Du lịch

Du lịch méo mặt khi giá vé máy bay tăng

TTO - Việc các hãng hàng không vừa đồng loạt công bố điều chỉnh giá vé và phí khiến các công ty du lịch méo mặt trước nguy cơ thua lỗ do đã chốt giá tour trước đó.

*** Error ***
Các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé hoặc phí dịch vụ làm khó khăn cho người đi máy bay - Ảnh: Châu Anh

Ngành du lịch VN cũng lo lắng sẽ bị ảnh hưởng mạnh vì sắp vào mùa cao điểm.

Trong khi đó, các hãng hàng không trấn an rằng giá vé máy bay chỉ tăng dưới mức 6%, nhưng sẽ thay đổi khác nhau tùy thời điểm và giờ bay nhằm đảm bảo “giá ở mức chấp nhận được cho hành khách”.

Giá vé máy bay tăng theo giá xăng?

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng đồng loạt điều chỉnh tăng phí và giá vé máy bay, giám đốc kinh doanh một hãng hàng không trong nước cho rằng ngành hàng không nội địa chỉ có lãi mùa tết và hè, còn lại 8-9 tháng bay cầm chừng và thỉnh thoảng lỗ.

Trong khi đó giá xăng máy bay, chi phí thuê - mua máy bay mỗi năm đều tăng... kéo theo chi phí đầu vào tăng. Theo vị này, trong năm 2017 các hãng hàng không xây dựng kịch bản kinh doanh với giá xăng khoảng 60 USD/thùng, nhưng hiện dao động 63-65 USD/thùng khiến kế hoạch kinh doanh của các hãng bị đảo lộn bởi chi phí xăng chiếm 30-60% tổng chi phí hoạt động của các hãng.

“Một số hãng hàng không nội địa vẫn chưa công bố kế hoạch của năm 2017, vì không biết xây dựng theo kịch bản nào do giá xăng liên tục biến động” - lãnh đạo một hãng hàng không nói.

Một số hãng hàng không giá rẻ cũng cho rằng tải cung ứng (số ghế cung ứng ra thị trường) ngày càng tăng, trong khi lượng khách không tăng khiến giá vé máy bay bán ra giảm nhiều so với giá vốn.

Chẳng hạn, chi phí hòa vốn của chặng bay TP.HCM - Hà Nội hiện vào khoảng 1,4 triệu đồng/chặng, nhưng giá bán hiện nay khoảng 800.000-900.000 đồng/chặng. Với VNA, chi phí này là 1,7 triệu đồng nhưng giá bán trung bình chỉ hơn 1,1 triệu đồng/chặng.

Lãnh đạo một hãng hàng không cũng cho rằng chi phí đầu vào còn phụ thuộc phí điều hành hệ thống đặt giữ chỗ mà các hãng hàng không đều phải thuê từ bên thứ ba, trong khi mức giá thuê hệ thống thường tăng 3-5% theo từng năm.

“Các hãng hàng không trên thế giới đều phải dùng hệ thống đặt và giữ chỗ của 3-5 công ty chuyên làm công việc này, nên việc họ tăng mức giá ngoài tầm kiểm soát của các hãng hàng không” - ông này giải thích.

Hơn nữa, các hãng hàng không đều phải trả chi phí cho đối tác nước ngoài bằng ngoại tệ nên việc cắt giảm chi phí cũng không đơn giản, nhất là với biến động tỉ giá hiện nay.

Người đi máy bay phải trả tiền nhiều hơn - Ảnh tư liệu TT

Các công ty du lịch đau đầu

Việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé hoặc phí dịch vụ khiến các công ty du lịch đứng ngồi không yên, bởi giá tour chắc chắn bị đội lên trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Long, tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt 
(TP.HCM), cho biết các công ty du lịch hiện đang rất đau đầu sau khi các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé máy bay.

Theo ông Long, chi phí vận chuyển bằng đường hàng không chiếm 35-45% giá tour, nên việc tăng giá vé máy bay của các hãng hàng không đẩy nhiều doanh nghiệp du lịch vào thế khó, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đã chốt giá tour với khách. “Chắc chắn du lịch trong nước bị ảnh hưởng nặng do chi phí tour tăng lên” - ông Long nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho rằng điều bức xúc của các công ty du lịch hiện nay là chương trình kích cầu của các hãng hàng không đối với ngành du lịch nội địa chưa đi vào thực chất, không hỗ trợ gì cho ngành du lịch.

Bởi theo quy định của các hãng hàng không, muốn được mua vé máy bay với giá kích cầu thì các công ty du lịch phải đăng ký trước theo quý và theo giờ bay của hãng hàng không, thường là giờ bay không thuận lợi, trong khi tour du lịch phụ thuộc vào đăng ký của du khách.

“Hãng hàng không cũng cho phép công ty du lịch chốt lại vé và nộp cọc trước một tháng, nhưng mua vé này cũng như đánh bạc vì các công ty du lịch chưa có khách đăng ký tour với thời gian bay theo hãng quy định” - ông Dũng nói.

