Giáo dục

Tìm ý tưởng công nghệ theo cách của Google

Cần hiểu rõ khách hàng để chọn hướng phát triển phù hợp, tìm sáng kiến mới qua những cuộc họp nhóm, thử nghiệm để đưa ra sản phẩm tốt nhất.

Theo bà Veronique Lafargue - Giám đốc chiến lược nội dung toàn cầu giải pháp Google Apps for Work, khả năng tạo ra ý tưởng là món quà lớn nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Điều này giúp thế giới luôn tiến triển, nếu không có ý tưởng sẽ không có sự tiến bộ và nhân loại không thể hiện hữu.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, mỗi doanh nghiệp đều cần những ý tưởng mới, từ việc cải tiến sản phẩm, thay đổi cách làm việc theo nhóm hiệu quả hay thúc đẩy nhân viên giao tiếp với khách hàng hiệu quả hơn.

"Động não (brainstorming) là phương thức sử dụng rộng rãi nhất để phát triển các ý tưởng. Nhưng quá trình này cũng cần có sự cải tiến thường xuyên để đạt hiệu quả cao nhất", bà Veronique Lafargue chia sẻ. 

tim-y-tuong-cong-nghe-theo-cach-cua-google

Dưới đây là 3 nguyên tắc cơ bản mà Veronique Lafargue thường xuyên áp dụng trong những buổi họp brainstorming tại Google, giúp đạt được tính hiệu quả trong việc đưa ra những sáng tạo đổi mới về sản phẩm và kinh doanh.

Tìm hiểu khách hàng

Sai lầm đầu tiên trong một phiên họp brainstorming là không biết tạo ra ý tưởng cho ai. Tuy nhiên, thấu hiểu nhu cầu khách hàng vẫn chưa đủ, bạn cần phải xây dựng mối quan hệ với họ. Có thể đến thăm người dùng, nghe họ chia sẻ những câu chuyện, quan điểm và suy nghĩ. Từ đó bạn có được những manh mối, dữ liệu cần thiết để đưa ra ý tưởng phù hợp. 

"Tôi hay dùng cách này trong giai đoạn khám phá khách hàng và đánh giá ý tưởng mới. Thông thường, tôi liên hệ với họ qua email hoặc bản tin, đôi khi cũng sử dụng nhóm Facebook cho những doanh nghiệp mới", bà Veronique Lafargue chia sẻ.

Áp dụng khái niệm 10x

Bà Lafargue cho biết khái niệm 10x có nghĩa là tự nỗ lực tăng mức động não lên gấp 10 lần. Để làm được điều này cần khuyến khích các ý tưởng táo bạo, không nên sợ hãi những suy nghĩ lớn. Cả nhóm đưa ra tất cả các ý tưởng mình có và cùng nhau thảo luận, giúp ai cũng có cơ hội thể hiện suy nghĩ của mình, không sợ bỏ sót bất kỳ nội dung độc đáo nào.

"Tiếp đến là phần phản biện với việc nhận xét và đưa ra đóng góp cải tiến, ví dụ như hỏi có cách nào để làm ý tưởng này có thể tốt hơn hay không, tạo động cơ đưa ra những ý tưởng khác. Hoặc trưởng nhóm cũng có thể yêu cầu các thành viên hợp nhất hai hay nhiều ý tưởng nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng", bà Lafargue nói.

tim-y-tuong-cong-nghe-theo-cach-cua-google-1

Tạo mẫu thử nghiệm

Ngay sau khi lựa chọn ý tưởng tốt nhất cần tạo ra một mẫu thử nghiệm nhằm kiểm tra khả năng hiện thực hóa và tính hữu dụng. Từ đó đưa ra đánh giá liệu ý tưởng có tác dụng thực tế hay không để bán cho khách hàng hay đưa vào hoạt động trong công ty. Các phân tích sẽ chỉ ra sai sót của kế hoạch và khả năng cải thiện. Quá trình này cũng có thể châm ngòi cho các thảo luận mới, đề nghị các chi tiết bổ sung.

Bà Lafargue nhấn mạnh nên tạo một sản phẩm khả thi tối thiểu (Minimum Viable Product - MVP) để phác họa cụ thể cho khách hàng hiểu được mục tiêu của ý tưởng, cách thức vận hành, chức năng... Cách này giúp tạo mẫu thử nghiệm dễ dàng và nhanh chóng, không làm mất quá nhiều thời gian để phát triển. Sử dụng đa kênh để liên lạc và nhận ý kiến phản hồi từ khách hàng về sản phẩm.

Minh Trí

Giới trẻ Việt Nam yêu thích công nghệ có thể tham khảo chương trình đại học trực tuyến của FUNiX. Hệ thống kiến thức được truyền đạt bởi các chuyên gia - nhà tuyển dụng hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đảm bảo được trang bị kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ cần thiết cho sự nghiệp.

VNExpress

tư duy, Google, Google Apps for Work, Veronique Lafargue, 10x, khái niệm 10x


© 2021 FAP
  1,070,046       1/984