Thể thao

Công Phượng chắp cánh với hai con lợn và 4 tạ lúa non

Bố mẹ Phượng đành chiều theo đam mê của con trai, bán những tài sản còn có trong nhà.

Bị lò SLNA trả về nhưng Công Phượng không lấy điều đó làm buồn tủi rồi từ bỏ giấc mộng cầu thủ. Trái lại, anh càng tập luyện hăng say và năn nỉ bố mẹ cho đi thi vào học viện HAGL Arsenal JMG. Sự kiên trì, bền bỉ và nỗ lực không mệt mỏi để vươn tới ước mơ đã tạo thành Công Phượng, nhạc trưởng của U19 Việt Nam. Anh vừa có một siêu phẩm vào lưới U19 Australia được khen ngợi như bàn thắng huyền thoại của Maradona vào lưới tuyển Anh.

phuong-7278-1409998072.jpg

Công Phượng mừng siêu phẩm vào lưới U19 Australia tối qua. Ảnh: Kỳ Lân.

Cũng như bao nhiêu đứa trẻ lam lũ ở miền quê nghèo xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, Công Phượng gắn liền với trái bóng từ nhỏ và xem đó như là cơ hội để đổi đời. Bóng đá là hơi thở, là cuộc sống hàng ngày của anh. “Sáng nào đi học hắn cũng dùng trái rơm tự làm để lùa đi học. Hắn cùng trái bóng chạy từ trên đồi xuống, luồn lách qua chợ, qua những chỗ đông người cứ như làm xiếc vậy”, một người bạn học thời tiểu học cùng xóm nói về Công Phượng.

Ở nhà, thủ quân của U19 Việt Nam luôn so kè kỹ năng với anh Khoa (anh trai hơn hai tuổi). Khi nào sân xi măng trước nhà không phơi lúa là Phượng mang bóng ra đá với anh. Trời nắng mấy, hai anh em cũng mang ra sân đá. Trời mưa thì đứng hai đầu thềm, em đá thì anh bắt gôn và ngược lại. Rồi thì đặt một cái chai ở đầu sân và đứng cuối sân đá thi với anh, xem ai trúng cái chai nhiều hơn. “Đi học về là nó mang bóng ra thi tâng bóng với anh rồi nhờ tôi đếm. Tôi đếm mỏi miệng rồi bảo chúng nó lấy đồng hồ bàn ra mà xem ai tâng bóng lâu hơn”, bà Nguyễn Thị Hoa - mẹ Phượng - kể lại.

“Nhớ ngày nào, hắn còn nhỏ xíu, mấy anh đem đá banh đùm với nhau ở sân đất, đá cho loét cả móng cẳng mà không biết chán. Nhớ ngày nào, hắn vừa chăn trâu vừa đá banh, ham đá quá đến nỗi trâu đi đâu cũng không biết, rồi bảo vệ bắt trâu, ba mẹ phải đi chuộc trâu về…”, một người cùng làng chia sẻ trên Facebook của Phượng.

Và như bao cậu nhóc mê bóng đá khác ở Nghệ An, Công Phượng cũng mơ ước được lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên lò Sông Lam. Anh năn nỉ bố mẹ cho đi thi tuyển vào lò SLNA. Cậu nhóc đáp ứng đủ những thử thách về kỹ năng, nhưng rồi chỉ vì thấp bé nhẹ cân, cậu bị đánh trượt. 

Việc bị lò Sông Lam loại bỏ, coi như giấc mơ trở thành cầu thủ đã tan vỡ. Nhưng trái lại, Công Phượng chẳng những không chán nản, buồn tủi mà còn hăng say tập luyện và kiên trì tìm kiếm một cơ hội khác. Ông Nguyễn Công Bảy, bố Phượng, nhớ lại: “Sau khi không được vào đội trẻ SLNA, thằng Phượng lại càng quyết tâm hơn, nó bảo phải rèn luyện thể lực cho cao lớn rồi mới có đủ sức đá bóng được”.

Rồi biết tin học viên HAGL JMG thi tuyển cầu thủ, Phượng nhanh chóng bắt lấy cơ hội này và năn nỉ bố mẹ cho thử sức. Tất nhiên, với gia đình nông dân lam lũ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bố mẹ Phượng cũng khuyên con bỏ giấc mơ đó đi, nhất là khi Phượng đã không đậu lò Sông Lam thì chấp nhận ở nhà lo học hành, hoặc làm ruộng phụ gia đình.

“Con còn nhỏ, khi mô vác được bao xi măng 5 yến, đi phụ hồ cho bố xây được nhà thì mẹ đưa đi. SLNA mà còn loại thì vô trong răng mà trúng được”, bà Hoa cự lại con trai. Nhưng Phượng cứ nằng nặc: “Không, con đi đá bóng, không đi phụ hồ”.

với hai con lợn 25kg và bán non 4 tạ lúa ngoài ruộng để hai bố con Phượng lên đường vào Pleiku. Hôm thi tuyển, ông Bảy ngồi trên khái đài nhìn 400 thí sinh dự tuyển mà lo con mình khó trụ nổi. Nhưng khi Phượng vào đá với 5 thí sinh khác thì được giữ lại. Đợt tuyển sinh đó, trong 16 thí sinh được chọn có Phượng. Ít ngày sau, gia đình nhận được giấy báo Phượng đã trúng tuyển. Lần ấy, khi về nhà Phượng ôm mẹ nói: “Mẹ này, bố mẹ không đưa con đi là trật rồi”.

Nhưng cái cột mốc được nhận và học viện HAGL JMG đó mới chỉ là sự khởi đầu cho Phượng. Cậu còn phải tiếp tục nỗ lực để khẳng định khả năng cùng với những đồng đội được xem là ưu tú nhất được học viện tuyển chọn. Và trong một chuyến du đấu châu Âu của của học viện HAGL JMG, Công Phượng là một trong 4 cầu thủ cùng với Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều được HLV Arsene Wenger khen ngợi và được mời qua Arsenal tập huấn cùng đội trẻ CLB thành phố London.

phuong2-1811-1409998072.jpg

Công Phượng là thủ quân của U19 Việt Nam. Ảnh: Kỳ Lân.

Trở về, Công Phượng càng tiến bộ hơn và trở thành nhạc trưởng của U19 HAGL JMG và của U19 Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á 2013. Rồi ở vòng loại Asian Cup 2014, Phượng toả sáng với 7 bàn sau ba trận, góp công đưa U19 Việt Nam giành vé vào vòng chung kết Asian Cup 2014. Ở giải U19 Đông Nam Á Cup Nutifood 2014 là giải chuẩn bị cho vòng chung kết U19 châu Á vào tháng 10 tới, Công Phượng đã có một siêu phẩm vào lưới U19 Australia. Pha đi bóng từ giữa sân qua tới 5 cầu thủ đối phương rồi ghi bàn của Phượng được ví như bàn thắng huyền thoại của Maradona vào lưới tuyển Anh và được báo chí thế giới ca ngợi là ngôi sao trẻ triển vọng.

Đình Khả

NgoiSao.net

Công Phượng chắp cánh với hai con lợn và 4 tạ lúa non - Ngôi sao


© 2021 FAP
  1,528,463       24/1,026