TTO - 31 tuổi, hướng dẫn viên Zayed là người bản xứ mà tôi tiếp xúc ngay khi vừa đặt chân xuống Dubai. Cao to trong bộ trang phục truyền thống Kandura, Zayed bập bẹ “Chào buổi sáng” với tôi.
Du khách lũ lượt vào xem các túp lều tranh của dân nghèo hồi ấy |
Và anh đã đưa chúng tôi đi chào buổi sáng Dubai tại hai điểm gắn liền với thành phố ngày xưa.
1. Ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân vào khu phố cổ Al Bastakiya là… những con đường. Đường và cả hẻm nữa đều bé xíu mà lại ngoằn ngoèo, đan xen giữa một không gian tĩnh mịch. Những ngôi nhà na ná nhau, hình hộp, xây bằng thạch cao, đá vôi, san hô, điểm tô vài vòm tròn trên tường, cửa hay bancông. Thỉnh thoảng có những ngôi nhà chĩa ra ngoài nhiều đường ống như giàn giáo đang làm dở dang.
Hướng dẫn viên Minh Vũ giải thích: Đấy là những tháp đón gió. Gió sẽ theo đường ống vào làm dịu bớt khí hậu nóng bức. À thì ra cũng một kiểu máy điều hòa đây mà. Dạo bước tôi bắt gặp vài quán cà phê nằm lọt ở các sân trong với cây xanh, hoa tươi thắm, bàn ghế gỗ đơn giản nhưng có gối tựa lưng lịch sự. Có quán nằm liền kề với phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Ả Rập, Ấn Độ... khá thú vị. Khu phố cổ được phục chế này là của các thương nhân nên mới có nhà tường và “máy lạnh”.
Còn xóm nghèo xưa đâu? Theo chân Zayed, chúng tôi đến Bảo tàng Dubai, nơi tái hiện quá trình 60 năm vươn lên của tiểu vương quốc này.
Vừa qua cổng bảo tàng, tôi bước vào một khoảng sân rộng lớn có giếng nước (Jayed nói giếng là của quý ở vùng sa mạc), những mái nhà hay lều lợp lá cọ với cột gỗ. Phía ngoài nhà có một khoảnh sân chỉ có mái, không vách. Đó là nơi ngủ mát vào những đêm hè nóng bức.
Đi sâu vào trong, đời sống của dân bản xứ ngày trước được tái hiện khá sinh động, dù trong ánh sáng nhờ nhờ của thời gian khổ ngày xưa. Một ngư dân áo quần cũ kỹ ngồi bó gối vá lưới. Một cửa hàng tạp hóa nhỏ bé lổn ngổn chai lọ. Một xưởng đóng thuyền bừa bộn. Một cửa hàng may nằm gần cửa hiệu kim hoàn. Một quầy bán gia vị với những bao bịch chà là, tiêu, gừng, vừng, tỏi.
Tôi có phần bất ngờ khi trôi theo dòng đời ngày xưa ấy, có một chỗ gọi là lớp học. Lớp là một căn phòng nhỏ gọn gàng, với bốn thầy trò mặc Kandura hẳn hoi nhưng lại ngồi xếp bằng dưới nền đất. Thầy cầm một que nhỏ chỉ vào những trang sách đang mở ra, đặt trên ba cái ghế xếp… Nghèo thì nghèo vẫn phải học thôi! Ít nhiều gì thì cái chữ học được ngày xưa đó đã góp phần làm nên một Dubai hôm nay.
Dù có nhiều trung tâm thương mại bề thế nhưng Dubai vẫn còn một số chợ, cửa hàng xập xệ. Ảnh: tiệm bán quần áo bên vỉa hè sát Dubai |
2. Nhớ lại, đi trên đường phố Dubai dù lớn hay nhỏ, tôi đều ít thấy người mà chỉ toàn cao ốc, công trình và xe cộ (không có xe máy). Tôi muốn thử ngắm nhìn một phụ nữ mặc quần áo đen bịt kín mặt chỉ chừa đôi mắt là rất khó. Phải đợi đến lúc vào tham quan Sheikh Zayed - ngôi thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới tôi mới được toại nguyện.
Người dân Dubai chính hiệu, đa phần đều cao to và có nét đẹp như người châu Âu. Thoạt nhìn có cảm tưởng như người bản xứ rất nghiêm nghị và có phần khó tính, thậm chí không muốn tiếp xúc với du khách. Tôi nhầm. Một buổi chiều, trong lúc nhiều khách đổ xô đi trả giá, mua chà là, tôi chợt thèm cà phê. Nhờ vài người bản xứ nhiệt tình chỉ trỏ, cuối cùng tôi cũng tìm ra một quán ọp ẹp nằm ở cuối dãy nhà bán thịt bên kia đường.
Chủ tiệm đã đổ cà phê vào ly nhựa, nhưng khi thấy tôi móc ra tờ giấy 10 USD thì lắc đầu, ra dấu không có tiền thối. Tôi định quay ra tìm chỗ đổi tiền, bất ngờ một người đàn ông râu rậm đứng gần đấy đã xổ một tràng tiếng Ả Rập, chìa ra một tờ giấy bạc Dirham, rồi cầm ly cà phê đưa tôi và ra hiệu cứ đi đi.
