Trang thiết bị hiện đại cùng các phòng thực hành giả lập giúp sinh viên nâng cao kỹ năng an toàn và quản lý năng lượng.
Tập đoàn Schneider Electric và trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP HCM) thông qua Quỹ Schneider Electric và các đối tác quốc tế vừa khai trương phòng thực hành “Đào tạo điện” (Green Electrician) thuộc khuôn khổ chương trình “Đào tạo điện - Khởi nguồn cho tương lai xanh”.
Phòng dành cho sinh viên ngành Điện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam.
Ông Yoon Young Kim, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam, Myanmar và Campuchia chia sẻ về chương trình này.
Ông Yoon Young Kim - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam, Myanmar và Campuchia phát biểu tại buổi lễ khai trương phòng thực hành “Đào tạo điện”. |
- Phòng thực hành này sẽ giúp ích gì cho quá trình dạy và học của các học viên ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng?
- Dự kiến mỗi năm, phòng thực hành sẽ đón nhận hơn 500 học viên, là sinh viên của trường và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, chưa có công việc ổn định. Họ có thể học tập với những thiết bị hiện đại và phương pháp mới lấy thực hành trên tình huống thực tiễn làm trọng tâm. Ngoài các khóa đào tạo về kỹ thuật điện cơ bản, Green Electrician còn hỗ trợ chương trình học chuyên sâu về sử dụng năng lượng bền vững và quản lý năng lượng.
Với dự án này, học viên dành 20% thời gian học lý thuyết, 80% thời gian còn lại thực hành trên các thiết bị điện thực tế. Cụ thể, học viên sẽ thao tác với thiết bị điện ở các phòng giả lập theo mô hình những căn phòng trong nhà như phòng khách, ngủ, bếp, vệ sinh và mô hình điện công nghiệp cũng như năng lượng mặt trời… Những giờ học này giúp họ nhận biết tầm quan trọng của an toàn điện, cũng như mức độ tin cậy của các hệ thống trong việc thiết lập công trình dân dụng và thương mại.
Qua chương trình, học viên được cọ xát, trải nghiệm với những điều kiện thực tế để phục vụ cho nghề nghiệp sau này.
Một góc phòng thực hành “Đào tạo điện” của Schneider Electric. |
- Tổng vốn đầu tư của phòng thực hành là bao nhiêu, thưa ông?
- Nếu chỉ tính riêng về mặt con số, chúng tôi đã đầu tư gần 500.000 Euro (khoảng 12 tỷ đồng) vào dự án này, bao gồm toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành chương trình. Đây là sự đóng góp của nhiều đơn vị như Schneider Electric Việt Nam, quỹ Schneider Electric Foundation, quỹ đầu tư DEG cùng đối tác quản lý dự án là tổ chức phi chính phủ quốc tế ASSIST.
- Tại sao chương trình lại lựa chọn hợp tác với trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng để đầu tư xây dựng phòng thực hành?
- Có 2 lý do chính dẫn đến việc chúng tôi lựa chọn hợp tác với trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng. Thứ nhất, vì vị trí trường gần văn phòng của chúng tôi nên sẽ thuận tiện cho công việc điều phối, tổ chức giữa các bên. Thứ hai, qua những tiếp xúc ban đầu, chúng tôi nhận thấy trường Lý Tự Trọng có quan điểm mở, sẵn sàng hợp tác và cam kết cung cấp các chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế cho thanh thiếu niên, đặc biệt là những bạn có hoàn cảnh khó khăn.
- Ngoài dự án này, Schneider Electric mở rộng quy mô chương trình Green Electrician đến các trường học tại các địa phương khác như thế nào?
- Đây là phòng thực hành Green Electrician đầu tiên tại Việt Nam, dự án này như một thử nghiệm trước khi mở rộng quy mô sang các trường ở những tỉnh thành khác. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn hợp tác với các đối tác quốc tế và địa phương để thực hiện ngày càng nhiều chương trình như vậy tại các nước sở tại.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi triển khai mô hình đào tạo này. Chương trình được triển khai tại các quốc gia khác trên toàn cầu từ năm 2009, tính đến thời điểm này, chúng tôi đã đào tạo khoảng 115.000 thanh thiếu niên. Tất cả các dự án đều có sự giám sát và đo lường hiệu quả bởi quỹ Schneider Electric Foundation - quỹ chúng tôi lập ra để thực hiện và vận hành các hoạt động xã hội.
- Schneider Electric đề cập khá thường xuyên về chủ đề phát triển bền vững. Ông có thể giải thích thêm về mối liên hệ giữa công việc kinh doanh của Schneider Electric và phát triển bền vững?
- Để nói về điều này, cho phép tôi nêu lên một thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt trên toàn cầu, đó là hiện trạng và nhu cầu sử dụng năng lượng. Theo các con số thống kê, nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn cầu trong một thập kỷ tới sẽ tăng gấp 2 lần, kéo theo đó lượng phát thải cacbon cũng tăng gấp đôi. Bài toán đặt ra là làm sao sử dụng năng lượng hiệu quả để vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng vừa có thể cắt giảm lượng phát thải cacbon. Do vậy, chúng ta phải sử dụng năng lượng hiệu quả gấp 4 lần. Đây là bài toán chung của toàn cầu và Schneider Electric đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển tìm ra những giải pháp góp phần giải quyết vấn đề này, thông qua việc thực hiện đổi mới ở mọi cấp độ.
Phát triển bền vững có thể được đề cập đến với hai góc độ, cho xã hội và cho môi trường. Trong đó việc sử dụng năng lượng hiệu quả là một nhân tố quan trọng quyết định việc chúng ta có thể phát triển bền vững về mặt xã hội và môi trường. Đứng từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi tập trung phát triển các giải pháp giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng an toàn và hiệu quả, với mục tiêu cuối cùng là hướng đến việc phát triển bền vững.
Với Schneider Electric, cam kết phát triển bền vững được xem là kim chỉ nam cho các hoạt động của chúng tôi, đồng thời là yêu cầu và trách nhiệm được đặt ra cho cả tập đoàn và từng nhân viên.
Cao đẳng Lý Tự Trọng, Phòng thực hành hiện đại, phòng Lab với tên gọi Green Electric