Y tế

Thiếu thuốc trúng thầu: Bệnh viện “kêu” một đằng, Sở “phán” một nẻo

PN - Dù Sở Y tế đã tổ chức đấu thầu tập trung nhưng hiện nhiều bệnh viện tại TP.HCM đang rơi vào cảnh thiếu thuốc điều trị. Gặp khó khăn nhưng các BV không dám… “hé răng” than thở.

Trúng thầu nhưng không cung ứng

Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định đã báo với Sở Y tế rằng BV này không còn một viên kháng sinh Amikacin nhập ngoại nào trong kho. Hiện BV đang phải sử dụng kháng sinh nội địa để điều trị cho bênh nhân (BN), dù biết rằng hiệu quả không bì được với kháng sinh ngoại.

Tình trạng này cũng xảy ra tại BV Phạm Ngọc Thạch khi lượng BN điều trị viêm phổi rất đông nhưng số thuốc có hoạt chất methylprednisolone chuyển về BV chỉ khoảng 100 lọ.

Việc thiếu thuốc với hoạt chất methylprednisolone đang xảy ra ở nhiều BV, kể cả đó là loại thuốc generic (thuốc được sản xuất dựa trên sao chép công thức từ biệt dược gốc). Đại diện một BV cho biết: “Trước khi Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung, chúng tôi đã gửi hồ sơ lên Sở báo cáo BV cần đến 1.100 ống thuốc Solu-Medrol Inj 125mg với hoạt chất methylprednisolone nhưng sau khi đấu thầu, Sở chỉ rót xuống có 140 ống”. BS này giải thích, Solu-Medrol Inj 125mg là loại bột vô khuẩn pha tiêm dùng chung với kháng sinh để chích cho người bệnh điều trị kháng viêm, viêm khớp, viêm phổi, nhiễm khuẩn nặng… rất hiệu quả.

Đây là thuốc biệt dược gốc của một công ty (CT) Mỹ có bản quyền, được đăng ký nhãn hiệu (gọi tắt là thuốc biệt dược gốc) nhưng vì hết hàng nên BV này chuyển sang sử dụng thuốc generic. Theo BS này, dù chuyển qua thuốc generic do một CT trong nước sản xuất với giá 55.860đ/lọ, rẻ hơn 20.000đ/lọ so với thuốc gốc nhưng vẫn lo ngại khi điều trị cho những ca bệnh nặng.

Thuốc Pantoprazol 40mg dạng tiêm rất cần dùng điều trị xuất huyết tiêu hóa, đau dạ dày nhưng
nhiều bệnh viện không có. (Trong ảnh là một bệnh nhân đang được nội soi dạ dày)

Dược sĩ ở một BV hạng 1 lo lắng: Hưởng ứng chủ trương của ngành y tế là ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nên BV chỉ lấy có 400 lọ thuốc biệt dược gốc - methylprednisolone 40mg và chuyển hướng sang dùng thuốc Việt Nam đến 14.000 lọ do CT cổ phần dược phẩm Vĩnh Phúc (Vinphaco) trúng thầu với giá 20.790đ/ống. Thế nhưng từ lúc trúng thầu đến nay, CT này vẫn chưa cung ứng lọ thuốc nào cho BV. Vì đây là thuốc cấp cứu nên BV rất cần. Các BS phải chuyển sang dùng thuốc khác, với hoạt chất hydrocortisone dạng chích.

PGS Trần Văn Bình, nguyên Trưởng khoa Huyết - sinh học, BV Truyền máu huyết học TP.HCM lý giải: Dù hoạt chất hydrocortisone tương tự methylprednisolone nhưng cũng lo ngại về hiệu quả vì mỗi hoạt chất sẽ tương ứng với từng bệnh nhất định. Ví dụ, hydrocortisone tác động nhanh sau khi chích thì thời gian thuốc bị đào thải ra khỏi cơ thể cũng sớm, trong khi methylprednisolone sẽ tác động chậm hơn và thời gian đào thải cũng chậm lại. Do đó, nếu thay thế bằng hydrocortisone, người bệnh phải dùng số lượng thuốc nhiều hơn so với methylprednisolone. Còn xét về chất lượng thì thuốc generic khó sánh bằng thuốc biệt dược gốc, dù trên lý thuyết hai thuốc này tương đương nhau về chất lượng.

Các BV cũng thiếu trầm trọng các thuốc điều trị thông dụng như: thuốc tiểu đường, đau thắt ngực… Một BV trên địa bàn Q.10 cần đến 100.000 viên thuốc đau thắt ngực Nitrostad (glyceryl trinitrat) nhưng sau khi đấu thầu, BV chỉ nhận được khoảng 10.000 viên và đã dùng hết từ tháng Tư. Ngoài ra, BV này rất mong chờ vào kết quả đấu thầu tập trung để cung ứng cho BV 100.000 viên thuốc tiểu đường với hoạt chất mefotmin nhưng CT trúng thầu cũng chỉ cung cấp 12.000 viên.

