Công nghệ thông tin

Bằng giả hoành hành

Chỉ trong năm 2014, riêng đường dây làm giả bằng ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ vừa bị triệt phá ở TP HCM đã tiêu thụ đến 500-600 bằng, cho thấy nhu cầu trong xã hội vẫn rất lớn

Thanh Hóa vừa phát hiện 20 cán bộ y tế dùng bằng giả. TP HCM cũng mới triệt phá một băng nhóm sản xuất bằng giả từ cử nhân đến tiến sĩ... Tình trạng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Bằng giả: Hại người

Bức xúc trước thực trạng hàng chục cán bộ y tế dùng bằng giả chỉ riêng ở tỉnh Thanh Hóa, GS-TS Đỗ Kim Sơn, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhấn mạnh đây là điều không thể chấp nhận được.

“Không có bằng cấp, chuyên môn mà thăm khám, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân là cực kỳ nguy hiểm. Những người mua bằng để làm bác sĩ chính là “lang băm” làm liều, coi thường tính mạng người bệnh” - GS Sơn nhìn nhận.

Theo TS Hoàng Bùi Hải, Trường ĐH Y Hà Nội, ngành y là một ngành khoa học vừa tự nhiên vừa xã hội, tuyển đầu vào đã khó, quá trình học lại vất vả. Thời gian học dài, lúc ra trường còn cần học thêm nữa, bên cạnh đó luôn phải có thầy kèm cặp đến khi trở thành người làm việc độc lập. “Cán bộ ngành y sử dụng bằng giả thì đúng là hại bệnh nhân” - TS Hải lo ngại.

Bằng giả hoành hành
Băng nhóm làm bằng giả vừa bị Công an TP HCM triệt phá Ảnh: Phạm Dũng
Băng nhóm làm bằng giả vừa bị Công an TP HCM triệt phá Ảnh: Phạm Dũng

Một chuyên gia trong ngành y tế đau đớn cho rằng đặc thù ngành y là công việc liên quan đến tính mạng người bệnh. Vì thế, những người sử dụng bằng giả về chuyên môn là vi phạm pháp luật, cần xử phạt nghiêm khắc.

“Chúng ta phải có biện pháp mạnh để xử lý chuyện này, để răn đe những kẻ lợi dụng kẽ hở của pháp luật. Tôi cảm thấy rất buồn về chuyện này. Việc sử dụng bằng giả trong các ngành đã đáng trách nhưng dùng bằng giả trong ngành y tế còn đáng trách hơn. Ngành y liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, vì vậy trình độ thật rất quan trọng” - chuyên gia này bày tỏ.

Chỉ có thể “chui” vào cơ quan nhà nước

Chỉ trong năm 2014, riêng đường dây làm bằng CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ giả do Phạm Đăng Thành (SN 1990, quê Quảng Ngãi) cầm đầu đã bán khoảng 600 bằng giả các loại. Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng bằng giả trong xã hội là rất lớn. Băng nhóm này vừa bị Công an TP HCM triệt phá.

Lý giải về thực trạng mua bằng bán cấp, một giáo sư danh tiếng cho rằng nguyên nhân quan trọng chính là do sự háo danh. “Khi xã hội tồn tại bằng cấp, danh hiệu, giải thưởng thì sẽ có không ít người dùng mọi cách để có được hư danh. Thêm vào đó, nhiều nhà tuyển dụng còn quá thiên về bằng cấp, họ đòi hỏi bằng cấp này, chứng chỉ kia mới tuyển dụng nên người ta phải “chạy” bằng giả” - ông phân tích.

TS Hoàng Bùi Hải đưa ra hàng loạt nguyên nhân khiến bằng giả tồn tại, trong đó có “thói quen” của nhiều người. “Họ suy nghĩ cái gì cũng có thể mua bán được. Đã “mua” nhiều thứ rồi, cái gì cũng thấy dễ, còn bằng cấp để hợp thức hóa cái vỏ bọc thì có sao đâu? Ban đầu là mua chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, sau đó đến bằng đại học rồi cả tiến sĩ. Toàn xã hội đâu đâu cũng cần bằng cấp, học hành thật thì lâu nên đi mua cho nhanh” - TS Hải nhận xét.

Theo giảng viên này, bên cạnh đó, việc quản lý về đào tạo và cấp bằng lỏng lẻo. Nhiều trường mới ra đời, không đủ điều kiện vẫn hoạt động (có trường đại học chỉ có hiệu trưởng và kế toán là cơ hữu, còn đi thuê giảng viên; có giảng viên giảng cho rất nhiều trường nhưng giảng thế nào không ai biết). Chưa hết, cách tuyển dụng không minh bạch, không công khai, chỉ dựa trên bằng cấp cũng khiến nhiều người bằng mọi cách để có được tấm bằng.

Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng thẳng thắn: “Người học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không vào được doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”. Thực tế, chưa có một cuộc điều tra cụ thể nào về việc này nhưng nhiều chuyên gia khi được hỏi đều đồng tình với ý kiến của bộ trưởng Luận.

TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và Phát triển, cho rằng chỉ có cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mới thu nhận những người dùng bằng giả hoặc bằng thật chất lượng giả, bởi nếu họ làm không hiệu quả, yếu kém, thua lỗ thì đã có nhà nước, nhân dân chịu. Theo ông, chính cơ chế tuyển dụng nặng về bằng cấp đã làm nản lòng nhiều người giỏi, tạo cơ hội cho nhiều người dùng bằng giả.

“Tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, viên chức đương nhiên phải có tiêu chí. Nhưng nếu nhà tuyển dụng quan liêu, chỉ nhìn vào bằng cấp thì sẽ bị bằng cấp đánh lừa. Đó là chưa nói đến những người trục lợi, biết thừa người ta xài bằng giả hoặc bằng thật trình độ giả mà vẫn tuyển dụng, đề bạt vì lợi ích cá nhân” – TS Vịnh phân tích.