Trong thực tế, theo ông Dũng, các hãng hàng không cũng tung ra bán vé máy bay giá rẻ đại trà, thường rẻ hơn giá kích cầu du lịch, nhưng các công ty có chen chân đăng ký cũng chỉ mua được 5-10 vé giá rẻ mỗi chuyến, trong khi mỗi đoàn khách cũng vài chục người.

Do đó có trường hợp cùng một tour nhưng giá vé máy bay của mỗi khách lại khác nhau, gây khó cho công ty du lịch.

Để hỗ trợ ngành du lịch nội địa, theo ông Dũng, các hãng hàng không nên áp dụng chính sách kích cầu như từng triển khai trong giai đoạn 2008-2012, trong đó giá vé máy bay giảm một tỉ lệ nhất định cho khách đoàn của các công ty du lịch mà không cần phải đăng ký theo quý hay giờ bay cố định do các hãng đưa ra.

“Với chính sách hỗ trợ này, giá tour nội địa sẽ mềm hơn, khuyến khích nhiều người dân đi du lịch trong nước thay vì chọn tour nước ngoài như hiện nay” - ông Dũng nói.

Giám đốc một công ty du lịch cũng cho rằng có thể mức tăng phí hoặc giá vé máy bay không lớn, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, nhưng “mỗi khâu tăng một tí khiến chi phí tour đội lên rất nhiều”, khiến du lịch nội địa ngày càng vắng khách, nhất là các tour bằng đường hàng không.

Cước vận tải 
hàng hóa 
chưa cạnh tranh

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tỉ lệ tăng trưởng vận chuyển hàng không VN phát triển nhanh nhất thế giới, riêng tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không VN cao nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á (chỉ sau Trung Quốc).

Năm 2016, các hãng hàng không VN và quốc tế đã vận chuyển 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng 14% so với năm 2015. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển hàng hóa của ngành hàng không VN vẫn còn cao so với các quốc gia trong khu vực.

Chẳng hạn, cước phí vận chuyển hàng từ VN sang Ấn Độ cao hơn 20% so với cước phí vận chuyển từ Singapore, Thái Lan sang Ấn Độ.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo IATA, do VN chưa có nhiều hãng hàng không khai thác đa dạng các đường bay, trong khi các nước trong khu vực có nhiều hãng hàng không khai thác, dung lượng vận chuyển nhiều, giá cạnh tranh.

Đặc biệt, ngành hàng không VN cũng chưa khai thác máy bay chuyên dụng dùng vận tải hàng hóa (freighter), mà chủ yếu tận dụng khoang trống dưới bụng của máy bay chở khách. Một số loại máy bay chở khách được các hãng hàng không trong nước sử dụng hiện có thân nhỏ, chỉ có thể chở khoảng 2 tấn hàng hóa/chuyến, trong khi một freighter chuyên dụng như Boeing 747-400F có thể chở đến 110 tấn. Lê Nam

Chỉ mới đạt 80% mức giá trần?

Vietnam Airlines (VNA) vừa thông báo từ ngày 1-4, giá vé hạng thương gia trên các đường bay trong nước sẽ tăng 100.000 - 500.000 đồng/chặng, vé hạng phổ thông tăng 40.000 - 300.000 đồng/chặng tùy từng chặng bay cụ thể.

Trước đó từ ngày 23-3, VietJet đã tăng phí dịch vụ hệ thống từ 100.000 lên 140.000 đồng/chặng bay nội địa và từ 120.000 lên 160.000 đồng/chặng bay quốc tế. Hãng này cũng tăng giá các dịch vụ, như chọn chỗ ngồi tăng từ 80.000 lên 90.000 đồng, cước gửi hành lý với chặng bay trong nước tăng 10.000-20.000 đồng/chặng, phụ thu đổi chuyến bay với trường hợp bị trễ chuyến với chuyến bay quốc tế từ mức 735.000 đồng lên 1 triệu đồng/hành khách.

Tương tự, Jetstar Pacific Airlines cũng tăng phí quản lý hệ thống từ 100.000 lên 130.000 đồng/chặng từ ngày 15-3. Hai hãng hàng không Nhật là Japan Airlines và All Nippon Airways cũng điều chỉnh tăng phí quản lý hệ thống và phụ phí xăng dầu từ VN đi Nhật...

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cục Hàng không VN cho rằng thời gian qua giá vé máy bay không tăng ngay cả khi giá xăng dầu thế giới ở mức cao, thậm chí giá vé máy bay còn giảm do có sự cạnh tranh trực tiếp giữa các hãng hàng không trong và ngoài nước.

Hơn nữa, với đợt tăng giá vé và phí dịch vụ của các hãng hàng không lần này, mức giá cao nhất với chặng bay trong nước mới chỉ đạt ngưỡng 80% giá trần quy định tại văn bản số 5010/CHK-TC ngày 11-9-2015.

Trong khi đó, theo vị này, mức trần giá vé tại văn bản này đã giảm khoảng 4% so với trước đó, do giá xăng máy bay giảm khoảng 4,71% so với tháng 12-2014.

TUẤN PHÙNG

L.NAM - N.BìNH - L.THANH
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,441,146       17/925