Một BV ở khu vực Q.5 thiếu thuốc biệt dược gốc Paracetamol dạng chích để giảm đau, hạ sốt khẩn cấp cho BN nằm viện hay khi mổ. Hay thuốc Pantoprazol 40mg dạng tiêm dùng điều trị xuất huyết tiêu hóa, đau dạ dày cũng trong tình trạng tương tự. “Mặt hàng thuốc này đã hết tại BV từ một tháng nay nên chúng tôi chuyển qua dùng thuốc generic nhưng với những bệnh nặng, cũng lo ngại khả năng đáp ứng của thuốc. Khó nhất là khi BV than thở thì cơ quan chức năng “đòi” thanh tra kho thuốc BV. Như vậy chẳng còn ai dám than vì chắc chắn kho thuốc của BV không có thiếu sót mặt này thì cũng lòi ra mặt khác” - một BS băn khoăn.

BV “kêu” thiếu, Sở nói không

Đại diện CT TNHH liên doanh Stada Việt Nam - nhà sản xuất thuốc Nitrostad cho biết, CT phân phối của Stada đã trúng thầu gần bốn triệu viên thuốc đau thắt ngực Nitrostad theo đúng kế hoạch mời thầu của Sở. Và CT đã cung ứng đủ số lượng, chứ không để xảy ra tình trạng đứt hàng. CT cũng có nghe BV kêu thiếu thuốc nhưng việc phân bổ số lượng thuốc từ các CT về BV là do Sở quyết định. Phản hồi với các BV, Sở Y tế giải thích, một trong những nguyên nhân khiến các BV thiếu thuốc là do lỗi phần mềm tập hợp danh mục thuốc từ các BV. Vì thế, số lượng thuốc được mời thầu ít hơn số thực tế, khiến số lượng thuốc mà Sở chuyển về các BV không đúng với nhu cầu của BV.

Một số BV cho rằng, bên cạnh lỗi phần mềm từ Sở thì cũng có CT khi trúng thầu đã không đáp ứng nổi khả năng cung cấp số lượng thuốc quá lớn. “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ hình thức đấu thầu tập trung tại Sở để công khai, minh bạch và thống nhất một giá thuốc; tránh hiện tượng cùng một loại thuốc nhưng mỗi BV một giá. Đấu thầu tập trung còn tạo cơ hội cho các CT dược trong nước phát triển. Tuy nhiên, nếu chỉ có một loại thuốc trúng thầu cho toàn hệ thống các BV thì khó có CT nào cung ứng nổi vì thuốc cung cấp cho BV công lập ở TP.HCM chiếm đến 30% của cả nước.

Đồng thời, các nhà thầu nhỏ sẽ có nguy cơ bị loại khỏi danh sách đấu thầu. Vì vậy, với việc đấu thầu tập trung nên nghĩ đến mô hình cho phép liên doanh, liên kết giữa các CT cung ứng nhưng giá tham gia đấu thầu phải có sự đàm phán của cơ sở mời thầu. Có như vậy mới tránh được hiện tượng đứt hàng giữa chừng do không sản xuất kịp” - một dược sĩ kiến nghị.

BS Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định: Do là lần đấu thầu đầu tiên nên còn khiếm khuyết, không tránh hết được những khó khăn, nhưng không có chuyện BV thiếu thuốc. Nếu không có thuốc biệt dược gốc, BV có thể sử dụng thuốc generic thay thế. Nếu BS nào nói thuốc generic không bằng thuốc biệt dược gốc, không điều trị được cho BN nặng thì phải chứng minh. Riêng những trường hợp CT dược đã trúng thầu mà không cung ứng thuốc đúng như hợp đồng thì BV báo cáo lên Sở, Sở sẽ thực hiện các hình thức chế tài đối với CT đó, đồng thời, Sở sẽ tìm nguồn thuốc khác thay thế cho BV.

Mặc dù Sở Y tế đã “mở lời” như thế nhưng trước thực trạng lỗi phần mềm và năng lực cung ứng thuốc của các CT dược, người bệnh vẫn phải chấp nhận điều trị bằng những loại thuốc “thay thế” trong một thời gian nữa.

 Văn Thanh

www.phunuonline.com.vn

thiếu thuốc, đấu thầu cung cấp thuốc, cung ứng thuốc, kháng sinh, bệnh nhân, Sở Y tế


© 2021 FAP
  338,935       1/407