Giáo dục

Khát vọng vươn lên của cậu học trò thiếu vắng tình mẹ

Thiếu tình thương và sư chăm sóc của mẹ ngay từ nhỏ nhưng Gia Huy rất ý thức, luôn đạt thành tích tốt và được cô giáo khen ngoan.

khat-vong-vuon-len-cua-cau-hoc-tro-thieu-vang-tinh-me

Đối với bất kỳ đứa trẻ nào khi được sinh ra trong tình yêu trọn vẹn của cha mẹ là điều hạnh phúc không có gì sánh bằng. Ngày con cất tiếng khóc chào đời, cha mẹ đón con bằng niềm hân hoan trước một sinh linh bé nhỏ. Mái ấm gia đình từ đó trở nên hạnh phúc đủ đầy và trọn vẹn. Rồi khi con chập chững những bước đi đầu đời hay khi lần đầu tiên con mang cặp sách bước vào lớp học, ê a những vần chữ đều có cha mẹ bên cạnh dõi theo nâng đỡ, tạo thành nền tảng vững chắc cho tương lai con sau này. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà những đứa trẻ may mắn có được.

Và sẽ là nỗi bất hạnh với những đứa trẻ còn lại thiếu vắng cha mẹ bên đời. Tôi xin được chia sẻ hoàn cảnh của em Dương Gia Huy đang học lớp 2 tại trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM.

khat-vong-vuon-len-cua-cau-hoc-tro-thieu-vang-tinh-me-1

Ngày trước, ba mẹ của Gia Huy đến với nhau bằng tình yêu chớp nhoáng của tuổi trẻ, được sự giúp đỡ của bà con họ hàng, họ cũng có một cái đám cưới nhỏ chia vui với mọi người. Nhanh chóng sau đó, họ sinh ra Huy khi nghề nghiệp cả 2 vẫn còn bấp bênh, cuộc sống chưa thể nói là đầy đủ ổn định. Do đó, việc lo lắng chăm sóc cho một đứa bé sơ sinh là điều họ gần như không thể lường trước với biết bao khó khăn phải đối diện. Từ chi phí ăn uống, mua từng lon sữa, từng cái khăn cho con đều là gánh nặng.

Trước giờ, ba của Huy làm bốc vác với lương ba cọc ba đồng mà chi phí ăn uống thì rất tốn kém. Làm cái nghề bán sức lao động đó thì để bù đắp lại cơ thể phải cần rất nhiều năng lượng. Nhà nghèo, nhiều bữa không có cơm ăn, cả 2 đành phải nương nhờ bên nội. Cứ vậy bao mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng bắt đầu lớn dần. Mẹ của Huy không chịu được sức ép của thiếu thốn tiền bạc, nên khi em mới vừa hơn 4 tuổi, mẹ đã bỏ nhà đi, để lại Huy bơ vơ trong đôi bàn tay gần như bất lực của ba.

Huy còn quá nhỏ nhưng đã sống thiếu tình thương và chăm sóc của mẹ, nên em chỉ biết nương tựa vào ba. Tuy nhiên, ba của em nhiều phiền muộn cuộc sống nên thỉnh thoảng nhậu say khướt đến tối mịt mới về. Nhìn đứa trẻ còn quá nhỏ đã chịu hoàn cảnh đáng thương như vậy mà ai thấy cũng xót xa. Lúc Huy vào lớp 1 thì một tay bà nội đưa em đến lớp vì ba bận đi làm bốc vác. Cặp sách là do các anh chị họ cho lại. May sao có cô sáu thương tình đã cho Huy được một bộ quần áo mới mà em vẫn mặc đến bây giờ.

Điều đáng mừng Huy là cậu bé vui vẻ hồn nhiên. Em rất thích viết chữ và làm toán. Sau khi đi học về, em để tập sách rất gọn, có bài tập nào em đều lấy ra tự học. Năm học vừa rồi, em đạt thành tích tốt và được cô giáo khen ngoan. Điều khiến tôi xúc động nhất là khi có ai hỏi về mẹ, em vô tư cười nói “mẹ con bỏ ba con đi rồi”. Có lẽ, trong đôi mắt của đứa trẻ vẫn chưa hiểu được hết hoàn cảnh của mình, em vẫn chưa ý thức được những khó khăn phía trước.

Tương lai của Huy có được ăn học nên người? Hay những cơn say của ba Huy có in hằn sâu vào ký ức của em những điều không đẹp của tuổi thơ? Liệu rằng thêm vài năm nữa, khi bà nội đã quá 80 thì có đủ sức để chăm sóc Huy?

Hy vọng chương trình chia sẻ với Huy và gia đình để em có thêm sức mạnh tiếp tục đến trường mỗi ngày.

Trúc

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,066,469       1/900