Vườn vệ sinh với các phòng tắm, tiêu, giặt rửa, bao quanh là vườn rau cung cấp thực phẩm sạch vừa được hoàn thiện tại trường Tiểu học Ta Ma (Điện Biên).
Vườn vệ sinh là mô hình kết hợp của nhà vệ sinh, khu tắm giặt, thảm thực vật, dành cho học sinh nghèo tại các trường bán trú, do Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc tài trợ. Năm 2016, "vườn" đã đến với Ta Ma - một xã đặc biệt khó khăn và khan hiếm nguồn nước của huyện Tuần Giáo (Điện Biên), để phục vụ nhu cầu vệ sinh, tắm giặt của hơn 300 học sinh.
Vườn vệ sinh với các khu vực vệ sinh, tắm, giặt, không gian thực vật bao quanh... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao. Ảnh: Nguyễn Tiến Thành. |
Đồng chủ trì thiết kế, KTS Đoàn Thanh Hà cho biết, công trình có 8 phòng tắm, 8 phòng tiêu, 8 chỗ tiểu, 8 chỗ rửa, 10 chỗ giặt, chia đều cho 2 bên nam/nữ, đáp ứng được nhu cầu của 320 học sinh. Vườn được xây dựng trên khu đất có kích thước 20x30 m, vật liệu phần kín là tôn, gạch vì tôn không ngấm nước, ít chiếm diện tích và thi công đơn giản, chi phí thấp. Khung mái sử dụng tre sẵn có trong tự nhiên. Nền đất được láng bằng xi măng.
Để phù hợp với điều kiện khan hiếm nguồn nước của địa phương, "vườn vệ sinh" được thiết kế để tận dụng nước mưa, tái sử dụng nước thải và nước sinh hoạt. Nước mưa được thu gom và tái sử dụng nước giặt rửa để dùng dội nhà vệ sinh. Nước sạch lấy từ suối về, được bơm lên bể nước mái bằng điện từ pin mặt trời tích trữ lại, dùng ăn và rửa mặt đánh răng, tắm. Nước từ bể phốt được lọc dùng cho việc tưới cây trong vườn thực vật xung quanh.
Bao quanh khu nhà vệ sinh là những vườn rau để điều tiết vi khí hậu và bổ sung thực phẩm cho học sinh, giáo viên trường tiểu học Ta Ma. Ảnh: Nguyễn Tiến Thành. |
"Lớp màng thực vật gồm cây và rau bốn phía trên mặt đứng vườn vệ sinh giúp điều tiết vi khí hậu, tăng cường kết cấu chịu lực, bổ sung lương thực đồng thời tạo ra ranh giới ước lệ giữa bên trong và bên ngoài, bảo vệ môi trường và tránh dịch bệnh", kiến trúc sư Hà nói.
Anh cho biết, ý tưởng thiết kế vườn vệ sinh với hình ảnh gợi nhắc đến hai cây lớn có tán lá xòa rộng tỏa bóng mát che phủ các không gian sử dụng bên dưới và bên trong, khiến công trình hòa quyện với thiên nhiên và thân thiện với con người hơn.
Trước đó năm 2014, vườn vệ sinh lần đầu được thực hiện tại tại trường Sơn Lập (xã Sơn Lập, Bảo Lạc, Cao Bằng). Nhóm thực hiện hy vọng, mô hình sẽ được nhân rộng tới các vùng nông thôn khác của Việt Nam.
Quỳnh Trang
vườn vệ sinh, học sinh, vùng cao