Du lịch

Du khách Trung Quốc tăng, lợi nhuận vẫn 'bèo'

TTO - Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết dù lượng du khách Trung Quốc đến địa phương này tăng mạnh, nhưng lợi nhuận chủ yếu vẫn nằm ở các công ty du lịch Trung Quốc.

Một đoàn khách Trung Quốc xuống tàu tại cảng Nha Trang (Khánh Hòa) tham quan các đảo trong vịnh Nha Trang -  Ảnh: Tr.Tân
Một đoàn khách Trung Quốc xuống tàu tại cảng Nha Trang (Khánh Hòa) tham quan các đảo trong vịnh Nha Trang - Ảnh: Tr.Tân

Chúng tôi theo một đoàn khách Trung Quốc vào một điểm bán hàng “khép kín” tại TP Nha Trang, mặt hàng là gối, nệm cao su.

Tại đây, hàng trăm người đang nêm kín cửa hàng rộng hàng trăm mét vuông để chọn lựa các mặt hàng. Khách các đoàn phải đeo thẻ xanh, vàng khác nhau và có số thứ tự để kiểm soát, phân biệt.

Khách lẻ, người Việt bị hạn chế vào khu vực buôn bán này.

Hàng Trung Quốc bán về... Trung Quốc

Bên trong cửa hàng treo la liệt tấm ảnh chụp cánh rừng cao su thiên nhiên Việt Nam đang nhả mủ. Hàng chục chiếc giường trải nệm có gối “cao su” cùng nhiều kệ hàng để khách nghỉ ngơi, tham quan, chọn mua.

Khách Trung Quốc mua hàng nườm nượp và thanh toán bằng thẻ hoặc chuyển khoản cho công ty, không có khách hàng nào sử dụng tiền Việt thanh toán trực tiếp.

Kiểm tra các lô hàng, chúng tôi thấy công ty này ghi có trụ sở ở Hà Nội và những nệm, gối cao su này có xuất xứ... Trung Quốc.

Người tự xưng là quản lý tại đây nói với chúng tôi công ty này đăng ký kinh doanh, có giấy phép nhập khẩu và có nộp thuế đầy đủ. Còn tại sao các hình ảnh quảng cáo cao su Việt Nam nhưng bán hàng xuất xứ Trung Quốc, theo vị này, “công nghệ sản xuất của họ tốt hơn” nên nhập về bán.

“Mua và bán với giá bao nhiêu... là quyền của DN, không cần khai báo với ai cả” - vị này khẳng định.

Nhiều điểm buôn bán tương tự tại TP Nha Trang cùng chung phương thức “mua bán” khép kín như vậy.

Đại diện một công ty lữ hành khác cũng cho biết đến thời điểm này, các khách sạn từ 2 sao trở lên tại TP Nha Trang đã kín phòng. Nhiều khách sạn đã ký nhận hơn công suất thực tế của mình. Tuy vậy khi khai báo với Nhà nước, các khách sạn chỉ nói đạt khoảng 60% công suất.

“Các khách sạn cộng dồn tổng lượng khách rồi chia đều ra tổng lượng phòng. Vì vậy trên báo cáo nộp với cơ quan chức năng bao giờ cũng không đủ công suất” - người này phân tích.

Theo vị này, các công ty lữ hành Trung Quốc sẽ tự lên tour, đặt khách sạn tại Việt Nam rồi đưa khách qua. Các khách sạn sẽ bán sỉ với giá cực thấp, các công ty bên Trung Quốc tự nâng giá để hưởng lợi nhuận chênh lệch. Nhiều trường hợp các khách sạn chỉ 2 sao nhưng thông đồng với công ty “đối tác” Trung Quốc nâng lên 3-4 sao để chia lợi nhuận.

“Cả công ty Trung Quốc và khách sạn đều có lợi, chỉ có khách du lịch, DN lữ hành và dịch vụ trong nước không thu được gì nhiều từ lượng khách khổng lồ này” - người này nói.

Ngoài việc tự mua phòng, các công ty lữ hành Trung Quốc còn ký hợp đồng với khách sạn, “lên tour” các dịch vụ ăn uống, mua sắm khép kín với các “đối tác” tại Nha Trang rồi dẫn khách qua. Do vậy, lợi nhuận chủ yếu chảy vào các “đối tác” đứng tên tại các điểm mua sắm, ăn uống.