TS Hoàng Bùi Hải cũng nhất trí với quan điểm này. “Nếu chúng ta có cách tuyển dụng minh bạch hơn, mọi ứng viên tham gia đều có cơ hội như nhau, có hội đồng tuyển công tâm với những tiêu chí rõ ràng thì nhiều người giỏi sẽ có cơ hội. Người giỏi về công việc cần tuyển, chứ không phải “giỏi lĩnh vực khác” hay là “giỏi toàn diện”” - TS Hải lý giải.

Xử lý chưa nghiêm

Những quy định về xử lý kỷ luật người sử dụng bằng giả rất nghiêm khắc và rõ ràng nhưng trên thực tế, nhu cầu sử dụng, mua bán bằng giả vẫn rất lớn.

Lý giải tình trạng này, một GS của ĐH QG Hà Nội thẳng thắn: “Quy chế rất rõ ràng, đầy đủ nhưng vấn đề là xử lý kỷ luật chưa nghiêm nên không ai sợ. Bộ GD-ĐT đề ra quy chế cấm học viên sau ĐH tiếp xúc thành viên hội đồng chấm luận văn, luận án trước khi bảo vệ nhưng ít cơ sở đào tạo chịu thực hiện vì lối suy nghĩ xuê xoa, đại khái. Học viên sau ĐH nào mang luận án đến nhà thành viên hội đồng để chấm cũng cầm theo phong bì, như thế thì làm sao đánh giá được khách quan?”.

Về giải pháp ngăn chặn bằng giả, chuyên gia này cho rằng phải xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm để làm gương. Đồng thời, cần công khai các luận văn, luận án trên trang web của trường để dễ dàng có thông tin so sánh, đối chiếu.

Dưới một góc nhìn khác, TS Nguyễn Văn Vịnh đặt vấn đề: Tại sao những người dùng bằng giả hoặc bằng thật trình độ giả không vào doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài được? Theo ông, vì việc tuyển dụng, đề bạt nhân viên ở đó gắn chặt với quyền lợi của ông chủ, của doanh nghiệp. Khi tuyển, người ta đã định rõ vào vị trí nào, để làm việc ở vị trí đó thì phải đáp ứng được những yêu cầu gì; không đạt yêu cầu dứt khoát không tuyển. Vì thế, khi có được một thị trường lao động đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh, chúng ta sẽ hạn chế được những người bằng thật - kiến thức giả vào bộ máy nhà nước.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng từng đau đáu khi nhận xét: “Đội ngũ cán bộ tổ chức ở doanh nghiệp tư nhân không chuyên như chúng ta mà họ lại “lọc” được, còn chúng ta thì lại không”. Vì vậy, người đứng đầu ngành GD-ĐT “thiết tha đề nghị” Bộ Nội vụ nhanh chóng có đề án đổi mới tuyển dụng cán bộ viên chức, công chức.

Liên tục phát hiện bằng giả

Tháng 10-2014, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định cách chức chủ tịch UBND xã Tiến Lộc đối với ông Hoàng Văn Đồng. Ông Đồng đã mượn bằng tốt nghiệp THPT của anh vợ rồi đi học và tốt nghiệp Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, ông được thăng chức từ trưởng công an xã đến phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND xã.

Tháng 8-2014, Phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xác nhận cơ quan chức năng đã có kết luận 20 nhân viên y tế học đường đang làm việc tại các trường tiểu học và THCS trong huyện sử dụng bằng giả. Trước đó, tháng 3-2014, lãnh đạo huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Định Công đối với ông Bùi Tuấn Ngọc vì giả mạo bằng cấp. Tại Thừa Thiên - Huế, giảng viên Trần Thị Hoài Diễm công tác tại Trường ĐH Nghệ thuật Huế bị phát hiện sử dụng bằng ngoại ngữ giả để đủ điều kiện tốt nghiệp thạc sĩ...

Theo số liệu của Sở GD-ĐT Sóc Trăng năm 2011, toàn tỉnh có đến 284 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có 107 viên chức ngành giáo dục. Những người sử dụng bằng giả cho biết mỗi bằng họ mua với giá 3-20 triệu đồng….

Tiếp đó, tháng 6-2012, Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội đã triệt phá đường dây mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả từ tốt nghiệp THPT đến thạc sĩ, tiến sĩ. Cơ quan Công an đã khởi tố 3 đối tượng liên quan.

D.Thu

Học giả bằng thật: Mối nguy gấp nhiều lần

Một GS của ĐH quốc gia Hà Nội phân tích: Bằng cấp giả được hiểu theo theo 2 nghĩa, một là bằng cấp có nguồn gốc giả (in giả), hai là bằng thật nhưng học giả. Thực tế, nhiều người đã sử dụng bằng giả để “leo” cao. Tuy nhiên, hiện tượng giả này dễ phát hiện và đấu tranh hơn so với bằng thật mà kiến thức giả.

“Nhiều người nói “nhiệt tình + sự ngu dốt = phá hoại”, đôi khi hậu quả của việc “học giả bằng thật” còn lớn hơn cả sự phá hoại có chủ ý. Lắm bằng cấp giả thì xã hội sẽ kém phát triển, ngày càng tụt hậu so với các nước và người dân không thoát được đói nghèo” - GS này nhấn mạnh.

Theo TS Hoàng Bùi Hải,  bằng cấp giả tạo điều kiện cho những người không được học hành, chưa được đào tạo vào làm tại một vị trí nào đó sẽ làm giảm hiệu quả công việc, gây ra hàng loạt phiền toái.

 Y.Anh

Người lao động

© 2021 FAP
  3,161,301       1/900