Ra ngoài đường, đang nhâm nhi cà phê, bất chợt nhà - tài - trợ - không - điều - kiện của tôi cũng vừa bước ra. Anh cười chào tôi một cái và bước đến chiếc xe tải chở hàng đậu gần đó phóng đi. Là dân lao động bình thường, thu nhập chắc kém nhiều người mà sao anh ta tốt bụng thế nhỉ…
Ở Dubai dân nhập cư nhiều gần gấp bốn lần dân bản xứ. Thế nhưng xem chừng điều kiện sống của họ thì khó khăn hơn. Một lần, chúng tôi có dịp ngồi ăn trưa, trò chuyện lâu (bằng tiếng Anh) cùng Mamdou, người Ai Cập, nhập cư Dubai tròm trèm bốn năm.
Gần tuổi 40, nhưng người đàn ông Hồi giáo này vẫn chưa có vẻ ổn định gia đình và sự nghiệp. Phải sáu tháng anh mới về thăm vợ và hai con một lần, dù thời gian từ Dubai về nhà anh ở Ai Cập chỉ mất bốn tiếng. Sao phải xa vợ con lâu thế? Để tiết kiệm chi phí tiêu xài. Anh có ý định đưa vợ con qua đây sống để đoàn tụ gia đình không? (lắc đầu) Các con tôi qua đây đi học thì không được chế độ như con em người bản xứ… Chi phí tiền học mỗi đứa con 8.000-10.000 USD/năm. Quá cao so với tiền tôi kiếm được nơi này!…
Một khách sạn 5 sao bề thế ở đảo Cọ |
3. Trước ngày lướt đa chiều cùng Dubai, tôi không ít lần nghe đồn rằng Dubai giàu có, xa hoa lắm nhờ dầu mỏ. Những thông tin nắm được trên hành trình làm tôi ngộ ra: không phải vậy. Dầu mỏ chỉ chiếm 6- 7% GDP của nước này.
Doanh thu chính của Dubai chủ yếu là từ bất động sản, du lịch và các dịch vụ tài chính. Trong đó những gì nổi trội nhất, rõ mồn một trước mắt du khách đều thuộc về bất động sản. Mà điển hình là quần đảo nhân tạo Cây Cọ được mệnh danh kỳ quan thứ tám của thế giới.
Lần đầu tiên trong đời tôi ra đảo bằng tàu điện. Minh Vũ giải thích: Ra đảo cũng có đường bộ (nhân tạo cả), nhưng ngồi tàu điện, chạy trên cao quan sát cảnh đảo rất đẹp. Mà đúng là đẹp thật. Đẹp không sợ đụng hàng, tàu lần lượt qua đủ tám cặp “nhánh cọ”, chìa đều ra hai bên phải, trái.
Những nhánh cọ cong cong hình lưỡi liềm, dài ngắn khác nhau và ăn theo chúng là 32 đường ven biển mới. Ẩn - hiện, ẩn - hiện... cùng màu xanh của biển là những ngôi biệt thự, căn hộ xinh xắn. Tuy có tới hơn 5.000 ngôi nhà, vậy mà nghe nói rằng mỗi căn biệt thự nơi đây giá bèo nhất cũng phải… trên 10 triệu đô.
Đi tới cuối đường tàu điện là nhìn thấy Atlantis - một khách sạn sang trọng nhất trên quần đảo này. Dù chỉ là khách quá giang nhưng đoàn chúng tôi vẫn có thể vào một góc của khách sạn để mua sắm hay ra cái sân nhỏ ăn kem, uống cà phê. Tôi còn tò mò đi ra ngoài băng qua con đường lớn, đèn xanh đèn đỏ, xe cộ dập dìu để bước dọc lan can ven biển. Vừa đi vừa ngắm cảnh, vừa thấm thía chuyện ở xứ này…
Chuẩn bị rời Dubai, tôi cứ băn khoăn: xếp thành phố này vào loại nào? Các “ngôn từ có cánh” được tung ra để nhận xét về Dubai đều ít nhiều có “tang chứng vật chứng”, khó xếp hạng. Thôi thì để qua bên các quyết sách táo bạo của Dubai, tôi mượn một cách nói quen thuộc của dân ta : Thành phố không có việc gì khó, chỉ quyết chí là ắt làm nên!.
- Giàu hay nghèo thì hầu hết người bản xứ vẫn thường mặc trang phục truyền thống. Nam giới mặc kandura - một loại áo vải trắng dệt từ lông cừu hoặc bông, dài đến mắt cá chân, nữ mặc abaya, loại áo khoác màu đen, che hầu hết các phần của cơ thể. Hiện nay ra phố, quần áo kiểu phương Tây có lấn lướt bởi vì phần lớn dân số là dân nhập cư và người bản xứ cũng dần thay đổi cách ăn mặc - Tuy có nhiều trung tâm thương mại hoành tráng, sang trọng nhưng Dubai vẫn còn một số khu chợ, cửa hàng bình dân, xập xệ. Cũng như đất nước có thu nhập quốc dân trên đầu người cao, nhưng không phải tất cả người dân nào cũng khá giả. |