Giáo dục

Nữ sinh giỏi tiếng Nhật nhờ dịch truyện tranh

Để nâng cao vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Nhật, cô gái sinh năm 1995 thường xuyên dịch truyện tranh của Nhật Bản.

Nguyễn Kiều Anh, sinh viên năm cuối khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội, là một trong 80 sinh viên được nhận học bổng FUYO ngày 26/9 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

nu-sinh-gioi-tieng-nhat-nho-dich-truyen-tranh

Kiều Anh đại diện cho 80 sinh viên xuất sắc nhận học bổng FUYO phát biểu. Ảnh: Thanh Tâm.

Sinh ra trong gia đình có nhiều khó khăn ở Chương Mỹ (Hà Nội), Kiều Anh luôn đặt mục tiêu phải có việc làm tốt để đỡ đần bố mẹ. Khi đăng ký thi đại học, em chọn ngành tiếng Nhật bởi biết Việt Nam có quan hệ ngoại giao rất gần gũi với Nhật Bản, các công ty Nhật mở ra ở Việt Nam ngày càng nhiều. Học tiếng Nhật sẽ giúp em có nhiều cơ hội việc làm.

Học đến năm 2 đại học, gia đình Kiều Anh nhận được hung tin bố em mắc bệnh hiểm nghèo. Thấy bố đau ốm, mẹ suy sụp, em chỉ muốn ở nhà. Nhưng rồi chính bố lại là động lực khiến em hạ quyết tâm phải trở thành sinh viên giỏi khi ra trường để bố mẹ tự hào.

Kiều Anh chia sẻ “em chưa kịp làm bố tự hào thì bố đã ra đi mãi mãi”. Đầu năm 2016, sau gần hai năm chống chọi với bệnh tật, bố Kiều Anh qua đời. Đau đớn, em càng quyết tâm hơn gấp nhiều lần để bố ở nơi xa được yên lòng.

Khi mới bắt đầu môn học đầu tiên ở trường đại học, Kiều Anh thực sự choáng bởi vừa bước vào lớp, cô giáo đã chỉ dùng tiếng Nhật. Mặc dù thi đỗ vào ngành này, nhưng trước đó, em chưa từng học qua tiếng Nhật mà chỉ được tiếp xúc với tiếng Anh. Không hiểu cô nói gì, nhưng em lại thấy cô nói rất hay, thấy mình đã không chọn sai ngành.

Suốt 4 năm đại học, Kiều Anh luôn đề cao tinh thần tự học. Em nhận thức thầy cô đóng vai trò hướng dẫn và truyền cảm hứng, sinh viên phải tự nghiên cứu, tìm tòi để có thể mở rộng vấn đề, nâng cao kiến thức. Đặc biệt với những môn ngoại ngữ, nếu không tự học thì dù có đi học thêm ở trung tâm, sinh viên cũng sẽ không bao giờ có thể nâng cao kỹ năng cho bản thân.

Học tiếng Nhật khó bởi cấu trúc ngữ pháp khác hoàn toàn so với tiếng Việt hay tiếng Anh. Kiều Anh thường có thói quen dịch truyện tranh để nâng cao ngữ pháp và từ vựng. Việc dịch truyện tranh vừa đem lại cho em kiến thức, vừa giúp em bớt đi căng thẳng trong quá trình học tập. Ngoài ra, em cũng đi làm thêm ở các trung tâm dạy tiếng để kiếm thêm thu nhập. 

Bùi Minh Hằng, bạn học của Kiều Anh nhận xét: “Kiều Anh chăm chỉ và mạnh mẽ. Dù phải trải qua nhiều khó khăn nhưng bạn ấy luôn cố gắng vượt qua”.

nu-sinh-gioi-tieng-nhat-nho-dich-truyen-tranh-1

Kiều Anh có thói quen dịch truyện tranh Nhật để học từ vựng và ngữ pháp tiếng Nhật.

Luôn tự nhắc mình bằng câu nói trong cuốn sách “Trên đường băng” của Tony Buổi Sáng "Đất nước hóa rồng, hãy kiêu hãnh là một hồng cầu, đừng là khúc ruột thừa của con rồng ấy”, Kiều Anh quyết tâm phải trở thành “hồng cầu”, góp phần giúp đất nước hội nhập, phát triển.

Hiện Kiều Anh là sinh viên giỏi của Đại học Hà Nội, đã có chứng chỉ N2 từ kỳ thi năng lực tiếng Nhật và đang phấn đấu để đạt N1 (mức độ khó nhất của kỳ thi). Em đang tìm kiếm những học bổng du học Nhật Bản để sau khi ra trường có cơ hội học thạc sĩ ở đất nước này.

Nói về nghề nghiệp trong tương lai, Kiều Anh mong muốn được trở thành giảng viên tiếng Nhật. Em hy vọng, tiếng Nhật sẽ phổ biến hơn ở Việt Nam.

Học bổng FUYO lần thứ 19 được trao cho 80 sinh viên có thành tích học tập xuất sắc đến từ 27 trường đại học trên cả nước. Mỗi suất học bổng trị giá 300 đôla. Lễ trao học bổng năm nay diễn ra vào ngày 26/9, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng tập đoàn FUYO Nhật Bản tổ chức. 

VNExpress

nữ sinh, truyện tranh, Nhật Bản, học bổng FUYO


© 2021 FAP
  1,049,128       2/901