“Thất thoát về thuế của Nhà nước rất lớn và việc thu lợi từ các dịch vụ tham quan, bán hàng địa phương lại rất nhỏ” - vị này khẳng định.

Doanh nghiệp Việt phải được điều hành tour

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hân - giám đốc Công ty CP Việt ASIAN Nha Trang - cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quản lý của Nhà nước về du lịch, thuế chưa chặt, trong khi nhiều DN “từ bỏ quy tắc kinh doanh” để bắt tay với các DN Trung Quốc nhằm kiếm lợi nhuận.

Cũng theo ông Hân, đang có một “ông trùm” người Trung Quốc chuyên làm đầu nậu phòng khách sạn tại Nha Trang mà người làm du lịch nào cũng biết. “Ông trùm” này thường bỏ tiền mua tất cả các phòng còn trống lúc thấp điểm, sau đó bán lẻ vào thời kỳ cao điểm, kiếm chênh lệch rất lớn nhưng cơ quan quản lý chưa sờ tới được.

Theo ông Hân, muốn làm du lịch tốt, thu lợi nhuận từ khách du lịch Trung Quốc cần học tập cách của Thái Lan.

Trước đây Thái Lan cũng bị các đầu nậu, công ty lữ hành Trung Quốc sử dụng mánh khóe để “điều hành” ngành du lịch. Gần đây, Thái Lan yêu cầu các công ty Trung Quốc giao đoàn khách lại cho các công ty lữ hành trong nước lên tour, điều hành để kiểm soát số lượng khách, chất lượng dịch vụ.

“Các cửa hàng bán hàng kém chất lượng, bán không đúng giá, do người Trung Quốc mượn tên kinh doanh... đều bị dẹp bỏ” - ông Hân thông tin.

Giám đốc một công ty du lịch đề nghị phải đầu tư thêm các dịch vụ vui chơi giải trí xung quanh các điểm tham quan du lịch quen thuộc để thu hút khách. Chẳng hạn, dịch vụ đi bộ dưới đáy biển, ngắm san hô tại đảo Khỉ (do Công ty Long Phú quản lý tại đầm Nha Phu, Ninh Hòa, Khánh Hòa) rất thu hút khách.

“Phải tạo ra các dịch vụ mới, lạ để khách du lịch sẵn sàng bỏ tiền ra để thụ hưởng. Họ tham gia tour đi bộ dưới đáy biển thì lượng khách đến tham quan tại đảo Khỉ đông hơn, các dịch vụ ăn uống cùng tăng theo” - vị này nói.

Ông Trần Việt Trung - giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - nhìn nhận việc tăng nhanh lượng khách du lịch quốc tế, đặc biệt du khách đến từ Trung Quốc, từ năm 2016 trở lại đây đã khiến Khánh Hòa gặp nhiều lúng túng.

Mới đây, sở đã ban hành quy chế quản lý hoạt động lữ hành đón các đoàn khách quốc tế đến sân bay Cam Ranh bằng charter (chuyến bay thuê chuyến).

Theo ông Trung, việc ra quy chế nhằm quản lý chặt chẽ hơn các công ty lữ hành quốc tế trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ, ngăn chặn việc tăng giá sai quy định.

Ngoài ra, các DN lữ hành phải báo cáo về lực lượng hướng dẫn viên quốc tế, đặc biệt những hướng dẫn viên nói tiếng Trung Quốc.

Tới đây, đơn vị cũng sẽ phối hợp với Cục Thuế, Sở Công thương... ký quy chế quản lý chung các điểm bán hàng cho người Trung Quốc nhằm quản lý chất lượng, giá cả, thuế.

Theo kết quả giám sát về du lịch của HĐND tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2010 đến giữa năm 2016 tổng lượng khách du lịch đến Khánh Hòa là 18 triệu lượt, trong đó có đến 4,2 triệu khách quốc tế.

