Giáo dục

Cô gái người Dao giành học bổng thạc sĩ 47.000 Euro

Trước khi giành học bổng du học, Chảo Thị Yến (Bát Xát, Lào Cai) từng nghỉ học đi làm nương suốt 3 năm, thường xuyên bỏ buổi suốt học kỳ đại học vì nghe không hiểu tiếng Anh, trật học bổng của Nhật vì không đủ sức khỏe...

Tranh thủ trước ngày lên đường sang Đức du học, Chảo Thị Yến (26 tuổi) đưa bố mẹ và em trai từ Lào Cai xuống Hà Nội chơi. Nhà 4 chị em chỉ Yến vào đại học. Cô gái dân tộc Dao là người đầu tiên ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát giành học bổng SUFONAMA đi học thạc sĩ 2 năm bên Đức về quản lý tài nguyên rừng bền vững. Suất học bổng trị giá 47.000 Euro (gần 1,2 tỷ đồng).

Ngám Xá nằm sát biên giới Việt - Trung, cuộc sống của người Dao, Dáy nơi đây còn nhiều khốn khó. Con đường đi học của Yến vì thế gập ghềnh hơn. Học khá, thiếu nữ ước mơ sẽ thành cô giáo dạy chữ cho học sinh. "Làm giáo viên và bác sĩ hầu như là ước mơ của mọi đứa trẻ được đi học nơi đây vì chúng em cũng chỉ biết hai ngành đó", Yến chia sẻ.

Hết lớp 9, cô phải nghỉ học ở nhà đi làm nương vì nếp nghĩ "con gái học nhiều chỉ tốn của, lấy chồng thành con nhà người ta" ăn sâu vào tiềm thức người dân, kể cả bố mẹ Yến. Suốt 3 năm, Yến nhiều lần xin bố mẹ cho đi học trở lại, cùng với sự thuyết phục thường xuyên của thầy Bùi Chí Thanh (Hiệu trưởng THCS Nậm Chạc), cuối cùng bố mẹ em đồng ý. Yến thi đỗ vào trường THPT số 2 Bát Xát, hào hứng nhập trường để hiện thực ước mơ làm cô giáo.

co-gai-dao-vung-bien-tu-hoc-tieng-anh-gianh-hoc-bong-47000-euro

Cô gái đầu tiên của thôn Ngám Xá nhận học bổng 47.000 Euro. Ảnh: NVCC.

Trận lũ làm thay đổi cuộc đời

Tháng 8/2008, Lào Cai hứng chịu trận lũ lịch sử nhiều năm chưa từng thấy. "Lũ cuốn trôi hết trâu bò, ruộng nương, cả mấy mảnh ruộng nhà em ở ven suối. Nguồn sống của gia đình gần như mất sạch", Yến nghẹn ngào nhớ lại.

Cô học trò lớp 11 khi ấy nhiều đêm trăn trở, cuối cùng quyết định "thôi mình đừng chọn giống đa số nữa, học lâm nghiệp để còn nghĩ cách giữ rừng, hạn chế lũ". Yến chọn Đại học Lâm nghiệp, ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường để thi, đậu vào với số điểm vừa đủ.

Gần hết học kỳ 1 năm nhất, khi nghe thầy giáo giới thiệu chương trình học tiên tiến bằng tiếng Anh, Yến mạnh dạn đăng ký chuyển lớp. Suy nghĩ ban đầu của cô đơn giản lắm "Mình cứ học tiếng Anh cho giỏi, biết đâu ra trường dễ xin việc hơn". Thế nhưng, việc học chẳng dễ dàng gì. Giáo trình và trao đổi trên lớp đều bằng tiếng Anh khiến cô gái người Dao không hiểu lời giảng, run cầm cập khi lên bảng giới thiệu bằng tiếng Anh.

"Không hiểu, không nói được tiếng Anh khiến em thấy bế tắc. Học kỳ ấy em nghỉ suốt, đến lớp thì chọn chỗ cuối để ngồi, cúi gằm mặt xuống khi nghe mọi người trao đổi, cầm quyển vở tô vẽ cho hết buổi rồi đi về", cô nhớ lại.

