Du lịch

Du lịch TP.HCM: Bật lên từ nét căn bản

TTO - Là người con của TP.HCM đã 27 năm, tôi mơ ước nơi đây trở thành đất lành không chỉ cho những người đã chọn làm quê hương, mà còn là điểm dừng chân của du khách thập phương bằng sự bình yên, thân thiện và giàu nét văn hóa.

Du lịch TP.HCM: Bật lên từ nét căn bản - Ảnh 1.

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn tiếp nhận sáng kiến phát triển du lịch TP.HCM

Trong khuôn khổ nội dung này, tôi chỉ nêu những nét chính - rất mong lãnh đạo ngành du lịch thành phố lưu tâm.

1. Biểu tượng TP.HCM

Hội trường Thống Nhất, UBND thành phố, Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà... là những công trình đậm nét văn hóa - lịch sử của TP.HCM. Ngoài ra, tòa nhà Bitexco là công trình hiện đại được nhiều người biết đến như cùng nhiều điểm vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, TP.HCM là thành phố mang tên vị lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc, do vậy, trong chương trình du lịch thành phố, Bến Cảng Nhà Rồng nên được giới thiệu nhiều hơn, sâu hơn, trở thành địa chỉ du lịch khó quên cho du khách.

Ngoài ra, những tòa nhà chọc trời khô cứng nên được phát triển chậm lại, nhường chỗ cho những công trình giới thiệu văn hóa – lịch sử, là nét đẹp riêng thành phố mới, để có thể níu chân du khách lâu hơn nữa.

2. Sự an toàn và bình yên

Một thành phố không thể là nơi đón du khách nếu nơi đó đầy rẫy tội phạm, khi du khách ra đường nơm nớp lo sợ trộm cướp. Điều này ảnh hưởng lớn đến nỗ lực xây dựng TP.HCM thành một điểm đến an toàn, thân thiện.

Những vụ chặt chém, xô xát giữa du khách và dân địa phương thời gian qua chính là dấu hiệu báo động cho việc người dân ngày càng xem khách du lịch như một con mồi béo bở để lấy đắt, chặt chém vô tội vạ. Tấm lòng bao dung của người Sài Gòn ở đâu khi chúng ta không tôn trọng du khách? Liệu nền du lịch TP.HCM có phát triển được nếu mỗi bước chân của du lịch đều hằn lên mùi bạo lực?

Du lịch TP.HCM: Bật lên từ nét căn bản - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài vui vẻ trò chuyện tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

3. Giá trị thiên nhiên

Mảng xanh thành phố đang rất thiếu và yếu:

- Quỹ đất đai thành phố dù còn rộng bạt ngàn (nhất là phía Quận 9), nhưng rất ít công viên cây xanh hay khu rừng nhân tạo.

- Công viên Gia Định diện tích ngày càng thu hẹp để nhường đất cho các dự án xây dựng.

- Hồ Con Rùa chỉ là một đài phun nước nhỏ xíu.

- Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ cũng bị xẻ năm xẻ bảy để làm đường.

- Hệ thống sông rạch chằng chịt ở TP.HCM đã thất bại trong việc cải thiện giao thông thành phố (giao thông thủy) do sự ách tắc, hôi hám, nhếch nhác. Còn đâu là mảng xanh và là nét đẹp đặc trưng của một vùng đất. Có thể nói, đi dạo qua 10 con kênh, hết 9 con kênh là ngập ngụa trong rác và nước thải.

Thành phố phải nhanh chóng cấm toàn bộ hành vi xả thải chưa xử lý ra sông rạch, di dời các khu dân cư tạm bợ còn bám trụ các bờ kênh.

Du lịch phải dựa vào mảng xanh, khi một cơ thể chỉ thải ra khói bụi đêm ngày, mà lá phổi xanh không mở rộng theo, nhất quyết không thể đáp ứng được chức năng du lịch.

4. Vẻ đẹp con người đất Sài Thành

Có lẽ không du khách nào muốn đến một vùng đất tràn đầy sự giả tạo. Sự chào đón mang tính khiên cưỡng, cố gắng "diễn" nhưng đằng sau là sự chực chờ "xẻ thịt" du khách xem ra sẽ không là sinh kế lâu dài để nuôi nấng ngành du lịch thành phố.

Nét đẹp ở một thành phố là người người nhà nhà sống quy củ, nếp sống văn minh mọi nơi, mọi lúc. Tính tương thân tương ái sẽ là thỏi nam châm thu hút du lịch hơn cả.

5. Một vài gợi ý khác

Nên có nhiều clip viral quảng cáo du lịch thành phố độc đáo qua các kênh truyền thông mạng, hiệu quả mà chi phí lại không cao. Điều này cần học Thái Lan hay Hàn Quốc. Đội ngũ nghiên cứu du lịch của họ làm ra những thước phim quảng cáo tuyệt vời, rất hài hước, vượt qua những cách thức thông thường nhàm chán. Hiệu ứng của những clip viral như thế là rất mạnh và rất hiệu quả.

Có nhiều ý kiến nói rằng, khách du lịch đến TP.HCM phần nhiều quan tâm đến ẩm thực và mua sắm. Tôi nghĩ, chúng ta nên đáp ứng được nhu cầu này của du khách và có cái để giữ chân họ lại. Đó cũng là đòn bẩy của du lịch. Khách hàng sẽ thấy vui và thích thú khi được thưởng thức ẩm thực Việt, mua sản phẩm Việt.

Sự cầu thị từ chính chúng ta sẽ giúp cho lĩnh vực du lịch của TP.HCM ngày càng hoàn thiện và nâng chất trên mọi lĩnh vực. Ngoài ra, triển khai việc du khách đóng góp ý kiến cho ngành du lịch thông qua những thùng thư góp ý, một địa chỉ email ghi trong tờ rơi…

Hãy tạo điều kiện cho một chàng rể Tây hay một cô dâu Châu Âu nào đó muốn ngỏ ý làm dâu rể Sài Gòn! Họ chính là những đại sứ tuyệt vời quảng bá cho nét đẹp, vòng tay rộng mở của chúng ta.

Tôi tin rằng, việc phát triển tiềm năng du lịch TP.HCM không gì tốt hơn là chúng ta làm tốt chính những việc hết sức cơ bản: Giữ cho TP.HCM nơi quê hương chúng ta chọn là nhà: sạch sẽ trong lành, an toàn, thân thiện và giàu nét văn hóa Việt Nam.

Từ ngày 19-3 đến 1-4, Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn trực tuyến trên chuyên trang Du lịch nhằm tiếp nhận các sáng kiến, góp ý, kiến nghị phát triển ngành du lịch TP.HCM trong mối quan hệ kết nối du lịch vùng.

Mọi sáng kiến xin vui lòng gửi về một trong hai địa chỉ sau:

- Email: diendandulich@tuoitre.com.vn

- Chị Bông Mai - Phòng TT-SK, Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,024,280       47/1,212