Còn theo dự báo của Sở Du lịch Khánh Hòa, đến năm 2020 khách du lịch đến địa phương này sẽ đạt khoảng 10 triệu lượt/năm, trong đó khách quốc tế là 4 triệu/năm, phần lớn là khách Trung Quốc, Nga.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, năm 2016 có khoảng 600.000 lượt khách du lịch Trung Quốc đến địa phương này du lịch.

Không phân biệt đối xử

Ông Trần Chí Cường, phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết lượng du khách nước ngoài đến Đà Nẵng đông nhất vẫn là Hàn Quốc, chiếm khoảng 24% và Trung Quốc với 22%.

Theo ông Cường, mọi du khách đến Đà Nẵng đều được đối xử bình đẳng nên không có quy chế riêng cho du khách đến từ quốc gia nào.

“Chúng tôi chỉ có kế hoạch quản lý riêng cho nhóm du khách quốc tế để họ được tiếp cận văn hóa, lịch sử Việt Nam một cách chính xác và hợp lý.

Đặc biệt là trong hoạt động hướng dẫn du khách, 100% đơn vị lữ hành trên địa bàn đều phải có hướng dẫn viên người Việt trực tiếp lo việc hướng dẫn và giới thiệu cho khách nước ngoài đến Đà Nẵng, còn hướng dẫn viên nước ngoài chỉ có vai trò như trưởng đoàn. Đây là quy định nhằm tránh tình trạng để khách “đói” thông tin hoặc được cung cấp thông tin sai lệch.

Du khách đến từ nước nào cũng như nhau, có người này người kia. Có người hành xử lịch thiệp, có người hành động chưa đúng. Vấn đề cốt lõi trong quản lý du khách là phải “siết” được các đơn vị lữ hành, yêu cầu thực hiện đúng lịch trình tour tuyến” - ông Cường nói.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong năm 2016 TP này đón 443.000 lượt khách Trung Quốc (tăng 32,3%) và 451.000 lượt khách Hàn Quốc (tăng 107,6% so với cùng kỳ năm 2015).

Hiện nay Đà Nẵng có 2 đường bay thường kỳ từ Hàn Quốc của 6 hãng hàng không quốc tế (tần suất 53 chuyến/tuần) và 25 đường bay từ Trung Quốc (81 chuyến/tuần).

TRƯỜNG TRUNG

Đừng quản lý theo “bắt cóc bỏ đĩa”

Một chuyên gia du lịch cho biết sau khi Quảng Ninh mạnh tay xử lý những tour du lịch giá bèo, các DN lữ hành chuyển sang những địa phương khác để tổ chức các tour loại này.

Theo vị này, các tour du lịch giá bèo thời gian qua đã làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý hoạt động lữ hành để các công ty lữ hành Trung Quốc lũng đoạn thị trường, các cửa hàng “máy chém” đua nhau mọc lên thu lợi nuôi cả hệ thống tour giá bèo...

Tuy vậy, công tác quản lý bất cập một phần đến từ những văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước chưa theo kịp thực tiễn phát triển. Chẳng hạn, Luật du lịch không quy định phải cung cấp tour trọn gói.

Do đó khi đưa khách sang các địa phương khác, DN lữ hành chỉ khai báo cung cấp từng phần dịch vụ như khách sạn, vận tải... nên công tác quản lý khó khăn, có thể gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Ngoài ra, các DN ngoại tỉnh tham gia đón khách nhưng không đặt chi nhánh, khai thuế tại địa phương có điểm du lịch, dẫn đến khó quản lý việc kê khai lượng khách, doanh thu.

Ví dụ, Quảng Ninh có hơn 40 công ty lữ hành đón khách đường bộ Trung Quốc, trong đó hơn một nửa có trụ sở ngoài tỉnh. Một vài DN trong số này không thực hiện các quy định của địa phương, phá vỡ cuộc chơi chung, khi bị “sờ gáy” thì đổi tên để hoạt động tiếp.

“Quảng Ninh nỗ lực để làm sạch môi trường du lịch, tuy nhiên một cây “làm chẳng nên non” nếu như không có giải pháp đồng bộ mang tầm quốc gia và sự thay đổi thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún trong ngành dịch vụ du lịch đang ngày càng phát triển” - vị này nói.

ĐỨC HIẾU

TRUNG TÂN
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,406,326       26/898