Nghĩ đến bố mẹ ở quê vì lo cho con học lớp tiên tiến mà không đủ gạo ăn, em trai không được vào đại học, Yến lại tự trách mình rồi quyết tâm học. May mắn khi cô gặp được Kim - tình nguyện viên người Đức gốc Việt sang dạy tiếng Anh cho sinh viên trong trường. Vào các buổi chiều, Yến nhờ Kim giúp luyện phát âm. Vì run mà cô không thể bật ra được những từ đơn giản nhất. Kim đã dạy Yến rằng, quan trọng nhất khi học tiếng Anh là phải tự tin và chỉ cho cô cách phát âm, cách bật âm cuối, cách dùng từ trong từng ngữ cảnh...

Thường xuyên luyện tập, vốn từ ngữ tăng lên, biết cách đọc, nói, Yến dần phá bỏ mặc cảm. Lên lớp nghe hiểu lời thầy giảng nên cô hứng thú học hơn, không vắng buổi nào. Khi thầy hỏi Yến cũng mạnh dạn giơ tay, từ nào không biết thì nói tiếng Việt. Cô còn tham gia CLB tiếng Anh của trung tâm tin học ngoại ngữ, thường xuyên luyện nói cùng các thành viên.

co-gai-dao-vung-bien-tu-hoc-tieng-anh-gianh-hoc-bong-47000-euro-1

Yến cùng gia đình đi chơi Hà Nội trước khi lên đường du học Đức. Ảnh: Mai Anh.

Cô gái người Dao đã mất nguyên năm học thứ hai để tìm và rèn luyện cách học tiếng Anh, năm thứ ba bắt đầu nói được và cuối năm ba mới tự tin trò chuyện. Nhắc đến nỗ lực suốt thời gian dài học ngoại ngữ, có bạn cùng lớp vẫn trêu "Chảo Yến, hôm đầu tiên vào lớp tiếng Anh thầy giáo gọi lên giới thiệu đứng run bần bật, nhìn rất thương. Ai ngờ đến năm cuối lại giỏi như thế".

Từ đây, việc học cũng bắt đầu khởi sắc khi Yến giành được học bổng cho sinh viên. Lúc tốt nghiệp, điểm tổng kết chung của cô cao thứ ba toàn khóa. Tiền học bổng cùng với thu nhập khi đi làm thêm ở sân golf cũng đủ cho trang trải học hành, không phải xin tiền bố mẹ nữa.

Trượt học bổng Nhật, giành học bổng Đức

Cuối 2014 khi chuẩn bị tốt nghiệp, Yến dồn hết sức lực vào việc xin học bổng MEXT của chính phủ Nhật mà thầy Bùi Xuân Dũng, giảng viên trực tiếp hướng dẫn tốt nghiệp giới thiệu. Hồ sơ đã chuẩn bị xong hết nhưng cuối cùng Yến rớt vì không đủ sức khỏe. Cô cũng khá tiếc nuối khi vào năm thứ tư không xin được học bổng VEF của Mỹ vì thời gian gấp, không chuẩn bị đủ hồ sơ.

Ra trường, Yến trải qua các công việc như phiên dịch rồi về làm cho công ty du lịch ở Lào Cai. Ước mơ làm công việc liên quan đến nguồn tài nguyên rừng tạm gác lại khi hồ sơ chưa biết nộp vào đâu. Cuối năm 2015, một người bạn đang du học ở Đức giới thiệu cho Yến học bổng SUFONAMA (Sustainable Forest and Nature Management) do nhóm 5 đại học tốt nhất châu Âu về lâm nghiệp và quản lý tài nguyên cấp. Học bổng kéo dài 2 năm với mục đích giúp người tốt nghiệp đủ năng lực để xử lý thách thức lớn trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Yến vừa đi làm, vừa gửi hồ sơ xin học bổng. Trong bài luận, cô đã kể câu chuyện của mình, ký ức về trận lũ kinh hoàng, về ước mơ đi học để thay đổi cuộc đời và làm điều gì đó cho những đứa trẻ vùng cao nơi cô sống. Ngày 8/3/2016, Yến nhận được email thông báo trúng học bổng. Cô sẽ theo học thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững tại Đại học Gottingen (CHLB Đức).

