Du lịch

Người Việt và người Nhật đều thích ăn món sống

TTO - Rất nhiều điểm chung giữa văn hóa ẩm thực VN - Nhật đã được các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp khách sạn 5 sao... chia sẻ trong buổi chiều Sài Gòn cuối tuần thật sự thú vị.

Các vị khách mời thảo luận ẩm thực Việt - Nhật: Sức hấp dẫn từ những điểm tương đồng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các vị khách mời thảo luận ẩm thực Việt - Nhật: Sức hấp dẫn từ những điểm tương đồng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây là một trong những nội dung tại Hội thảo ẩm thực Việt - Nhật: Sức hấp dẫn từ những điểm tương đồng do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 14-1 tại Gem Center, TP.HCM với sự đồng hành của hai thương hiệu Ajinomoto và Acecook VN.

Thậm chí, các chuyên gia cho rằng càng nghiên cứu, tìm hiểu thì sự tương đồng trong ẩm thực Việt - Nhật càng rõ nét.

Trong 6 bản sắc ẩm thực VN mà TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, trưởng đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới, đem đến với hội thảo, thì mối tương quan giữa văn hóa ẩm thực VN - Nhật rõ nhất là cả hai đều thích ăn sống, trong đó người Việt thích ăn rau sống còn người Nhật là món sashimi với cá sống các loại, hải sản sống...

Các món sống đều được người dân nghiên cứu khá rõ điều kiện sinh trưởng của hải sản hay loại rau nên khá an toàn và vệ sinh.

Nền ẩm thực hai nước đều lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành. Tự nhiên từ nguyên vật liệu tươi sống đến cách chế biến nấu luộc, gỏi sống, hấp... đến gia vị tự nhiên từ củ rau, không chế biến như ngũ vị của Trung Quốc. Tính lành của ẩm thực Việt là rau củ quả làm nguyên liệu chính, cá, riêng thịt thì lượng ít.

Tuy nhiên, nếu như món ăn Nhật Bản lấy hương vị tự nhiên làm chủ đạo thì rất nhiều món ăn VN được chế biến từ nhiều hương vị khác nhau, chỉ riêng món phở có đến 15 - 24 vị, được nêm nếm một cách cân bằng, vừa miệng nên phù hợp với nhiều khẩu vị khác nhau.

Ông Toshiki Ando - Giám đốc trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Toshiki Ando - giám đốc trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại VN - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Nguyễn Văn Dũng đại diện Ban biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu chào mừng, tuyên bố lý do của hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu chào mừng, tuyên bố lý do hội thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Toàn cảnh buổi Hội thảo Ẩm thực Việt - Nhật - Ảnh: DUYÊN PHAN
Toàn cảnh buổi Hội thảo Ẩm thực Việt - Nhật - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thứ 2 là ẩm thực VN rất đa dạng và có nhiều tiềm năng trở thành nhà bếp đa dạng nhất thế giới, không chỉ đa dạng quốc gia, mà ẩm thực Việt còn mang đậm tính vùng miền. Tiêu biểu cho bản sắc này là món bánh mì thịt.

Bánh mì được du nhập từ Pháp nhưng ngày nay bánh mì thịt là thương hiệu của VN... Rất nhiều món ăn trong gia đình, vượt ra khỏi không gian gia đình để đi vào nhà hàng khách sạn. Ông Nhã cho rằng VN cần phải tiếp tục nghiên cứu bản sắc, thể hiện bản sắc, sưu tầm thêm các món ăn thuần Việt trong gia đình hay làng bản.

Còn ông Nishiyama Kazuo, bếp trưởng nhà hàng Fuji, khách sạn Nikko Sài Gòn, lại cho rằng điểm tương đồng trong ẩm thực Nhật - Việt là cả hai đều không nêm nếm nhiều mà chú trọng khai thác hương vị tự nhiên của nguyên liệu đó.

Người Nhật thường sử dụng muối để tạo ra độ ngọt của món ăn. Ẩm thực Nhật thường được sử dụng công thức 1 canh 3 thức: tức 1 món canh 3 món mặn để phân biệt với những nền ẩm thực các nước khác. Đây là chế độ dinh dưỡng bữa cơm hằng ngày của Nhật.

TS. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã - Trưởng đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới  phát biểu Tổng quan về đặc trưng văn hóa ẩm thực Việt - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã - trưởng đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới phát biểu tổng quan về đặc trưng văn hóa ẩm thực Việt - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Nishiyama Kazuo - Bếp trưởng nhà hàng Fuji trình bày góc nhìn cơ bản về văn hóa ẩm thực Nhật hào quyện cùng văn háo ẩm thực Việt - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Nishiyama Kazuo - bếp trưởng nhà hàng Fuji, trình bày góc nhìn cơ bản về văn hóa ẩm thực Nhật hòa quyện cùng văn hóa ẩm thực Việt - Ảnh: DUYÊN PHAN

Khá thú vị, mở đầu cho bài chia sẻ của mình, TS Nguyễn Nhã cho biết khi có thông tin Nhật Bản quyết định lấy ngày 4-4 hằng năm là Ngày phở VN, ông đã rất cảm kích, vui mừng và thực sự muốn nói lời cảm ơn với nước Nhật. Hôm nay là dịp để ông làm điều đó.

Trong tinh thần vui mừng như vậy, TS Nguyễn Nhã còn mạnh dạn đề xuất phải chăng VN cũng có thể chọn một ngày sushi, món ăn tiêu biểu Nhật Bản tại VN.

Một điểm chung khác giữa nền ẩm thực VN - Nhật là vị trí địa lý của hai quốc gia này là tiếp xúc với đường bờ biển dài nên sử dụng nhiều hải sản và rau củ. Nhưng món Việt lại sử dụng nhiều nước mắm để nêm nếm, còn Nhật dùng tương.

Ngày 4-4-2016, Nhật Bản đã quyết định là Ngày phở VN. Việc lựa chọn “Ngày phở VN” tại có công rất lớn của Công ty Acecook Nhật Bản.

Chính doanh nghiệp Nhật Bản này đã gửi đơn đăng ký đến Hiệp hội Những ngày kỷ niệm của nước này đề nghị công nhận ngày 4-4 hằng năm là “Ngày của Phở” và được chấp nhận.

Lý do lấy ngày 4-4 được chọn bởi trong tiếng Anh số 4 nghĩa là "four", phát âm giống với "Fō", cách gọi món phở trong tiếng Nhật.

N.BÌNH
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,603,050       12/961