Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Thang Văn Phúc, cho rằng nạn bằng giả phần nào phản ánh một xã hội sính bằng cấp, trong đó có trách nhiệm của cơ quan tuyển dụng
Phóng viên: Việc tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện hàng chục cán bộ ngành y tế sử dụng bằng cấp giả cho thấy tệ trạng này đã len lỏi vào cả những lĩnh vực đòi hỏi nhân viên phải được đào tạo bài bản do liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người như y tế, thưa ông?
- Ông Thang Văn Phúc: Vụ việc chấn động này cho thấy dù muộn nhưng các cơ quan chịu trách nhiệm phải lập tức tiến hành đợt tổng kiểm tra cán bộ, công viên chức trên phạm vị cả nước. Phát hiện sai phạm thì phải xử thật nghiêm từ người sử dụng bằng giả đến cơ quan tuyển dụng. Song song đó, khuyến khích cán bộ tự khai nhận đã gian lận trong bằng cấp với việc áp dụng chế tài có tính khoan hồng.
Công an TP HCM cũng vừa phá 1 vụ làm giả bằng tiến sĩ, thạc sĩ rất quy mô. Việc ngang nhiên sử dụng bằng giả phải chăng xuất phát từ tâm lý trọng bằng cấp cùng với cách quản lý cán bộ lỏng lẻo, hình thức dẫn đến việc mua bán bằng giả tràn lan, thậm chí là công khai trên mạng?
- Thực trạng này phản ánh sự xuống cấp của một phần xã hội và đang lan rộng. Cách tốt nhất để xử lý tệ trạng này là tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm. Tôi nói thật là nếu đuổi việc tất cả thì cũng rất gay vì họ còn có gia đình, con cái nữa. Vì thế, lĩnh vực nào “nóng” tình trạng sử dụng bằng giả thì cần có đợt phát động, tố giác để lấy lại sự công bằng cho những người đã mất nhiều công sức học tập bài bản. Nếu ai tự nguyện khai báo thì có hình thức xử lý theo hướng động viên.
Chỉ trong lĩnh vực y tế ở tỉnh Thanh Hóa mà đã phát hiện số lượng cán bộ sử dụng bằng giả lớn như vậy, liệu tình trạng này có phổ biến trong các ngành nghề khác?
- Việc này hết sức nguy hiểm vì y tế là ngành đòi hỏi chất lượng đào tạo cao. Đây là lỗi lớn của những người trong cuộc và cơ quan tuyển dụng. Trước hết, cơ quan tuyển dụng phải chịu trách nhiệm do dễ dãi hay có thể làm ngơ này và cần phải xử lý thật nghiêm để răn đe. Nếu cơ quan tuyển dụng làm nghiêm túc từ đầu, bằng cấp giả khó mà lọt qua.
Ngành y tế có vai trò quan trọng như vậy mà còn có gian lận thì ở vô vàn ngành nghề khác, nạn bằng giả cũng không loại trừ, thậm chí mức độ có thể còn ghê gớm hơn. Hơn lúc nào hết, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương cần mở đợt tổng kiểm tra, đánh giá tổng quan tình trạng bằng cấp để bảo đảm sự công bằng, đồng thời tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc từ đội ngũ không hề được đào tạo nhưng lại thực thi chuyên môn, thậm chí chuyên môn sâu.
Hiện nhà nước đang tiến hành đợt tổng đánh giá, kiểm tra thực thi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Với việc rà soát lại đội ngũ công chức, viên chức thì nên bắt tay ngay vào đánh giá thực trạng bằng cấp.
Nhiều ý kiến cho rằng một xã hội nặng bằng cấp bắt nguồn từ chạy việc, chạy chức, chạy quyền?
- Một xã hội đặt nặng bằng cấp và gắn với đó là người có bằng được đào tạo có chất lượng, có năng lực thì quá tốt. Nhưng ở Việt Nam lại không hoàn toàn như vậy. Vì thế, cần đề cao hơn nữa năng lực thực tài bên cạnh tiêu chí về bằng cấp.
Trong nhiều lĩnh vực, người có tài nhưng do thiếu bằng cấp, họ không có cơ hội cống hiến, trong khi nhiều người có bằng cấp nhưng trình độ chuyên môn không vững, thậm chí yếu lại được giao đảm nhận những vị trí quan trọng.