Giáo dục

Trường THPT chuyên không còn là nơi đào tạo 'gà nòi'

Các trường THPT chuyên hiện không còn đơn thuần là nơi đào tạo những học sinh năng khiếu mà hướng tới môi trường giáo dục toàn diện, hội nhập quốc tế.

Sáng 29/9 tại Hà Nội, trong hội nghị sơ kết thực hiện đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2016, lãnh đạo các trường trên toàn quốc khẳng định đến nay phụ huynh không thể gọi trường THPT chuyên là lò đào tạo “gà nòi” được nữa bởi sự chú trọng giáo dục toàn diện. Hình ảnh học sinh chỉ biết học và học đã bị xóa bỏ.

Xóa bỏ hai chữ 'gà nòi'

Những năm trước đây, trường THPT chuyên luôn bị coi là lò đào tạo "gà nòi", dạy học sinh chỉ để đi thi. Các em chỉ cần tập trung vào môn học thế mạnh và được bỏ qua những môn phụ như Thể dục hay Công nghệ nhằm giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đem lại thành tích cho bản thân và nhà trường. Việc chú trọng đến sự phát triển toàn diện trong tương lai của học sinh không được đề cập. 

Tuy nhiên, từ khi triển khai đề án năm 2010, các trường THPT chuyên trên cả nước đã chuyển hướng và đạt được những thành tựu rõ nét trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Ngoài giáo dục kiến thức, nhiều trường đã chú trọng đến vấn đề giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo và hoạt động xã hội để học sinh có thể phát triển năng lực ở mọi mặt.

Các trường chuyên đã có sáng kiến tổ chức và hoạt động giao lưu cho giáo viên và học sinh theo cụm tỉnh như cuộc thi Olympic Hùng Vương các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, hay Olympic các trường chuyên thuộc miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam; tổ chức câu lạc bộ, phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp trong việc tư vấn tâm lý, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thông qua các hoạt động, học sinh được trao đổi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và phát triển kỹ năng sống. Nhiều em tự tin với nền tảng kiến thức, kỹ năng khi ra trường.

Nhiều trường có thành tích hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội tốt như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT chuyên Quốc học Huế. Đây cũng là hai ngôi trường có học sinh lọt vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia trong nhiều năm, một chương trình đòi hỏi có kiến thức toàn diện. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) có học sinh tham gia vào cuộc thi ca hát trên truyền hình và đạt được giải cao. Hay ở các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, học sinh trường chuyên cũng luôn để lại ấn tượng tốt.

Để thực hiện giáo dục toàn diện, nhiều trường cũng mở rộng hợp tác quốc tế. Trường chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức trao đổi chuyên môn, giao lưu hợp tác với các trường uy tín của Nhật Bản, Đài Loan. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) thiết lập quan hệ hợp tác với đại sứ quán của một số nước ở Việt Nam như Pháp, Anh, Australia... nhằm tìm kiếm thêm học bổng cho học sinh. Một trường còn nhiều khó khăn như THPT chuyên Lào Cai cũng có hợp tác, trao đổi chuyên môn với trường trung học của Singapore và Trung Quốc...

truong-thpt-chuyen-khong-con-la-noi-dao-tao-ga-noi

Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn báo cáo kết quả đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2016. Ảnh: Thanh Tâm.

Biện pháp giáo dục toàn diện

Theo thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Hiệu trưởng THPT chuyên Quốc học Huế, các trường cần tạo điều kiện cho câu lạc bộ do học sinh sáng lập được hoạt động tích cực bằng cách hỗ trợ cơ sở vật chất, cho mượn phòng thí nghiệm ngoài giờ để thực hành và thực nghiệm các công trình nghiên cứu khoa học. Nhà trường cần giúp học sinh liên kết với thầy cô và cựu học sinh của trường, tổ chức những sân chơi, tạo môi trường học tập năng động, sáng tạo.

Thầy Tuấn cho rằng nội dung hoạt động ngoại khóa cần được thường xuyên đổi mới, nhà trường cần tăng cường dạy kỹ năng sống cho học sinh để các em phát triển toàn diện. Lấy ví dụ về việc dạy bơi, ở chuyên Quốc học Huế, 100% học sinh khi ra trường phải có chứng chỉ bơi do nhà trường cấp. Ngoài ra, các trường phải mở rộng hợp tác quốc tế để cả giáo viên và học sinh được tiếp cận với những mô hình giáo dục lớn trên thế giới. 

Thầy Vũ Đình Thuận, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Tuyên Quang nhận định các trường chuyên cần xây dựng kế hoạch giáo dục toàn diện định hướng phát triển năng lực học sinh. Ví dụ, nếu dạy theo sách giáo khoa Công nghệ lớp 10, các em sẽ chỉ được học về nông, lâm, ngư nghiệp. Theo khảo sát, học sinh không hứng thú với phần kiến thức đó. Nhà trường phải lên nội dung, tập trung vào phần kiến thức về những nghề nghiệp các em mong muốn nhất như kinh doanh, coi tiết học như một buổi định hướng nghề nghiệp. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu các trường THPT chuyên phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện. Các Sở Giáo dục cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Vụ trưởng Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn cũng đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu các trường chuyên thực sự là hình mẫu của trường THPT về cơ sở vật chất, đôi ngũ nhà giáo và tổ chức hoạt động giáo dục ở địa phương.

Thanh Tâm

VNExpress

trường chuyên, giáo dục toàn diện, đào tạo, năng khiếu


© 2021 FAP
  1,048,990       1/900