tiết như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người dân cũng như việc sản xuất nông nghiệp?
- Đồng Nai chính thức bước vào mùa mưa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sẽ thường xuất hiện và có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe con người, quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, mưa đá gây hư hại hoa màu, cây trồng đang vào giai đoạn ra đọt non. Gió lốc hoặc bão và áp thấp nhiệt đới làm ngã cây cối, nhà cửa gây thiệt hại nặng nề với các công trình, nhà xưởng, hệ thống điện lưới…
Với hiện tượng dông, sấm sét, dù phạm vi ảnh hưởng nhỏ nhưng gây tác hại rất lớn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Do đó, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết nhằm chủ động phòng tránh để hạn chế những thiệt hại đáng tiếc khi đang tham gia giao thông hoặc lao động sản xuất.
Trong năm 2018, thời điểm nào được dự đoán có lượng mưa lớn và xảy ra liên tục, thưa ông?
- Thông thường các tháng 8, 9 và 10 trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa lớn. Tuy nhiên, có những năm dù mới bước vào tháng 7 nhiều nơi đã xảy ra mưa với cường độ lớn. Đến nay, dù chỉ mới đầu mùa nhưng diện mưa ở Đồng Nai đã đạt 20% và dự báo lượng mưa trong cả mùa sẽ xấp xỉ so với năm 2017. Khoảng tháng 8, 9 sẽ xuất hiện các đợt lũ trên các sông Đồng Nai, La Ngà.
Trước tình hình thời tiết năm nay, ngành khí tượng thủy văn chủ động như thế nào trong công tác dự báo?
- Mưa có vẻ ngày càng khó lường hơn, sự phân hóa trên địa bàn tỉnh khá rõ rệt. Có nơi gần nhau, nhưng nơi thì mưa rất to, nơi không hề có mưa. Trước đây, từ Bắc xuống Nam chênh lệch về mùa mưa trong năm không nhiều lắm. Ở các huyện như Định Quán, Tân Phú có khi mưa gần 3.000mm/năm; trong khi huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ lượng mưa chỉ 1.600-1.800mm/năm, thấp hơn rất nhiều.
Còn ở TP.Biên Hòa, những năm gần đây có mưa to với cường độ mưa lớn chỉ trong thời gian ngắn mà còn xuất hiện thường xuyên hơn. Thống kê từ số liệu năm 1978 đến nay, lượng mưa cao lịch sử rơi vào năm 2016 và 2017. Năm nay, dù mới đầu mùa nhưng đã xuất hiện một số cơn mưa rất to. Mưa to và kéo dài gây ngập úng cục bộ ở vùng đô thị, làm nước trong các sông, suối nhỏ lên nhanh.
Xin cảm ơn ông!
Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, năm 2018 trên Biển Đông sẽ có 12-14 cơn bão. Riêng khu vực Đông Nam bộ, thời điểm cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Thời gian hình thành và khu vực đổ bộ của bão rất khó dự đoán với hướng đi phức tạp. |
Thanh Hải (thực hiện)