PN - Bộ Y tế lại phát hiện nhiều mẫu ốc bươu lấy tại chợ Bình Điền đã nhiễm khuẩn tả, còn nguy hiểm hơn cả bệnh tiêu chảy cấp. Báo Phụ Nữ đã phỏng vấn các bác sĩ về cơ chế lây truyền và mức độ nguy hiểm
Phẩy khuẩn tả dưới kính hiển vi điện tử. Nguồn ảnh: Internet.
PV: Bộ Y tế vừa công bố mẫu ốc dương tính với phẩy khuẩn tả. Như vậy, ngoài ốc ra thì phẩy khuẩn tả còn trú ẩn ở những loại động vật nào?
- Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Thực tế, chợ Bình Điền là đầu mối nhập các mặt hàng từ nhiều địa phương khác về, chứ không chỉ riêng TP.HCM. Do vậy, mẫu ốc được lấy tại chợ Bình Điền thì chưa hẳn nguồn phẩy khuẩn tả xuất phát từ TP.HCM. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là các quán ăn, nhà hàng, người tiêu dùng mua ốc về chế biến, sau khi rửa ốc sẽ đổ nguồn nước nhiễm phẩy khuẩn tả xuống các ao hồ, kênh rạch, sông… tại TP.HCM nên phẩy khuẩn tả sẽ xuất hiện ở TP.HCM nhiều hơn. Hiện ngành y tế TP.HCM đang phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM truy tận gốc mẫu ốc bị nhiễm phẩy khuẩn tả để có biện pháp xử lý triệt để.
- TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM: Vi khuẩn tả còn sống được trong môi trường nước lợ, nước mặn, nhất là các vùng cửa sông, ven biển, phát tán nhanh trong môi trường nước, tồn tại ở nhiệt độ từ 160C – 420C. Do đó, vi khuẩn tả thường trú ở các động vật sống trong môi trường nước như: ốc, tôm, cua; một số hải sản tươi sống khác cũng chứa mầm bệnh. Nguy hiểm nhất là người lành cũng mang mầm bệnh.
* Bệnh tiêu chảy cấp có khác bệnh tả? Có phải do những chủng vi khuẩn khác nhau gây bệnh không, thưa bác sĩ?
- PGS-TS-BS Cao Minh Nga, Trưởng bộ môn Vi sinh, Đại học Y dược TP.HCM: Bệnh tiêu chảy cấp có thể do nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn (như dùng kháng sinh liều cao và kéo dài, các bệnh ngoại khoa có biểu hiện tiêu chảy cấp, các bệnh nhiễm trùng toàn thân, một số bệnh nhiễm trùng hô hấp, viêm tai giữa…). Bệnh tiêu chảy cấp chỉ phát triển thành dịch chủ yếu do vi khuẩn Salmonella, lỵ trực trùng, E.coli… Trong khi, bệnh dịch tả do vi khuẩn Vibrio Cholerae gây ra, còn gọi là phẩy khuẩn tả vì có hình dạng giống dấu phẩy. Đến 90% trường hợp tiêu chảy cấp không phải do vi khuẩn tả.
* Vậy dấu hiệu nào để nhận biết người bệnh mắc tiêu chảy cấp hoặc dịch tả?
- TS-BS Lê Mạnh Hùng: Thực tế, bệnh tả cũng là một dạng của bệnh tiêu chảy cấp nên rất khó phân biệt bệnh nhân nào bị tiêu chảy cấp, bệnh nhân nào bị dịch tả; trừ khi xét nghiệm. Vì chỉ có 20% bệnh nhân mắc phẩy khuẩn tả có dấu hiệu điển hình của bệnh như: tiêu chảy ồ ạt, xối xả, ói, dễ mất nhiều nước; đặc biệt tình trạng tiêu chảy liên tục nhiều lần với khối lượng lớn, phân toàn nước, mùi tanh, trông như nước vo gạo. Nếu không bù nước kịp thời sẽ dễ bị suy thận, tử vong. 80% ca còn lại có biểu hiện giống như tình trạng tiêu chảy cấp như: tiêu chảy lỏng hơn ba lần/ngày và không kéo dài hơn hai tuần.
* Đường lây của bệnh tả và bệnh tiêu chảy cấp như thế nào?
- PGS-TS-BS Cao Minh Nga: Đường lây của hai bệnh này giống nhau: vì vệ sinh kém, có thể do bản thân thực phẩm bị nhiễm bẩn hoặc do quá trình chế biến, sử dụng thức ăn không sạch sẽ. Đặc biệt, hiện có nhiều điểm bán thức ăn ngay trên mặt cống, nằm cạnh lề đường, xe cộ và người qua lại đông đúc nên rất dễ nhiễm khuẩn; trong khi người bán thức ăn không hề đeo găng tay, có khi cầm tiền rồi cầm thức ăn bán cho khách hàng… Bảo quản thực phẩm không đúng điều kiện, bán hàng quá hạn sử dụng cũng ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu trong quá trình chế biến thực phẩm, không đạt đến nhiệt độ và thời gian diệt vi khuẩn thì chúng vẫn có khả năng tồn tại và phát triển. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước nhiễm vi khuẩn tả, E.coli… tưới lên rau, rửa trái cây rồi đem bán, người ăn khi ăn phải rau sống, trái cây dính vi khuẩn sẽ mắc bệnh tiêu chảy cấp hay bệnh tả.
* Xin cảm ơn các bác sĩ.
Văn Thanh thực hiện
virus, phẩy khuẩn tả, ốc bươu, chợ đầu mối Bình Điền