Giáo dục

Ý chí của cô bé nghèo có người mẹ bệnh tật

Ngoài giờ học, Kim Dung phụ mẹ vuốt từng cọng lá để đắp đổi những đồng lẻ. Em cũng tự hứa sẽ cố gắng học hành chăm chỉ để có một tương lai tươi sáng hơn.

Nắng chiều thả những mảng màu hiu hắt lên vầng trán nhỏ lấm tấm những giọt mồ hôi của Kim Dung - em học sinh lớp 8/2 trường THCS Phước Hiệp, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Dáng người em nhỏ bé, liêu xiêu lọt thỏm giữa cái trống trải của chiều muộn, miệt mài phụ mẹ vuốt từng cọng lá để đắp đổi những đồng lẻ. Những điều này khiến lòng tôi không khỏi xót xa. Một cô bé mới mười bốn mười lăm tuổi đầu thế kia mà cuộc đời đã vội để em phải ngày ngày vất vả, chật vật với gánh nặng cơm áo.

y-chi-cua-co-be-ngheo-co-nguoi-me-benh-tat

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những bữa cơm của Dung cùng anh trai và cha mẹ thường chỉ là nắm rau luộc với nước tương; hay mớ ốc mớ tép cha em bắt được mỗi lần làm thuê làm mướn ngoài đồng. Ấy vậy mà khi tôi hỏi về cuộc sống gia đình, em cười hiền khô, rồi bảo: "Ngày nào cũng vậy, cả nhà em ai cũng gắng dành thời gian ăn cơm cùng nhau. Em không ngại rau cháo tạm bợ qua ngày. Miễn sao cả nhà yêu thương nhau như vậy đã là món quà quá lớn mà cuộc sống dành cho em rồi".

Tổ ấm của gia đình Dung là căn nhà vách lá cũ theo thời gian có thể sẽ không thể tiếp tục chống chọi với gió mưa. Chị Nguyễn Thị Lành - mẹ em Dung - từ lâu đã không còn khả năng lao động. Mắt không nhìn thấy rõ và bệnh tật đeo mang khiến người phụ nữ này chừng như không còn đủ sức kháng cự trước những đổ xô của cuộc đời. Mọi gánh nặng tài chính đổ dồn lên đôi vai của anh Bé Bảy - cha em Dung.

Đồng lương ít ỏi anh kiếm về từ công việc làm thuê trong xóm không thể trang trải được hết những khoản thu chi trong gia đình. Những món nợ anh chị vay mượn để cho anh trai của Dung vào đại học càng làm cho nếp nhăn trên khuôn mặt nhọc nhằn, hốc hác của người đàn ông bước vào độ tứ tuần thêm dày đặc.

Thấu hiểu những vất vả của cha và cả những lo toan đau đáu trong lòng mẹ, Kim Dung ngay từ nhỏ đã có ý thức phụ giúp gia đình và quyết tâm cố gắng học hành để nhiều năm liền đạt học sinh khá giỏi. Khi được hỏi về ước mơ sau này, em hào hứng chia sẻ: "Biết được nhà mình khó khăn nên em không cho phép bản thân lười biếng. Mỗi ngày em điều tự nhủ phải cố gắng học tập để sau này vào đại học, trở thành cô giáo, vừa có thể giúp đỡ những đứa trẻ giống em, vừa có thêm thu nhập ổn định đỡ đần cha mẹ".

Liệu rằng vài năm tới đây, Dung có tiếp tục được đến trường?. Liệu rằng gia đình em có khá hơn và số nợ kia có được trả hết?. Và liệu rằng ước mơ em ấp ủ có thể trở thành hiện thực?. Đó vẫn luôn là những câu hỏi khó cho gia đình, bản thân Dung và cả cho chính tôi nếu không có sự giúp đỡ nào kịp đến với cô học trò nghèo nhưng đầy nghị lực này. Xin hãy góp một bàn tay để ánh sáng của yêu thương, tri thức và niềm tin vẫn còn có thể hiện hữu giữa cuộc đời thiếu may mắn của em!

Nguyễn Thị Ngọc

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,052,207       1/949