co-gai-dao-vung-bien-tu-hoc-tieng-anh-gianh-hoc-bong-47000-euro-2

Hình ảnh đầu tiên của Chảo Thị Yến (đứng giữa) khi cô đặt chân đến nước Đức. Bên trái là Kim Wagner, người dạy tiếng Anh cho Yến hồi sinh viên, bên phải là người bạn đồng hành trong suốt chuyến bay. Ảnh: NVCC.

Những người truyền cảm hứng

Yến tin tưởng rằng những gì đạt được có sự giúp đỡ của rất nhiều người nên luôn cố gắng. Cô biết ơn thầy Bùi Chí Thanh ròng rã suốt 3 năm tới nhà thuyết phục bố mẹ cho đi học trở lại. Cô cũng không quên bà chủ nhà trọ tốt bụng cho đồ dùng khi mới xuống nhập học, nhớ người bạn cùng quê đi tìm rồi đưa cô về lúc lạc đường, cho vay tiền ăn mỗi khi cuối tháng. Yến luôn nhớ "cô giáo Kim" dạy tiếng Anh, cả người bạn cùng khóa tên Mai "bắn" tiếng Anh lưu loát đã khơi dậy niềm hứng khởi học ngoại ngữ cho cô.

GS Lee Macdonald (Đại học Colorado, Mỹ) và thầy Bùi Xuân Dũng, giảng viên Đại học Lâm nghiệp có ảnh hưởng rất lớn tới Chảo Thị Yến. Thầy Dũng giúp Yến làm quen với các suất học bổng du học. Khi còn học năm thứ hai, Yến cùng nhiều sinh viên nghèo từng được GS Lee trao học bổng 2 triệu đồng. Yến cho hay, dù giá trị có thể không lớn nhưng rất quý trọng ở cách cho. Sau khi trao, thầy sẽ xem sinh viên dùng số tiền học bổng ấy ra sao, còn thường xuyên gửi mail động viên các em cố gắng. Thầy đã viết thư giới thiệu cô tới trường cấp học bổng SUFONAMA.

Cô gái người Dao luôn mong muốn học xong sẽ trở về Lào Cai làm việc. Ngoài nghiên cứu về rừng, cô còn hy vọng tìm cách nào đó thành lập quỹ học bổng trao thêm cơ hội cho trẻ em nghèo ở quê được đi học. "Em chỉ lo khi về nước không có công việc phù hợp thì đến bản thân không nuôi nổi chứ đừng nói đến học bổng cho các em. Thôi thì chặng đường còn dài, em cứ vừa học vừa tính tiếp", Yến cười nói.

Tiễn con gái đi học nước ngoài, ông Chảo Kim Sơn vừa tự hào lại vừa lo lắng. Ông kể, lúc thầy giáo động viên, con gái khóc đòi đi học lại, ông nghĩ nhiều lắm mới chịu gật đầu. Yến đi học rồi, xóm làng vẫn "chọc quê" ông là chỉ tốn tiền, nó lấy chồng rồi không nuôi cha mẹ nữa. Sau này, ông đi làm thuê, nhiều lúc vay nóng chỗ này đắp chỗ kia nuôi con gái vào đại học. "Giờ mình mới thấy quyết cho nó đi học là đúng rồi", ông nói.

Hoàng Phương

VNExpress

cô gái người Dao, học bổng, Chảo Thị Yến, Lào Cai, học bổng SUFONAMA, Đại học Lâm nghiệp, quản lý rừng bền vững.


© 2021 FAP
  1,069,820       1/983