Kỳ thi đại học diễn ra tuần trước là sự kiện lớn của đất nước Hàn Quốc, là mục tiêu mà nhiều học sinh thậm chí phải chuẩn bị ngay từ thời mẫu giáo.
Hôm thứ năm tuần trước, hàng trăm nghìn học sinh trung học cuối cấp ở Hàn Quốc đã tham dự kỳ thi Suneung để tìm cơ hội vào đại học. Sĩ tử thường được tặng bánh "yut" - loại bánh gạo dẻo mang ý nghĩa chúc họ "dính" vào trường đại học mong muốn. Nhiều phụ huynh cầu nguyện tại đền thờ, một số chờ đợi, đi tới đi lui bên ngoài cổng địa điểm thi trong khi con trải qua kỳ thi kéo dài 8 tiếng.
Các doanh nghiệp mở cửa muộn hơn thường ngày để giữ giao thông đường phố thuận tiện. Máy bay hoãn cất cánh trong phần nghe hiểu môn tiếng Anh. Đối với học sinh đi muộn, cảnh sát địa phương trực sẵn, cung cấp dịch vụ taxi. Dường như cả nước tập trung vào kỳ thi để đảm bảo học sinh thể hiện tốt nhất.
Theo Atlantic ngày 17/11, kết quả mong đợi nhất của mỗi học sinh là có thể nhập học vào một trong những đại học hàng đầu đất nước, gồm: Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc, Đại học Yonsei. Những thí sinh không vượt qua hoặc không hài lòng với điểm số có thể thi lại vào năm sau. 12 năm miệt mài học tập ở trường, học tăng ca mỗi ngày chính là để chạy nước rút đến kỳ thi Suneung.
Những người mẹ, người bà cầu nguyện cho con cháu mình thành công trong kỳ thi đại học tại đền Jogye ở Seoul. Ảnh: Reuters |
Trong khi các kỳ thi ở Mỹ như SAT và ACT chỉ kéo dài dưới 4 tiếng và điểm số chỉ là một yếu tố để các cơ sở tuyển sinh xem xét, hàng trăm trường đại học và cao đẳng Hàn Quốc đưa ra quyết định hoàn toàn dựa vào điểm thi Suneung.
Sina Kim (25 tuổi), hiện tìm việc cho biết: "Hầu hết giáo viên nhấn mạnh rằng nếu thất bại trong kỳ thi Suneung, chúng ta cũng sẽ thất bại trong phần đời còn lại. Bởi bài kiểm tra này là bước đầu tiên (và cuối cùng) dẫn lối đến thành công". Bằng cách đó, Suneung được xem là mục tiêu quyết định. Đa số người Hàn Quốc tin rằng nếu vượt qua kỳ thi này, tương lai sẽ thực sự tươi sáng.
Không phải là con đường duy nhất vào đại học, nhưng kỳ thi Suneung phổ biến và được coi trọng nhất. Còn một cách thay thế, gọi là Sushi, thường đòi hỏi điểm trung bình tốt, hoạt động ngoại khóa, buổi phỏng vấn tuyển sinh hoặc bài tự luận. Dongyoung Shin, 36 tuổi, vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Yonsen, cho biết vào đại học thông qua con đường phi truyền thống này và không gặp bất cứ sự kỳ thị nào.
Kỳ thi đại học hiện nay tại Hàn Quốc đã phát triển qua nhiều thế kỷ, theo Michael Seth, tác giả của "Cơn sốt giáo dục: xã hội, chính trị và theo đuổi học tập". Suneung có nguồn gốc từ kỳ thi công chức vào thế kỷ 10, bị bãi bỏ vào cuối thế kỷ 19 dưới sự cai trị của thực dân Nhật Bản. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nạn mù chữ phổ biến, ít hơn 5% dân số có trình độ trên tiểu học. Sinh viên trường đại học duy nhất ở Hàn Quốc vào thời điểm đó chủ yếu là người Nhật Bản.
Hình thức hiện đại của kỳ thi đại học ra đời vào những năm 1950. Trong khi đất nước chịu bất ổn chính trị, kinh tế hỗn loạn và chiến tranh, giáo dục vẫn tiến bộ. Seth nói thêm, một phần lớn thành công đến từ nỗ lực của nhà nước trong việc nâng cao tiêu chuẩn chung của giáo dục cho công dân thay vì tập trung vào tầng lớp ưu tú. Trong vòng nửa thế kỷ sau khi kết thúc đế chế cai trị, "90% học sinh tốt nghiệp trung học. Hơn 180 trường đại học và cao đẳng được thành lập, tỷ lệ nam nữ lớn tuổi tham gia giáo dục đại học lớn hơn hầu hết quốc gia châu Âu".
Trong 6 thập kỷ tồn tại kỳ thi Suneung ngày nay, bản chất của nó trở thành chủ đề gây tranh cãi. Điều duy nhất không thay đổi là áp lực vô cùng lớn đặt nặng lên mỗi học sinh, những người mà theo Seth, đã chuẩn bị từ khi học mẫu giáo cho đến khi là học sinh cuối cấp trung học.
Khi học sinh bắt đầu vào lớp 10, thời gian học tập ngày càng nhiều. Một ngày bình thường của học sinh Hàn Quốc gồm khoảng 10 tiếng ở trường, ăn vội bữa tối rồi dành thời gian còn lại ở phòng nghiên cứu bắt buộc đến 10h đêm. Sau đó, học sinh có thể trở về nhà để tiếp tục học hoặc đến hagwon (trung tâm luyện thi).
Se-Woong Koo làm việc tại một trung tâm luyện thi Hàn Quốc nói với tờ New York Times: "Hagwon là cơ sở vô hồn với các phòng học được ngăn nhau bởi bức tường mỏng, thắp sáng bằng bóng đèn dài, nhồi nhét vào đầu sinh viên những từ vựng tiếng Anh, ngữ pháp tiếng Hàn và công thức Toán học".
Sự ám ảnh với việc học tập này giúp Hàn Quốc luôn thuộc nhóm cao nhất trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu. Năm ngoái, Hàn Quốc xếp thứ hai thế giới chỉ sau Singapore trong bảng xếp hạng điểm Toán và Khoa học bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tổ chức này cũng chỉ ra 70% học sinh Hàn Quốc tiếp tục 4 năm đại học sau khi tốt nghiệp trung học.
Tuy nhiên, điều gì cũng có giá của nó. Theo khảo sát của chính phủ vào năm 2014, trẻ em Hàn Quốc ít hạnh phúc nhất trong số 30 quốc gia được nghiên cứu. Bộ Y tế chỉ ra rằng căng thẳng học tập là yếu tố có liên quan nhất đến kết quả. Cũng trong năm này, Hàn Quốc chi 18 tỷ đôla Mỹ vào giáo dục tư nhân để tăng cơ hội vượt qua kỳ thi Suneung cho con cái họ - một số tiền gấp 3 lần trung bình của tổ chức OECD. Tờ Hankyoreh cho biết con số này là bằng chứng về sự phụ thuộc của đất nước vào giáo dục tư nhân.
Thêm vào đó, hệ thống giáo dục Hàn Quốc đặt nặng kỳ thi và điểm số, các khía cạnh ngoài kết quả học tập dường như bị bỏ quên. Dongyoung nhớ lại: "Trong ba năm trung học, không có bất kỳ giáo viên nào từng hỏi tôi muốn làm gì hay học gì khi vào đại học. Không ai thực sự quan tâm đến sở thích của tôi".
Phiêu Linh
kỳ thi đại học, Hàn Quốc, đấu trường sinh tử, học sinh, sĩ tử, trung học, học tập, kết quả